Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Vườn Quốc gia Xuân Sơn (nằm trên địa bàn bốn xã thuộc huyện Tân Sơn) là một trong 15 Vườn Quốc gia lớn nhất cả nước. Hiện nay, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái rừng đầu nguồn, cải thiện chất lượng môi trường và huy động sự đồng hành, tham gia của cộng đồng bà con dân tộc sinh sống ở đây là mục tiêu của các dự án đang triển khai tại Vườn. Ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là nguồn nước đã được bà con nhân dân hiện thực hóa từ những việc làm nhỏ.

Du khách nước ngoài thích thú với giống chè bản địa quý hiếm tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Du khách nước ngoài thích thú với giống chè bản địa quý hiếm tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Đến thăm hộ chị Đinh Thị Hồng Tuyết (xóm Cỏi, xã Xuân Sơn), những du khách miền xuôi không khỏi tò mò với những chiếc bình dung tích 10 lít chứa đầy một loại dung dịch màu đỏ bày trong nhà. Chị Tuyết giải thích với mọi người đó là các chế phẩm sinh học sử dụng trong cuộc sống hằng ngày như rửa tay, rửa bát, giặt quần áo,... Nguyên liệu của các loại hóa chất tẩy rửa thân thiện với môi trường này cũng đều có sẵn trong tự nhiên như: Cây chuối, nghệ, gừng, bồ hòn...

Chị Tuyết cho biết: “Tôi được tham gia lớp tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án Bảo tồn tài nguyên nước do một doanh nghiệp nước ngoài tài trợ. Chúng tôi được học làm các chế phẩm sinh học, ủ rơm giữ nước cho đất... Đây đều là kiến thức thiết thực giúp ích cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại nhà”.

Đoàn công tác của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam thăm quan mô hình chè Shan Tuyết hữu cơ tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Đoàn công tác của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam thăm quan mô hình chè Shan Tuyết hữu cơ tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra và sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, bà con dân tộc sinh sống tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn còn được trực tiếp tham gia vào mô hình sản xuất chè Shan Tuyết hữu cơ theo hướng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS). Mô hình này được triển khai với 40 hộ trồng chè tại 4 xóm thuộc xã Xuân Sơn.

Ông Trần Ngọc Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn cho biết: “Các đoàn khi đến khảo sát tại Vườn thì đều đánh giá Xuân Sơn có vườn chè Shan Tuyết quý, cần phải bảo vệ và phát triển. Hiện nay, chè hữu cơ nằm trong phân khúc chè đặc biệt và tăng trưởng rất nhanh do nhu cầu sử dụng đồ có nguồn gốc thiên nhiên lớn. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn để phát triển theo hướng đẩy mạnh chế biến và xây dựng thương hiệu, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con nhân dân, giảm bớt sự phụ thuộc vào tự nhiên, gián tiếp bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước”.

Chè Shan Tuyết hữu cơ hiện đang áp dụng thử nghiệm tại 40 hộ trồng chè thuộc 4 xóm của xã Xuân Sơn

Chè Shan Tuyết hữu cơ hiện đang áp dụng thử nghiệm tại 40 hộ trồng chè thuộc 4 xóm của xã Xuân Sơn

Cùng với đó, Ban điều phối tại địa phương đã được thành lập và tổ chức tập huấn về công tác thanh tra, giám sát để đảm bảo chất lượng mô hình chè Shan Tuyết theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam. Dự án “phục hồi, quản lý nguồn nước cho lưu vực Sông Hồng tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn” do doanh nghiệp nước ngoài tài trợ, thông qua Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới và do Bộ NN&PTNT làm cơ quan chủ quản dự án.

Với kinh phí 3 tỉ đồng và thời gian thực hiện trong hai năm từ 2023 đến 2025, dự án được kỳ vọng sẽ giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng địa phương ở vùng lõi và vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Sơn thực hiện thói quen mới trong cuộc sống và sinh hoạt, bảo vệ, phục hồi và tiết kiệm gần 1,65 tỉ lít nước mỗi năm.

Mục tiêu nghe thật lớn lao nhưng lại đang được bà con nhân dân nơi đây hiện thực hóa từ những việc làm nhỏ. Đơn cử như nâng cao ý thức trong việc không xả rác thải ra môi trường tự nhiên, tận dụng rác hữu cơ để làm phân bón. Đến với các điểm homestay tại Xuân Sơn, ngoài không khí trong lành, sự sạch sẽ, không xả rác bừa bãi là điểm gây ấn tượng với du khách.

Trong chuyến khảo sát dự án do doanh nghiệp Hoa Kỳ tài trợ tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, bà Melissa Bishop - Phó Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam khi nhận xét về Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã thốt lên rằng: “Tôi thấy rất vui và phấn khởi khi thấy những người dân được sống, được thụ hưởng không khí trong lành ở đây hằng ngày. Trong tương lai, tôi rất muốn và có thể sẽ quay trở lại đây thêm lần nữa”.

Du khách rửa tay bằng chế phẩm sinh học do người dân địa phương tự làm từ nguyên liệu tự nhiên

Du khách rửa tay bằng chế phẩm sinh học do người dân địa phương tự làm từ nguyên liệu tự nhiên

Sự thay đổi trong ý thức mỗi người dân sinh sống tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn sẽ là một trong những thước đo thành công của dự án bảo tồn tài nguyên nước. Họ là chủ thể của quá trình bảo vệ tài sản quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh Phú Thọ. Những nỗ lực để bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên rừng, đất, nước, hệ động thực vật sẽ là chìa khóa để “lá phổi xanh” Xuân Sơn luôn mãi xanh tươi.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xa-hoi/viec-lam-nho-y-nghia-lon/203334.htm