Việc kiểm kê tài nguyên nước được pháp luật quy định như thế nào?

* Bạn đọc Lê Duy Hân ở xã Phú An, TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc kiểm kê tài nguyên nước được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 7 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước. Cụ thể như sau:

1. Việc kiểm kê tài nguyên nước được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước, định kỳ 5 năm một lần, phù hợp với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

2. Trách nhiệm kiểm kê tài nguyên nước:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng đề án, kế hoạch kiểm kê tài nguyên nước trên phạm vi cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức kiểm kê tài nguyên nước đối với các nguồn nước liên quốc gia, nguồn nước liên tỉnh; tổng hợp, công bố kết quả kiểm kê trên các lưu vực sông liên tỉnh và trên phạm vi cả nước;

b) UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm kê tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh; tổng hợp kết quả kiểm kê của các lưu vực sông nội tỉnh, nguồn nước trên địa bàn và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện kiểm kê tài nguyên nước.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn nội dung, biểu mẫu kiểm kê, báo cáo kết quả kiểm kê tài nguyên nước.

* Bạn đọc Nguyễn Văn Khai ở phường Trần Phú, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, điều kiện của người tham gia thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 95 Luật Khám, chữa bệnh. Cụ thể như sau:

1. Người đáp ứng yêu cầu chuyên môn của việc thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật mới, phương pháp mới, thiết bị y tế trong khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là thử nghiệm lâm sàng) và tự nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng.

2. Trường hợp người tham gia thử nghiệm lâm sàng là người bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên thì phải được sự đồng ý của người đại diện hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật về dân sự.

3. Trường hợp người tham gia thử nghiệm lâm sàng là đối tượng quy định tại khoản 2 điều này, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú thì hồ sơ nghiên cứu phải ghi rõ lý do tuyển chọn và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tham gia thử nghiệm lâm sàng, thai nhi hoặc trẻ em đang trong thời gian sử dụng sữa của người mẹ tham gia thử nghiệm lâm sàng.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/viec-kiem-ke-tai-nguyen-nuoc-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-784848