Việc gì khó, có chị Xuân

Đây là cách khá nhiều người Việt ở Nhật truyền tai nhau mỗi khi gặp vấn đề trong thủ tục giấy tờ du học, việc làm, mua nhà, tìm kiếm đối tác kinh doanh...

Thời nay, sống để được nhiều người quý, khó lắm. Nhưng đang gặp chuyện mà đồng hương xuất hiện, nói được tiếng Việt mình và lý lẽ được với cơ quan công quyền xứ người, sự cảm mến cùng quý hóa nhân lên bội phần.

“Người Nhật trọng văn hóa giới thiệu. Làm việc gì được giới thiệu cũng suôn sẻ và dễ dàng hơn nhờ uy tín người bảo lãnh. Việc trả ơn đáng giá nhất chính là làm gì cũng phải nghĩ tới người giới thiệu: Đừng hối lộ họ, thế là phạm pháp; đừng làm gì tổn hại danh tiếng của họ, thế mới phải đời phải đạo”, chị Nguyễn Xuân, một người Việt định cư tại cố đô Nara và đang giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Nhật - Việt Nishinomiya, nói vậy.

Trước khi làm dâu xứ Mặt trời mọc, chị Nguyễn Xuân đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Đông Phương học, làm cho công ty du lịch chuyên đón tiếp khách Nhật, giúp phiên dịch ngoài giờ ở tỉnh Đồng Nai cho người sau này trở thành ba chồng của chị. Vì thế, khi chuyển hẳn sang Nhật định cư, chị Xuân không bị bỡ ngỡ. Được ở cùng ba mẹ chồng, 3 đứa con sinh ra đều có bà nội là giáo viên bản xứ giúp chăm sóc dạy dỗ. Ba chồng là người khuyến khích con dâu sẵn vốn thông hiểu ngôn ngữ, văn hóa đôi bên thì nên làm điều gì đó giúp đỡ cho cả người Nhật và người Việt.

Chị Xuân bắt đầu dấn thân. Chị chọn nghề phiên dịch hỗ trợ các kỹ sư Việt sang Nhật tu nghiệp, một hình thức xuất khẩu lao động chuyên ngành có trình độ cao và cũng nhận chế độ cao hơn thực tập sinh. Tu nghiệp kỹ sư tại Nhật có thể xin được visa vĩnh trú (là visa không bị giới hạn thời gian và hoạt động cư trú - PV), đón cả vợ con sang Nhật. Chị Xuân kể: “Sang Nhật, kỹ sư cũng phải đeo găng tay lao động chân tay rất vất vả cho đến khi quen tiếng, trao đổi lưu loát được với khách hàng thì mới được làm đúng công việc là ngồi máy tính viết chương trình và giao việc cho người khác. Quá trình này thường diễn ra trong 2 năm, tùy phấn đấu của mỗi người, ở đâu cũng vậy”.

Chị Xuân chia sẻ thêm: “Có thể tới đây Nhật sẽ bỏ chế độ thực tập sinh vì liên quan các vấn đề nhân quyền, ví dụ thực tập sinh bị xí nghiệp địa phương lợi dụng sức lao động quá mức, trả công không tương xứng, hạn chế một số quyền sinh hoạt tự do… Tình trạng này vẫn xảy ra ở một số xí nghiệp cơ khí, nông nghiệp tại vùng sâu vùng xa đang cần lao động ngoại quốc vì dân số già”.

Chị Xuân “va đập” nhiều với các vấn đề của thực tập sinh từ năm 2013 khi chuyển sang làm phiên dịch cho nghiệp đoàn của Nhật. “Làm nghiệp đoàn thời gian bị xé lẻ, cuối tuần hay đêm hôm vẫn bị cảnh sát gọi lên phiên dịch hoặc bảo lãnh thực tập sinh vi phạm pháp luật. Buồn chứ! Họ vẫn trân trọng kêu mình bằng tiên sinh, nhưng nghe người ta la mắng đồng hương, mặt mình cũng méo xẹo”, chị Xuân chia sẻ.

Bây giờ mở công ty riêng chuyên dịch thuật cho luật sư, cảnh sát và cấp giấy phép giới thiệu việc làm tại Nhật, rồi làm Phó Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Nhật - Việt Nishinomiya, chị Xuân vẫn nặng lòng với các vấn đề còn chưa có cách nào “thông dịch” triệt để được. Có đồng hương phải nhờ chị Xuân lên đồn cảnh sát bảo lãnh 4 lần. Chị Xuân chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng nói với các bạn rằng đừng suy nghĩ quá nông cạn. Người Nhật coi trọng đạo đức, lấy món đồ trị giá chỉ 100.000 đồng là có thể bị đuổi về nước rồi. Muốn sang Nhật lao động cũng phải qua xét tuyển, là người đạt chuẩn rồi mới được sang đây cơ mà, tại sao không giữ lấy giá trị ấy?”

Thông qua công việc tại hiệp hội với khoảng 200 thành viên là các chủ doanh nghiệp trẻ, chị Xuân đang thu xếp để có thêm thời gian đưa nhiều doanh nghiệp Nhật sang Việt Nam kết nối thương mại, hoạt động từ thiện, dự định lập một văn phòng đại diện tại TPHCM và Tokyo. Chị Xuân còn trực tiếp làm chủ tịch một nghiệp đoàn với nỗ lực hạn chế rủi ro khi đưa thực tập sinh sang Nhật. “Mình vận động công ty tuyển lao động ở Việt Nam chọn lọc tinh hơn, tuyển ít nhưng có chất lượng. Và tìm các xí nghiệp tại Nhật có chính sách chăm lo tốt cho công nhân để đưa lao động Việt sang”, chị Xuân nói.

“Chị Nguyễn Xuân đóng góp rất nhiều trong kết nối Nhật - Việt. Chị Xuân công tác tại nghiệp đoàn đã giúp bảo vệ quyền lợi cho người Việt rất nhiệt tình, chu đáo. Chị ấy cũng hay phiên dịch, tư vấn các vụ khó có liên quan người Việt”.

HƯƠNG KIỀU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/viec-gi-kho-co-chi-xuan-post701348.html