Việc IBM sa thải hơn 1.000 nhân viên ở Trung Quốc gây chấn động cộng đồng công nghệ

Các nhân viên ở Trung Quốc tại gã khổng lồ máy tính IBM (Mỹ) bày tỏ sự thất vọng về cuộc họp trực tuyến ngắn ngủi với các giám đốc người Mỹ hôm 26.8, khi công ty này sa thải nhiều người tại hai phòng nghiên cứu địa phương.

IBM có biệt danh Big Blue, từng được coi là cái nôi đào tạo kỹ sư của Trung Quốc.

Big Blue là biệt danh của IBM, một trong những tập đoàn công nghệ thông tin lâu đời nhất thế giới. Biệt danh này thường được sử dụng để chỉ IBM trong các bài báo, tạp chí tài chính và các ấn phẩm đại chúng.

Vài lý do khiến IBM được gọi là Big Blue:

- Màu sắc đặc trưng: Màu xanh dương đậm (blue) là màu sắc chủ đạo trong logo và thiết kế của IBM từ rất lâu đời. Điều này đã tạo nên một hình ảnh đặc trưng và dễ nhận biết cho công ty.

- Quy mô và tầm ảnh hưởng: IBM là một tập đoàn khổng lồ (big) trong lĩnh vực công nghệ, với quy mô hoạt động rộng khắp toàn cầu và có tầm ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp máy tính.

- Lịch sử lâu đời: IBM đã có mặt trên thị trường từ rất lâu và đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, trở thành một biểu tượng của ngành công nghệ thông tin.

Cuộc họp nội bộ sáng 26.8, được tổ chức cho những nhân viên IBM ở Trung Quốc bị sa thải, đã được lên lịch diễn ra trong nửa giờ. Song theo biên bản cuộc họp nội bộ mà trang SCMP nhìn thấy và được một nhân viên IBM xác nhận, cuộc họp chỉ kéo dài ba phút.

Trong cuộc họp, các giám đốc ở Mỹ nói với nhân viên rằng IBM đã quyết định chuyển một số hoạt động tại Trung Quốc ra nước ngoài, với lý do biến động thị trường và sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại nước này. Họ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào.

IBM không trả lời ngay lập tức khi trang SCMP đề nghị bình luận hôm 27.8. Một đại diện của IBM cho biết công ty điều chỉnh các hoạt động của mình khi cần thiết để phục vụ khách hàng tốt nhất, đồng thời nói thêm rằng "những thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ khách hàng của chúng tôi trên khắp Trung Quốc đại lục".

Cuối tuần trước, nhiều nhân viên IBM tại Trung Quốc đã thấy mình bị chặn không cho truy cập vào hệ thống mạng nội bộ của công ty, trước khi họ nhận thông báo rằng Phòng Thí nghiệm Phát triển Trung Quốc và Phòng Thí nghiệm Hệ thống Trung Quốc sẽ đóng cửa. Theo các hãng tin địa phương, hơn 1.000 nhân viên IBM bị sa thải ở thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thượng Hải và Đại Liên.

Một nguồn tin (nói chuyện với điều kiện giấu tên) cho biết nhiều nhân viên IBM tại Bắc Kinh đã bất chấp mưa lớn để tập trung tại văn phòng cho cuộc họp hôm 26.8 nhưng thất vọng vì nó diễn ra quá ngắn.

Cuộc họp trực tuyến có các lãnh đạo IBM gồm Jack Hergenrother (Phó chủ tịch phát triển hệ thống doanh nghiệp toàn cầu), Ross Mauri (Tổng giám đốc bộ phận máy tính mainframe IBM Z) và Danny Mace (Phó chủ tịch kỹ thuật phần mềm lưu trữ).

IBM Z mainframe là loại máy tính lớn (mainframe) rất mạnh mẽ, được thiết kế để xử lý khối lượng công việc khổng lồ và các ứng dụng phức tạp. Đây là dòng máy tính kế thừa từ hệ thống System/360 nổi tiếng của IBM, được giới thiệu vào năm 1964.

Jack Hergenrother khuyến khích những nhân viên IBM bị ảnh hưởng sắp xếp các cuộc thảo luận riêng với người quản lý tương ứng của họ, trong khi Ross Mauri và Danny Mace cảm ơn họ vì những đóng góp cho công ty.

Một nhân viên tại Bắc Kinh cho biết anh đã nói chuyện với người quản lý của mình (cũng bị sa thải). Nhân viên IBM bị sa thải được cung cấp gói trợ cấp thôi việc dựa trên thời hạn công tác, cộng ba tháng lương nếu ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước ngày 13.9. Ngày làm việc cuối cùng của họ tại IBM sẽ là 31.10.

Việc IBM đóng cửa hai phòng nghiên cứu tại Trung Quốc đã gây chấn động cộng đồng công nghệ địa phương. Trong nhiều năm, gã khổng lồ công nghệ Mỹ này được coi là một trong những nhà tuyển dụng được mong muốn nhất với những sinh viên hàng đầu tốt nghiệp ngành máy tính ở Trung Quốc

Một cựu nhân viên IBM, có tên người dùng Room e trên mạng xã hội Xiaohongshu, nói hầu hết thành viên trong nhóm của anh tại Phòng Thí nghiệm Phát triển Trung Quốc đều tốt nghiệp từ 10 trường đại học hàng đầu nước này đầu những năm 2000.

Tuy nhiên, các công ty Mỹ đã mất đi sức hút những năm gần đây khi Trung Quốc tăng cường chiến dịch tự lực cánh sinh và nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Năm 2014, các doanh nghiệp viễn thông và ngân hàng quốc doanh Trung Quốc từng là khách hàng lớn của IBM, Oracle và EMC (sau khi sáp nhập với Dell) phát động chiến dịch de-IOE để thay thế các sản phẩm Mỹ bằng giải pháp trong nước.

IBM là gã khổng lồ công nghệ đa quốc gia mới nhất cắt giảm việc làm quy mô lớn tại Trung Quốc. Việc sa thải hàng loạt đã ảnh hưởng đến những người lao động tại Trung Quốc trong các công ty từ Microsoft, Ericsson, Tesla đến Amazon và Intel.

Doanh thu của IBM tại Trung Quốc đã giảm đều đặn những năm gần đây. Năm 2023, doanh thu của IBM tại Trung Quốc giảm 19,6% so với mức tăng 1,6% trên toàn châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo tài chính của IBM cho thấy doanh thu tại Trung Quốc của công ty trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm 5%, còn doanh thu tại châu Á - Thái Bình Dương tăng 4,4%.

Tòa nhà Phòng thí nghiệm Hệ thống Trung Quốc của IBM tại Bắc Kinh - Ảnh: AFP

Tòa nhà Phòng thí nghiệm Hệ thống Trung Quốc của IBM tại Bắc Kinh - Ảnh: AFP

Giữa tháng 5, Microsoft yêu cầu khoảng 700 đến 800 nhân viên ở Trung Quốc làm việc về học máy và các công việc khác liên quan đến điện toán đám mây xem xét việc chuyển địa điểm làm việc.

"Cung cấp cơ hội nội bộ là một phần thường xuyên trong việc quản lý doanh nghiệp toàn cầu của chúng tôi. Trong quá trình này, chúng tôi đã chia sẻ một cơ hội chuyển công tác nội bộ tùy chọn với một số nhân viên", người phát ngôn Microsoft cho biết trong một tuyên bố qua email gửi cho Reuters.

Microsoft vẫn cam kết với Trung Quốc và sẽ tiếp tục hoạt động ở đó cùng các thị trường khác, người phát ngôn nói thêm.

Các nhân viên Microsoft, chủ yếu là kỹ sư có quốc tịch Trung Quốc, được cung cấp lựa chọn chuyển đến Mỹ, Ireland, Úc và New Zealand, The Wall Street Journal cho biết, dựa trên nguồn tin quen biết với vấn đề này.

Việc trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng thuế quan lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc gồm ô tô điện, pin năng lượng mặt trời, chip máy tính và các sản phẩm y tế.

Hôm 14.5, chính quyền Biden đã công bố mức thuế quan mới với ô tô điện do Trung Quốc sản xuất, tăng gấp 4 lần mức thuế hiện tại từ 27,5% lên 102,5%, cũng như áp các mức thuế mới với pin năng lượng mặt trời, thép, nhôm… Các mức thuế mới sẽ tác động đến 18 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo tạp chí Time, hiện Trung Quốc xuất khẩu rất ít ô tô điện sang Mỹ nên khó có khả năng mức thuế mới sẽ có nhiều tác động trong ngắn hạn. Trong quý 1/2024, chỉ có một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc là Geely xuất khẩu ô tô điện sang Mỹ và hãng này chiếm chưa đến 1% thị phần. Tuy nhiên, chính quyền Biden giải thích họ lo ngại về lâu dài, các khoản trợ cấp từ Bắc Kinh dành cho ngành công nghiệp ô tô điện có thể giúp phía Trung Quốc giành được thị phần lớn hơn ở Mỹ.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 6, Chủ tịch Microsoft - Brad Smith nói rằng Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 1,5% doanh thu toàn cầu của công ty. Brad Smith cũng xác nhận rằng Microsoft đang đề nghị chuyển 700 đến 800 nhân viên của mình tại Trung Quốc ra nước ngoài.

Đầu tháng 7, Microsoft đã đóng các cửa hàng truyền thống được ủy quyền tại Trung Quốc, khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ tái cơ cấu hoạt động bán lẻ của mình tại quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo ba nhà phân phối địa phương.

Microsoft nói với truyền thông địa phương rằng quyết định “tích hợp tất cả kênh phân phối ở Trung Quốc”, dù người tiêu dùng có thể tiếp tục mua sản phẩm và dịch vụ thông qua trang web của họ và một số đối tác bán lẻ nhất định. Ngoài ra, Microsoft còn điều hành các cửa hàng trực tuyến trên trang thương mại điện tử Taobao và JD.com.

Những người điều hành các cửa hàng Microsoft truyền thống được ủy quyền ở Trung Quốc trước đó nhận thông báo từ công ty Mỹ rằng hợp đồng của họ đã bị chấm dứt và các cửa hàng này phải đóng cửa trước ngày 30.6, theo ba nhà phân phối địa phương giấu tên.

Trong khi Apple vận hành các cửa hàng truyền thống riêng ở Trung Quốc và duy trì mối quan hệ với các đại lý địa phương trên khắp đất nước, Microsoft chỉ dựa vào các nhà bán lẻ bên thứ ba độc lập để thiết lập mạng lưới các cửa hàng nhượng quyền thương hiệu tại nước này.

Qian Feng, nhà phân phối sản phẩm của Microsoft tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), cho biết bối cảnh bán lẻ ở nước này đã thay đổi, với các cửa hàng được ủy quyền mất đi sự quan trọng.

“Thị trường Trung Quốc quá nhỏ với Microsoft. Nếu giữ lại tất cả các cửa hàng, họ sẽ tốn tiền”, Qian Feng nói.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/viec-ibm-sa-thai-hon-1-000-nhan-vien-o-trung-quoc-gay-chan-dong-cong-dong-cong-nghe-223133.html