Việc làm nhân văn của người rà đinh
Dưới cái nắng hanh hao, ông Nguyễn Thanh Sang (54 tuổi, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) chầm chậm chạy chiếc xe rà đinh qua từng tuyến lộ nhựa, mong đem lại an toàn cho người tham gia giao thông. Đây là việc làm giàu tính nhân văn, tạo hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng xã hội.
“Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”
Dừng xe trước cổng Báo An Giang (nằm trên tuyến đường Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên), tiếp chuyện với chúng tôi, người đàn ông ấy có dáng dấp khỏe mạnh, nói với giọng thật thà, đôn hậu. “Lúc trước, thấy bà con chạy xe gắn máy cán đinh, thủng bánh dắt bộ hoài, xót lắm! Từ khi có chiếc xe này, tui “nhín” chút thời gian để rà đinh cho bà con yên tâm” - ông Sang trần tình. Gia cảnh ông Sang chẳng dư dả gì, nhưng có cái tâm lớn của người làm việc thiện nguyện. Ngày nào rảnh, ông bỏ một phần công sức của mình để giúp ích cho xã hội. Thấy ông Sang làm việc không công, thiên hạ bảo rằng: “Chuyện nhà chưa xong mà “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”, thích lo chuyện bao đồng. Vì cái chung của cộng đồng xã hội, ông Sang không “đôi co” làm gì cho mất lòng.
Hàng ngàn cây đinh, ốc vít, sắt nhọn hút vào thanh nam châm
Ngồi bệt xuống đất, ông Sang nhanh nhảu mang bao tay vào, rồi lọ mọ gỡ từng thanh sắt, đinh, ốc vít dính chặt vào những khung nam châm. Bốc ra một mớ sắt trộn lẫn với đinh, ốc vít, dây chì… ông Sang giơ lên cho chúng tôi xem, rồi tặc lưỡi: “Nếu không có xe hút đinh này, bà con chạy xe bị thủng bánh hoài, dẫn bộ cực lắm! Từ sáng tới giờ, tui rà được khoảng nửa xô đinh, sắt, ốc vít…”. Trò chuyện một lúc mới biết, vợ của ông Sang là bà Phạm Thị Me (53 tuổi) bán chuối chiên, bánh cam tại nhà, thu nhập mỗi ngày được vài chục ngàn đồng. Hai đứa con trai của ông Sang làm thợ hồ. Riêng ông Sang thì làm “thợ ép”. Thấy chúng tôi thắc mắc, ông Sang giải thích: “Làm đa năng như: xây gạch, trộn hồ, bê, sơn… đều được”. Dù vậy, hễ khi nghe người dân phản ánh ở đâu có xe bị cán đinh là ông Sang bỏ công việc chạy xe tới ngay.
An toàn giao thông đường phố
Chủ nhân của chiếc xe hút đinh này là ông Đặng Văn Châu, chủ quán cà phê Thảo Mộc. Ông Sang cho hay, chiếc xe tự chế được ông Châu đầu tư hơn 10 triệu đồng. Trong một lần tham gia giao thông trên đường, ông thấy nhiều người dân bị cán đinh hay vật sắt nhọn phải dắt bộ, nên ông Châu đã nảy sinh ý tưởng lắp ráp chiếc xe hút đinh để giúp ích cho xã hội. Xe hút đinh giống như chiếc xe lôi chở hàng. Phía dưới cốt xe có gắn 24 cục nam châm treo lơ lửng. Trong quá trình xe di chuyển trên đường, chỉ cần có đinh hay sắt nhọn sẽ hút vào những cục nam châm”.
Chúng tôi điện thoại liên lạc với ông Châu để có cuộc hẹn, nhưng ông khước từ và từ tốn trả lời: “Tôi thấy bà con đi xe gắn máy bị cán đinh hoài nên mới nảy sinh ý tưởng để sáng chế ra chiếc xe hút đinh này. Mình nghĩ là làm. Làm bằng cái tâm trong sáng. Nhiều lúc sợ đụng chạm với những người vá xe dữ lắm!”. Chị Dung (nhân viên một ngân hàng) chia sẻ: “Mỗi lần xe bị cán đinh rất khổ sở. Nhiều khi phải dắt xe từ 3-4km mới có chỗ vá…”. Hôm rồi, xe của chị Dung tiếp tục cán đinh tại đoạn đường Trần Hưng Đạo (khu vực phường Mỹ Thới), sau đó liên hệ để nhờ rà đinh. Nhờ vậy, khu vực này không còn đinh hay vật sắt nhọn nữa, giúp người dân lưu thông thuận tiện.
Chúng tôi hỏi ông Sang, từ khi “ra lò” đến nay, chiếc xe có hút được “đinh tặc” trên địa bàn TP. Long Xuyên? Ông Sang thiệt tình: “Nếu có “đinh tặc” là tôi phát hiện liền. Bởi lẽ, nếu người ta cố ý rải đinh thì phải cắt các mảnh sắt hay dùng kềm bấm đinh thật nhọn, rồi rải cách khoảng nhau trên đường. Vá xe cũng là cái nghề của người nghèo. Mình nói oan cho người ta thì tội họ lắm! Đinh, ốc vít, vật nhọn hút được chủ yếu là do người ta chở vật liệu rơi rớt trên đường”. Đến nay, ông Sang đã chạy chiếc xe hút đinh đều khắp các tuyến đường trong nội ô TP. Long Xuyên. Ngoài ra, ông Sang còn chạy chiếc xe này rảo trên Quốc lộ 91 lên tới huyện Châu Thành. Ông Sang cho hay, tới đây ông sẽ “xê dịch” xe hút đinh lên tận TP. Châu Đốc để thu gom vật sắt nhọn vương vãi trên đường. “Từ Long Xuyên chạy xe lên Châu Đốc mất khoảng 10 giờ đồng hồ. Do đó, tôi phải mang võng theo ngủ đêm trên đó…” - ông Sang tâm sự.
Trưa nắng gắt, ngang qua Quốc lộ 91, chúng tôi gặp ông Sang nằm ngả lưng bên quán võng. Nhìn chiếc xe hút đinh, người ta thán phục trước việc làm đầy nhân văn ấy.
Bài, ảnh: LƯU MỸ
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/viec-lam-nhan-van-cua-nguoi-ra-dinh-a256254.html