Việc Israel bơm nước biển vào địa đạo của Hamas có thể là 'con dao hai lưỡi'
Quân đội Israel được cho là đã bắt đầu bơm nước biển vào đường hầm của lực lượng Hamas ở Dải Gaza nhằm nhấn chìm khu vực này.
Báo Wall Street Journal dẫn lời giới chức Mỹ tiết lộ, quân đội Israel đã bắt đầu bơm nước biển vào khu phức hợp đường hầm rộng lớn của Hamas ở Gaza. Đây là một phần trong nỗ lực quyết tâm phá hủy cơ sở hạ tầng ngầm vốn là nền tảng cho các hoạt động của nhóm này.
Người phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Israel từ chối bình luận, nói rằng hoạt động bơm nước vào đường hầm là bí mật.
Giới chức Israel khẳng định, hệ thống địa đạo của Hamas đã hỗ trợ cho rất nhiều các hoạt động của tổ chức này trên chiến trường, như: sử dụng để điều động các máy bay chiến đấu trên chiến trường, lưu trữ tên lửa và đạn dược, cho phép các thủ lĩnh của nhóm chỉ huy và kiểm soát lực lượng của họ.
Hệ thống đường hầm dày đặc và rộng đến mức lực lượng Israel gọi chúng là "thành phố dưới lòng đất", tạo điều kiện cho lực lượng Hamas kết nối với nhau và di chuyển an toàn mà không bị phát hiện. Đây cũng là nơi mà Israel tin rằng Hamas sử dụng để giấu con tin.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) trước đó đã hoàn thành lắp đặt ít nhất 5 máy bơm lớn cách trại tị nạn Al-Shati ở Dải Gaza hơn 1km về phía bắc vào khoảng giữa tháng trước. Mỗi chiếc máy bơm có thể hút nước từ biển Địa Trung Hải và xả hàng nghìn mét khối nước mỗi giờ khiến các đường hầm Hamas có thể bị ngập.
Đoạn ghi âm giữa Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các con tin được thả cùng gia đình họ bị rò rỉ vào tuần trước đã khiến người Israel giận dữ và bày tỏ lo ngại việc ngập lụt trong đường hầm có thể sẽ giết chết những người thân của họ.
Khi được hỏi về việc Israel làm ngập đường hầm ở Dải Gaza hôm 12.12, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định rằng "không có con tin nào trong các đường hầm" nhưng ông cũng "không chắc về điều này trên thực tế".
Các quan chức Mỹ cho biết, việc làm ngập các đường hầm có thể kéo dài hàng tuần. Một số quan chức chính quyền Biden lo ngại nước biển sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung nước ngọt của Gaza. Ai Cập trước đó vào năm 2015 đã sử dụng nước biển để làm ngập các đường hầm do những kẻ buôn lậu vận hành dưới cửa khẩu biên giới Rafah với Gaza, khiến nông dân gần đó phàn nàn về việc mùa màng bị hư hại.
Phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở Washington, Mỹ), ông Jon Alterman nói rằng vì không rõ độ thấm của đường hầm và lượng nước biển thấm vào đất ảnh hưởng ra sao nên khó có thể đánh giá đầy đủ tác động của việc bơm nước biển vào đường hầm Hamas.
“Rất khó để có thể đánh giá việc bơm nước biển sẽ có ảnh hưởng gì đến cơ sở hạ tầng chứa nước thải, nguồn nước ngầm cũng như sự ổn định của các tòa nhà gần đó”, Alterman cho hay.
Các nhà phân tích quân sự đánh giá rằng Israel hiện chưa thể phá hủy toàn bộ mạng lưới đường hầm của Hamas và sẽ cần nhiều kỹ thuật khác nhau để làm được điều đó. Ngoài nước biển, quân đội Israel còn tìm cách tấn công mạng lưới này bằng các cuộc không kích và chất nổ lỏng cũng như gửi robot, chó nghiệp vụ và máy bay không người lái.
Quân đội Israel xác nhận đang tăng cường các hoạt động ngầm ở phía bắc Gaza và bên dưới thành phố Khan Younis phía nam, một trong những thành trì cuối cùng của Hamas.
Tuy nhiên, mê cung dưới lòng đất vẫn là một trong những thách thức chính của Israel trong việc đạt được mục tiêu tiêu diệt khả năng quân sự của Hamas. Các nhà phân tích cho biết, các đường hầm bên dưới thành phố Rafah phía nam gần biên giới Ai Cập được Hamas sử dụng để buôn lậu hầu hết vũ khí của họ vào Gaza.
Phát biểu từ Khan Younis hôm 11.12, tướng Herzi Halevi - Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết: “Chúng tôi đang tăng cường kiểm soát phía bắc Gaza và thâm nhập vào dải phía nam, đồng thời cũng tăng cường hoạt động ngầm”.
Theo các nhà phân tích quân sự, các đường hầm của Hamas gây ra trở ngại lớn cho hoạt động của phía Israel. Cựu quan chức tình báo quân đội Israel, ông Miri Eisin cho biết ngay cả ở những khu vực mà Israel đã chiếm giữ, khu vực dưới lòng đất vẫn tiếp tục là thách thức.
Giới phân tích quân sự nhận định rằng lực lượng Hamas có thể cầm cự ở hệ thống địa đạo dưới Dải Gaza để chờ đợi cho đến khi Israel buộc phải ngừng bắn, do áp lực quốc tế hoặc đạt lợi thế trong các cuộc đàm phán để thả con tin.