Việc giám định gen tìm mộ liệt sĩ ngày càng khó khăn

Việc giám định gen (ADN) là một trong những giải pháp xác định chính xác danh tính liệt sĩ, góp phần hạn chế tình trạng đi tìm mộ liệt sĩ theo hình thức ngoại cảm. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Xin Trung tướng cho biết việc giám định gen xác định danh tính liệt sĩ chưa biết tên hiện nay như thế nào?

Theo công bố mới nhất của Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước vẫn còn gần 180.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy và khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã đưa vào nghĩa trang, nhưng chưa xác định được danh tính và được ghi là mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.

Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn do địa hình, địa vật của chiến trường xưa thay đổi nhiều. Những người trong cuộc cũng đã lớn tuổi, sức khỏe giảm, già yếu. Thời tiết nhiều địa phương khắc nghiệt, nên hài cốt theo năm tháng cũng phai tàn. Nhiều liệt sĩ mất khi còn trẻ, chưa có con...

Thực tế này đặt ra vấn đề cần giám định gen ADN xác định danh tính liệt sĩ. Tiền giám định gen ADN hiện nay với mỗi mẫu phẩm là 5 triệu đồng. Để xác định thông tin liệt sĩ chưa biết tên phải xác định cả thân nhân, tối thiểu là một mẫu. Do đó, để xác định gen thông tin hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính cần 2 mẫu với chi phí khoảng 10 triệu đồng.

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam sẵn sàng chi tiền xét nghiệm mẫu phẩm, nhưng muốn khai quật mộ để làm xét nghiệm phải xin ý kiến của Cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - LĐTBXH). Chỉ khi Cục Người có công đồng ý, các chi hội tại địa phương và gia đình thân nhân mới khai quật được. Có nhiều trường hợp Cục và Sở LĐTBXH đồng ý, nhưng quản trang của địa phương không đồng ý bởi phong tục, tập quán. Đơn cử, có trường hợp ở xã Triệu Hải, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nơi có hơn 90 ngôi mộ, Hội phải đợi địa phương nâng cấp nghĩa trang mới có thể lấy mẫu phẩm đưa về các Viện giám định.

Dù khó khăn, nhưng Hội vẫn quyết tâm làm, tìm mọi biện pháp thuyết phục để mỗi năm giám định khoảng 100 bộ hài cốt liệt sĩ và xác suất đúng 10 bộ hài cốt đã là điều đáng mừng. Hội mong muốn cả xã hội sẽ vào cuộc chung tay xử lý vấn đề này.

Bên cạnh việc tiếp cận hồ sơ, mới đây, Hội có cuộc tiếp xúc với phía Hội cựu chiến binh Mỹ để cung cấp thông tin. Vậy, việc này đang triển khai như thế nào thưa Trung tướng?

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam được thành lập ngày 17/9/2010, đến năm 2011 đã bắt đầu làm việc với cựu chiến binh Mỹ. Song, chất lượng các buổi làm việc hiệu quả nhất từ năm 2021 đến nay.

Ngoài Viện Hòa bình Mỹ, Hội còn làm việc với trường Đại học Harvard Mỹ, làm việc với các câu lạc bộ tìm kiếm người Mỹ mất tích tại Việt Nam. Ngày 19/6/2024 vừa qua tại Hà Nội, cựu chiến binh Mỹ và Viện Hòa Bình Mỹ đã sang thăm Việt Nam, trở lại chiến trường xưa và đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, làm việc với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam.

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam bàn giao hài cốt liệt sĩ cho gia đình sau khid được giám định bằng phương pháp ADN.

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam bàn giao hài cốt liệt sĩ cho gia đình sau khid được giám định bằng phương pháp ADN.

Tại những buổi gặp gỡ này, các cựu chiến binh Mỹ đã cung cấp cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam những thông tin quý báu như các hồ sơ ở Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, với 20 vị trí mộ chôn tập thể của Việt Nam. Nếu thực hiện tốt công tác khảo sát lại, khai quật hết được 20 vị trí này, có thể đưa về được khoảng 3.000 hài cốt liệt sĩ.

Những mộ chôn tập thể thường dài 7 m, rộng 3 m, sâu khoảng 3 m. Vì vậy, khi tìm không được dùng máy móc, phải dùng máy siêu âm để tìm và đào thật sâu như trường hợp ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, phải đào sâu 3 m mới tìm được 62 hài cốt liệt sĩ.

Mới đây nhất, từ thông tin của cựu chiến binh Mỹ, Hội đã cử Trưởng ban chính sách đi vào Tiền Giang để xác minh lại 97 ngôi mộ. Hy vọng thời gian tới, có thể tìm kiếm được thêm mộ liệt sĩ dù không biết tên, nhưng đưa các đồng đội, liệt sĩ vào nơi an nghỉ ở các nghĩa trang.

Từ đầu năm 2024, Hội có triển khai với ngành Đường sắt đưa hài cốt liệt sĩ về quê tại miền Bắc, thời gian qua chương trình thực hiện ra sao, thưa Trung tướng?

Sự giúp đỡ của Bộ Giao thông vận tải và ngành Đường sắt khá hiệu quả, bởi mỗi hài cốt liệt sĩ được đưa về, sẽ có hai thân nhân liệt sĩ đi cùng, tiền đi lại nếu phải tự chi sẽ khá tốn kém.

Khi lên tàu, ngành Đường sắt bố trí nơi để hài cốt trân trọng, điều này khiến Hội rất cảm kích. Hy vọng năm nay, việc đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương sẽ tổ chức được nhiều hơn và các gia đình sẽ được hỗ trợ 1 chuyến xe chạy không một chiều; đồng thời, việc vận chuyển được đảm bảo an toàn hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Bài, ảnh, clip: XC/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/viec-giam-dinh-gen-tim-mo-liet-si-ngay-cang-kho-khan-20240721161717418.htm