Việc làm cho người khuyết tật còn nhiều khó khăn

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 42 nghìn người khuyết tật (NKT), trong đó có khoảng 32.200 NKT nặng và đặc biệt nặng. Đời sống của đa phần NKT trong tỉnh còn nhiều khó khăn, không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào gia đình, người thân. Vì vậy, việc đào tạo nghề, tạo cơ hội cho NKT có việc làm, nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội cần sự quan tâm, chăm lo của cộng đồng. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 42 nghìn người khuyết tật (NKT), trong đó có khoảng 32.200 NKT nặng và đặc biệt nặng. Đời sống của đa phần NKT trong tỉnh còn nhiều khó khăn, không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào gia đình, người thân. Vì vậy, việc đào tạo nghề, tạo cơ hội cho NKT có việc làm, nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội cần sự quan tâm, chăm lo của cộng đồng.

Anh Vũ Xuân Thuấn, ở xã Nam Phong (thành phố Nam Định) bị khuyết tật vận động nhưng có thu nhập ổn định nhờ nghề cắt tóc.

Chị Nguyễn Thị Xuân, Chủ tịch Hội NKT tỉnh cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NKT khó tìm được việc làm, nhưng chủ yếu do hạn chế về sức khỏe, điều kiện đi lại, giao tiếp khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp không muốn tiếp nhận NKT vào làm vì sợ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Một số NKT có tâm lý e ngại, thiếu tự tin nên không chủ động tìm việc làm để hòa nhập cộng đồng. Một số NKT tự khởi nghiệp bằng hình thức kinh doanh nhỏ nhưng thường thiếu ổn định, hiệu quả không cao”. Trước thực trạng trên, thực hiện Luật NKT đã được Quốc hội ban hành năm 2010, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động NKT vươn lên trong cuộc sống; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà; đặc biệt là mở các lớp học nghề dành riêng cho NKT. Theo số liệu của Sở LĐ-TB và XH, từ năm 2011 đến nay toàn tỉnh có trên 1.200 NKT được các trung tâm, cơ sở dạy nghề theo hình thức “cầm tay chỉ việc” với các nghề may công nghiệp, chạm khắc gỗ, xoa bóp bấm huyệt. Sau học nghề, nhiều người còn được bố trí tạo việc làm, có thu nhập. Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Hội NKT tỉnh cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động như tư vấn, động viên NKT vươn lên; liên kết với một số tổ chức, doanh nghiệp kêu gọi nguồn vốn đào tạo nghề cho hội viên. Những năm gần đây, Hội NKT tỉnh đã kết hợp Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) là một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ NKT và những nhóm yếu thế khác trong cộng đồng tổ chức cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Mặc dù số vốn vay không nhiều, khoảng 4-5 triệu đồng/người nhưng cũng giúp nhiều hội viên mở mang nghề để có thu nhập. Chị Trần Thị Thu ở tổ 11, thị trấn Lâm (Ý Yên) kinh doanh internet và dịch vụ tẩm quất, bấm huyệt. Được tổ chức ACDC hỗ trợ vay vốn, chị đã mở rộng diện tích phòng tẩm quất, đồng thời mua sắm trang thiết bị để thu hút khách. Chị Trần Thị Hoàn ở thôn Bái Dương, xã Nam Dương (Nam Trực) với đôi bàn tay khéo léo làm nghề may mặc. Khi được tổ chức ACDC cho vay vốn, chị mua thêm các loại vải, phụ kiện may để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Với sự hỗ trợ về nguồn vốn, chị Phạm Thị Bích ở xóm 5, xã Trực Đại (Trực Ninh) mở rộng chăn nuôi gà; anh Trần Công Khuê ở thị trấn Lâm (Ý Yên) đầu tư phương tiện, máy móc bán sim, thẻ, vé số; anh Trần Thủ Đô ở huyện Nghĩa Hưng mua máy móc mở cơ sở sửa chữa đồ điện tử có thu nhập ổn định 3-5 triệu đồng/tháng. Phong trào tạo việc làm, tăng thu nhập của NKT tỉnh thời gian qua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu. Anh Đinh Công Phượng ở xã Giao Xuân (Giao Thủy) dù khuyết tật nhưng với ý chí quyết tâm đã vay vốn mở trang trại nuôi thủy sản có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động. Thành phố Nam Định hiện có 225 hội viên Hội NKT, trong đó nhiều NKT tham gia sản xuất, kinh doanh có thu nhập ổn định. Anh Vũ Trung Kiên ở đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) dù mất một chân nhưng đã cùng vợ mở cửa hàng bán bánh đậu xanh, cơm cháy, có ô tô chở hàng phân phối xuống các huyện. Anh Hoàng Văn Nam ở xóm Mỹ Tiến, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) dù khuyết tật 2 chân phải đi lại bằng xe lăn nhưng vẫn tích cực giúp vợ chăm sóc cây hoa, phun thuốc trừ sâu... Các anh Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Văn Thuần ở xóm Mỹ Lợi, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) nổi tiếng với ý chí vượt lên bệnh tật phát triển kinh tế gia đình với nghề trồng hoa. Nhiều năm nay cửa hàng điện thoại của anh Hoàng Mai Thịnh ở chợ Mai Xá, phường Mỹ Xá (thành phố Nam Định) luôn đông khách bởi anh sửa cẩn thận, giá cả phải chăng dù liệt 2 chân phải di chuyển bằng xe lăn…

Tuy nhiên đa số NKT vẫn gặp khó khăn trong việc lựa chọn mô hình sinh kế, nguồn vốn hỗ trợ, thiếu thông tin về sản xuất, kinh doanh… Theo thống kê, chỉ có 20% hội viên khuyết tật có việc làm, thu nhập 2-2,5 triệu đồng/tháng, còn lại vẫn phải sống phụ thuộc vào gia đình. Phần lớn NKT gặp khó khăn trong vấn đề khởi nghiệp, tạo việc làm. Bản thân Chủ tịch Hội NKT tỉnh Nguyễn Thị Xuân muốn tận dụng nguồn nguyên liệu là cây sả ở quê Giao Xuân (Giao Thủy) để phát triển cơ sở sản xuất tinh dầu xả tạo việc làm cho hội viên. Tuy nhiên, mất một thời gian chị Xuân vẫn loay hoay tìm cơ quan chức năng hỗ trợ kiểm định chất lượng sản phẩm, cách thức sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm… Bên cạnh đó, dù Nhà nước đề ra nhiều chính sách để doanh nghiệp quan tâm thu hút tạo việc làm cho NKT nhưng vẫn có nhiều bất cập. Luật NKT năm 2010, quy định nếu doanh nghiệp sử dụng trên 30% lao động là NKT thì được miễn thuế thu nhập hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước… Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh rất ít có doanh nghiệp sử dụng lao động NKT trên 30% tổng số lao động của đơn vị. Một số đơn vị có đủ điều kiện trên chủ yếu là hoạt động dạy nghề cho NKT sau đó giới thiệu việc làm cho NKT tại một số công ty, doanh nghiệp may mặc khác trong tỉnh. Anh Trần Tiến Thành, chủ doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo ở thành phố Nam Định cho biết: Dù rất muốn tạo điều kiện cho NKT tham gia lao động, sản xuất, nhưng nếu để trên 30% lao động là NKT thì thực sự chưa dám vì lo ngại đến hiệu quả sản xuất kinh doanh; sự tin tưởng của đối tác, bạn hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải luôn quan tâm cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, các chế độ, quyền lợi đối với lực lượng lao động khuyết tật... mới được những ưu đãi của Nhà nước trong sản xuất kinh doanh. Hiện tại, doanh nghiệp anh chỉ dám nhận 5 NKT làm việc, chủ yếu ở bộ phận đóng gói sản phẩm, vừa làm vừa tìm cách giúp đỡ NKT...

Bản thân NKT không thể hội nhập vào cuộc sống cộng đồng nếu chỉ có nỗ lực của bản thân mà còn phải cần được sự quan tâm chia sẻ, tạo thuận lợi từ gia đình, cộng đồng và xã hội. Hội NKT tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp trong đó đề nghị các ngành, các cấp trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về nhu cầu việc làm của NKT; hỗ trợ NKT tiếp cận với những mô hình sinh kế hoạt động hiệu quả, có đầu ra sản phẩm; tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội trợ, triển lãm. Hội cũng mong muốn được các ngành, các cấp quan tâm tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, là tiền đề quan trọng để nhiều NKT tiếp cận, sử dụng vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Với đặc thù là tỉnh có nhiều nghề thủ công, mỹ nghệ, nghề may…, phù hợp với khả năng lao động của NKT, hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thu hút, tạo việc làm cho nhiều NKT để giúp họ vươn lên ổn định thu nhập, cuộc sống./.

Bài và ảnh: Đức Thiện

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5100/202012/viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat-con-nhieu-kho-khan-2541189/