Việc làm nhỏ góp phần giảm rác thải

Quan sát một số hoạt động quanh mình mỗi ngày, đôi khi người viết bài thấy được những việc làm nhỏ nhưng có ích.

1. Một người phụ nữ trẻ, ăn mặc rất lịch sự, ghé xe vào một quán cà phê pha máy. Sau khi nhận túi đựng ly cà phê và trà đá, người phụ nữ gởi cho đôi vợ chồng anh chị chủ quán cà phê một xấp túi ni-lon trắng. Nhìn kỹ, là loại túi ni-lon quán ấy đựng cà phê và trà đá cho khách mang đi. Chủ quán cảm ơn người khách. Hóa ra, xấp túi ni-lon ấy là số túi mà người phụ nữ ấy mua cà phê mỗi ngày tại quán, đem về dùng, chị để lại số túi ấy, giữ sạch sẽ, khô ráo, xếp cẩn thận, gởi tặng lại cho quán. Quán sẽ sử dụng lại những chiếc túi ấy, cho khách mang cà phê về những lần sau. Một cách nhẹ nhàng để không bỏ phí những chiếc túi ni-lon xinh xắn, đáng được dùng lại lần khác!

Nhân tiện, vợ chồng anh chị chủ quán kể rằng: Có chị khách quen của quán, gom các ống hút chưa dùng (còn nguyên trong túi ni-lon nhỏ bọc ngoài) gởi tặng lại quán. Hỏi ra mới biết: Mỗi ngày, chị ấy mua cà phê mang về, được quán đưa 2 ống hút, 1 ống dùng cho ly cà phê, 1 ống dùng cho ly trà đá. Người khách ấy chỉ dùng 1 ống hút cho 2 ly. Còn lại 1 ống nguyên có túi bọc ngoài chưa sử dụng, chị gom lại nhiều ngày, tặng lại quán một lần. Số lượng ống mới còn túi bọc ngoài ấy không hề ít! Thêm một khách hàng nghĩ đến việc tiết kiệm trong sử dụng sản phẩm nhựa, thường được dùng một lần. Chủ quán và khách từ đây gần gũi với nhau hơn.

2. Mua thức ăn sáng đựng trong hộp đem về, những người khách mua bánh cuốn, bánh nghệ, bánh hỏi… thường được người bán đưa kèm những đôi đũa tre. Đũa ấy được bọc trong bao ni-lon cẩn thận. Có người khách nhận đũa để sử dụng. Song có người không nhận đũa. Bởi hộp thức ăn ấy đem về nhà, khách có thể dùng đũa của gia đình. Khách mua cơm hộp cũng thế. Hộp cơm được bán kèm theo đó là chiếc muỗng nhựa để người mua sử dụng. Có người khách mua cơm đem về nhà, không cần lấy chiếc muỗng nhựa ấy, bởi có thể dùng muỗng của gia đình.

Ảnh minh họa.

3. Thời buổi hiện nay, túi ni-lon, có nhiều trường hợp chỉ đảm nhận một chức năng: Để người mua hàng hóa đựng đồ, móc ngoài xe, chở về nhà, chở đến nơi cần. Đoạn đường từ chợ, từ quán, từ tiệm tạp hóa về đến nhà, đến nơi cần có khi chỉ vài chục, vài trăm mét, chiếc túi chỉ cần cho lúc ấy mà thôi.

Có chị, nhà rất nhiều túi ni-lon. Do mỗi lần đi chợ, cửa hàng tạp hóa, túi ấy được dùng để chị đựng đồ mang về. Gom nhiều ngày, những túi chỉ đựng đồ khô, rất sạch, chị gởi tặng chị bán rau hành gần nhà. Một cách để giảm bớt phần nào rác thải nhựa ra môi trường.

Những người phụ nữ, lẫn nam giới đi chợ, đi hàng quán, mua những ly cà phê, những hộp đồ ăn mang về, khi thấy những chiếc túi ni-lon dùng để đựng những ly cà phê, những món đồ khô mang về nhà, còn rất sạch, đã không nỡ bỏ đi. Có anh thấy tiếc khi bỏ đi những đôi đũa tre được chuốt cẩn thận, đẹp mà chỉ dùng một lần. Bao nguyên liệu, công sức mới có được đôi đũa, có những chiếc túi ni-lon ấy.

4. Gom lại những đôi đũa tre còn nguyên túi bọc ngoài, những chiếc ống hút còn nguyên trong túi bọc chưa khui, những chiếc túi ni-lon rất đẹp còn rất sạch gởi tặng lại cho người bán thức ăn sáng, người bán cà phê mang đi, người bán rau hành là việc làm rất nhỏ của những người khách mua, nhưng góp phần tiết kiệm tiền bạc, góp phần làm giảm lượng rác thải ra môi trường, khi người sử dụng mua dùng trong nhiều ngày, nhiều tháng.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/viec-lam-nho-gop-phan-giam-rac-thai-117790.html