Việc làm cho thanh niên: Điều chỉnh chính sách để thích ứng với xu thế mới
Tỷ lệ lao động thanh niên thất nghiệp gia tăng là vấn đề nóng đáng quan tâm. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng có giải pháp giải quyết việc làm cho thanh niên, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao
Thanh niên là lực lượng lao động trẻ có tiềm năng lớn, đóng vai trò quan trọng trong lực lượng lao động Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19, suy thoái kinh tế, đặc biệt là biến động tình hình chính trị ảnh hưởng lớn đến thu nhập và việc làm của lao động thanh niên.
Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, tính đến tháng 3.2023, nước ta có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và gần 36% lực lượng lao động.
Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên trong cơ cấu dân số cũng như lực lượng lao động thanh niên hiện đang có xu hướng giảm mạnh do tốc độ “già hóa dân số” gia tăng. Chất lượng lao động thanh niên đã từng bước được cải thiện, tỷ lệ thanh niên có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở các cấp bậc đào tạo tăng dần qua các năm, nhưng số lao động chưa qua đào tạo, chưa có bằng cấp, chứng chỉ còn ở mức cao, trên 73%.
Việt Nam hiện nay có trên 33 triệu lao động có việc làm chưa chính thức, chiếm tới 68,5% tổng số lao động có việc làm. Trong đó thanh niên chiếm tỷ lệ lớn, đa số không có hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội và các khoản phúc lợi xã hội khác.
Trong giai đoạn 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của đất nước, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp của thanh niên. Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) chiếm 7,21% trong độ tuổi, năm 2021 tỷ lệ này là 8,55% - là năm cao nhất trong 10 năm gần đây. Năm 2022 tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, việc làm của lao động thanh niên có chuyển biến, tỷ lệ này là 7,72%.
Cuối năm 2022, đầu năm 2023, do tình hình suy giảm kinh tế đã xuất hiện làn sóng sa thải người lao động. Theo đó, 5 tháng đầu năm 2023 đã có 88.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước và có trên 500.000 lao động ảnh hưởng việc làm. Quý I.2023, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở mức cao, 7,61%. Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế cũng khiến cho lao động làm ở khu vực phi chính thức gia tăng, đồng thời số người mất việc làm không dừng ở lao động trẻ mà đang lan dần đến những người có thâm niên, kỹ năng nghề.
Nhìn chung giai đoạn 2020 - đến tháng 5.2023, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên ở mức cao, có thời điểm cao hơn gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước; đồng thời xuất hiện làn sóng sa thải người lao động cao ở một số ngành. Tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần, làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tăng cao nhất từ trước tới nay, ảnh hưởng tới an sinh xã hội của người lao động sau này.
Dự báo thời gian tới, hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn ở mức cao... Đây là những vấn đề rất đáng quan tâm giải quyết trong thời gian tới.
Khắc phục tình trạng thanh niên ra trường không có việc làm
Tại tọa đàm chuyên gia về việc làm đối với thanh niên do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức ngày 26.7, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Hoàng Anh cho rằng, trong bối cảnh Cách mạng 4.0, và tình hình thế giới cũng như trong nước hiện nay có nhiều biến chuyển, người lao động, đặc biệt là lao động thanh niên mới có nghề sẽ bị ảnh hưởng. Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động và các địa phương cho thấy, công nghiệp sụt giảm, một lực lượng lao động lớn mất việc làm, bị giãn, hoãn việc.
Ông Lê Hoàng Anh đề xuất, Nhà nước đẩy mạnh đầu tư công, qua đó giải quyết việc làm cho thanh niên. Thực tế, chúng ta vẫn đang lúng túng trong giải ngân vốn đầu tư công nên cần tháo gỡ vấn đề này. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động tại nơi họ đang sinh sống, đặc biệt là lao động thanh niên ở các vùng khó khăn, thanh niên dân tộc thiểu số.
Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội,không chỉ suy thoái kinh tế khiến người lao động mất việc làm, mà còn do trí tuệ nhân tạo (AI). Năm nay, Google sa thải 12.000 nhân niên, do AI đã thay thế công việc của họ. Bởi vậy, cần có chính sách, chiến lược đào tạo lao động để chuẩn bị cho sự thay đổi lớn này, chuẩn bị các kỹ năng cần thiết để người lao động có thể đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, lao động phi chính thức đang gia tăng do thanh niên có xu hướng làm việc tự do, làm việc trên internet. Bởi vậy, cần phải quan tâm nhiều hơn, và điều chỉnh chính sách để thích ứng với xu thế mới.
Cần có dự báo về việc làm, đặc biệt là những việc đang được coi là phi chính thức, nhưng sau này lại là việc làm phổ biến là góp ý của ông Vũ Hồng Quang, Phó Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Ông Quang cũng cho rằng, nên tập trung đào tạo, đào tạo lại nghề và chuẩn bị việc làm cho lao động thanh niên, từ đó nhằm vào đúng vấn đề nhức nhối là thanh niên học xong ra trường không có việc làm.
Bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đồng tình: Đào tạo nghề cho thanh niên là vấn đề cốt lõi, là bước khởi đầu để thanh niên có việc làm. Để thanh niên học nghề ra và làm đúng nghề, bảo đảm việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thì giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ. Nếu gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia từ khâu hướng nghiệp, thanh niên học nghề xong đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, sẽ giảm tỷ lệ thất nghiệp. Mặt khác, thông tin dự báo thị trường lao động đầy đủ và kịp thời, từ đó định hướng đào tạo, để tỷ lệ thanh niên có việc làm cao hơn...