Việc đóng cửa trường học dù ngắn hạn vẫn gây hậu quả lâu dài
Trước phân vân nên cho học sinh trở lại lớp không của các nước châu Âu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần cân nhắc kỹ cái giá phải trả khi đóng cửa trường học, dù chỉ vài tuần.
Gần 2 năm học trôi qua khi đại dịch khiến nhiều trường học trên thế giới phải đóng cửa, các quốc gia châu Âu một lần nữa đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan - có nên cho học sinh đến lớp hay không khi biến chủng Omicron đang khiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt.
Nhưng lần này, họ có thêm yếu tố để cân nhắc trước khi đưa ra quyết định - cái giá của việc đóng cửa trường học và chuyển sang học tập trực tuyến, dù chỉ trong vài tuần.
Học sinh học trực tuyến không hiệu quả
Theo Washington Post, học sinh ở châu Âu được đi học trực tiếp khá nhiều trong đại dịch nhưng kết quả học tập không mấy tốt đẹp.
Điểm kiểm tra giảm. Thời gian đến trường thu hẹp lại. Giáo viên lo lắng học trò không được chuẩn bị cho năm học tiếp theo.
“Trẻ em sẽ phải chịu những ảnh hưởng lâu dài”, bà Delphine Chabbert, thành viên Ủy ban Giáo dục thuộc nghị viện tại Brussels (Bỉ), nhận định.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính phủ các nước châu Âu cũng như lãnh đạo trường học nên suy xét những tác động đó khi xem xét nên mở cửa trường học hay tiếp tục để trẻ học trực tuyến.
Không ít trường ở châu Âu cho nghỉ đông sớm do số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Đứng trước kỳ học mới, họ không chỉ lo ngại về nguy cơ lây nhiễm tăng cao trong trường học do biến chủng Omicron gây ra mà còn việc liệu còn đủ giáo viên khỏe mạnh đứng lớp.
Hà Lan đang thực hiện phong tỏa và cảnh báo có thể không mở cửa trường học vào ngày 10/1 như kế hoạch đã đưa ra. Bộ trưởng Giáo dục của Anh dự đoán tình trạng thiếu số lượng lớn giáo viên sẽ xảy ra vào tháng 1 và kêu gọi cựu giáo chức quay lại dạy học. Trong khi đó, bộ trưởng Y tế nước này cho rằng có thể sẽ đóng cửa trường lớp vào đầu năm.
Trong suốt đại dịch, các quốc gia châu Âu có xu hướng coi đóng cửa trường học là phương pháp chống dịch cuối cùng. Tức họ vẫn cho học sinh đến lớp khi đã tiến hành hạn chế các hoạt động xã hội khác để kiểm soát dịch.
Dù nhìn chung, học sinh châu Âu được đi học trực tiếp nhiều hơn một số nước khác, kết quả nghiên cứu cho thấy việc đóng cửa trường trong thời gian ngắn vẫn gây bất lợi lớn.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận hiện vẫn quá sớm để đưa ra đánh giá đầy đủ về những mất mát về mặt học tập trong hai năm qua. Nhiều nước châu Âu, cũng như Mỹ, đã hủy kỳ thi chuẩn hóa do dịch.
Tuy nhiên, Hà Lan vẫn duy trì việc kiểm tra. Trong đợt dịch bùng phát đầu tiên, học sinh nước này học trực tuyến trong 8 tuần trước khi trường học mở cửa trở lại. Per Engzell, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Nhân khẩu học thuộc ĐH Oxford, đánh giá 8 tuần học online là sự lãng phí.
“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng trẻ em cơ bản không học gì trong thời gian ở nhà. Và rõ ràng, lỗ hổng kiến thức vẫn chưa được bù đắp hết, thậm chí đến tận bây giờ, tức sau một năm rưỡi”, Engzell nói.
Nghiên cứu hồi tháng 4 năm ngoái của ông cho thấy học sinh tiểu học có kết quả kiểm tra kém hơn 20% so với kết quả trong 3 năm trước đại dịch. Những em thuộc gia đình yếu thế càng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn về mặt giáo dục.
Hà Lan chi hàng triệu euro để dạy kèm, tư vấn, xây dựng chương trình hè cho trẻ em. Song những nỗ lực này vẫn chưa giúp trẻ bắt kịp việc học.
Không mở cửa trường dựa trên độ tuổi học sinh
Các nhà nghiên cứu ở Đan Mạch đưa ra bức tranh đa sắc hơn. Học sinh tiểu học ở nước này chỉ học online một tháng trước khi Đan Mạch trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên mở cửa trường học hồi tháng 4/2020. Trong các đợt phong tỏa do dịch bùng phát khác, trẻ học online thêm khoảng 8 tuần.
Jesper Fels Birkelund, nhà xã hội học tại ĐH Copenhagen, phát hiện học sinh tiểu học tại Đan Mạch không gặp trở ngại trong việc học đọc, nhiều em đạt thành tựu đáng kể.
Nhưng theo nghiên cứu được ông Birkelund công bố tháng 11 năm ngoái, những học sinh lớn tuổi hơn ở nước này học online đến 22 tuần và gặp khó khăn trong môn đọc hiểu.
Birkelund cho hay nghiên cứu của ông không ủng hộ giả thuyết học sinh lớn tuổi có thể tự sử dụng máy tính để học tập từ nhà, thậm chí khi quốc gia này có cơ sở hạ tầng, tỷ lệ tiếp cận Internet tốt.
Ông cho rằng nếu các nước châu Âu đóng cửa một phần trường học sau kỳ nghỉ đông, lãnh đạo nên xem xét dữ liệu sẵn có để quyết định đối tượng nào được trở lại trường chứ không phải chỉ dựa trên khối lớp, hay chú trọng học sinh nhỏ tuổi.
Bỉ không có số liệu tương tự từ bài kiểm tra tiêu chuẩn nhưng nhà nghiên cứu Natacha Duroisin, phó giáo sư tại ĐH Mons, khảo sát hàng trăm giáo viên tại khu vực nói tiếng Pháp để xem xét tác động của dịch Covid-19 lên ngành giáo dục.
Theo đó, 60% giáo viên THCS và THPT cho biết trong thời gian phong tỏa đầu năm 2020, mỗi ngày, chỉ một nửa số học sinh đăng nhập vào lớp học trực tuyến. Nhiều em không đáp ứng được yêu cầu của môn học.
Mô hình “đỡ tệ nhất”
Sau đợt phong tỏa hồi tháng 3/2020, Bỉ mất 2,5 tháng để mở cửa hoàn toàn trường tiểu học. Những học sinh lớn tuổi hơn tham gia vào mô hình hybrid learning - luân phiên học trực tiếp và trực tuyến mỗi tuần hoặc mỗi buổi - cho toàn bộ năm học 2020-2021.
PGS Duroisin nghiên cứu các mô hình hybrid khác nhau và xác định dựa trên thông tin từ giáo viên cung cấp, học sinh đến lớp hàng ngày, dù chỉ một buổi, có kết quả học tập tốt hơn.
Delphine Chabbert cho biết Bỉ áp dụng mô hình này nhằm giúp thanh thiếu niên gắn kết với trường học, kể cả khi các em không thể đến lớp toàn thời gian. Đến nay, báo cáo ở Bỉ chưa cho thấy tỷ lệ học sinh bỏ học gia tăng. Nhưng họ cũng không chắc chắn con số này sẽ như thế nào cho năm học 2021-2022 khi nhiều học sinh gặp khó khăn với khối lượng học phụ đạo bên cạnh chương trình tiêu chuẩn.
“Hybrid là mô hình đỡ tệ nhất. Chúng tôi ưu tiên giữ mối liên kết giữa học sinh và trường học. Đó là giải pháp duy nhất chúng tôi có”, bà Chabbert nói.
Tuy nhiên, Kalvin Legrand, học THPT ở Quaregnon (thị trấn của tầng lớp lao động nằm cách Brussels khoảng một giờ lái xe), lại đang nằm trong số những học sinh đứng trước nguy cơ bỏ học.
Trước đại dịch, Legrand đã học không tốt, phải lưu ban 2 lần. Việc học trực tuyến kết hợp trực tuyến khiến nam sinh gặp nhiều khó khăn hơn. Cậu chia sẻ rất khó để theo kịp lớp học vì đã mất hết động lực học, kể cả khi được trở lại lớp.
Năm học trước, Legrand học theo mô hình kết hợp, buổi sáng ở nhà học online, buổi chiều đến trường học trực tiếp và rất khó quản lý thời gian học bài.
Hậu quả, nam sinh thi trượt 3 môn, tiếp tục “mắc kẹt” ở trường trung học dù đã 20 tuổi và đang học phụ đạo môn Toán vào thứ tư hàng tuần để có thể tốt nghiệp trong mùa xuân năm nay.
Denis Betriaux, giáo viên của Legrand, cho biết không chỉ Legrand, năm học này, hàng chục học sinh khác của ông cũng phải học phụ đạo môn Toán và Tiếng Pháp để bù lại kiến thức hổng trong thời gian học kết hợp trực tuyến - trực tiếp.
“Các em không lạc quan lắm. Tôi không cảm nhận được niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn từ các em. Điều đó thật đáng buồn”, ông Betriaux chia sẻ.
Trước đại dịch, Legrand từng ước mơ trở thành giáo viên Thể dục. Nhưng hiện tại, rõ ràng, theo đuổi ý định học lên đại học có vẻ viển vông. Vì thế, nam sinh nghĩ bản thân nên hướng tới ngành nghề dễ tiếp cận hơn, gia nhập quân đội chẳng hạn.
Và dù tính khả thi không lớn, Legrand vẫn hy vọng không phải quay lại học trực tuyến hay học kết hợp.
“Tôi đã mất một năm rồi. Nếu không thể đến lớp, trực tiếp học dưới sự giảng dạy của giáo viên, với tôi, đó là một thất bại khác”, nam sinh tâm sự.