Việc làm sau Tết: Không bỏ lỡ cơ hội 'vàng'
Kết thúc chuỗi ngày nghỉ Tết Nguyên đán, không khí lao động sản xuất tại nhiều địa phương đã diễn ra với khí thế sôi nổi, phấn khởi, khẩn trương.
Cây cà phê vào mùa tưới
Như thường lệ, sau những ngày đón Tết, vui xuân, người nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên lại bận rộn với mùa tưới để cà phê kịp bung hoa, đậu quả đúng vụ. Người đặt máy bơm, người kéo ống nước, người kiểm tra đất... không khí lao động sản xuất rộn ràng khắp các buôn làng.
Anh Nguyễn Văn Huấn (40 tuổi, huyện Krông Năng, Buôn Hồ) - nông dân có gần 1 héc-ta trồng cà phê ở tỉnh Đắk Lắk cho biết, cà phê là giống cây ưa khí hậu mát và hơi lạnh, vì vậy mùa Xuân là thời điểm chăm sóc cây khá quan trọng. Đây là lúc cây cà phê bắt đầu ra hoa nên anh Huấn thường xuyên ra rẫy để tưới nước cũng như kiểm tra tình trạng cây. Theo chia sẻ của anh Huấn, mùa tưới có ảnh hưởng lớn, quyết định đến năng suất, sản lượng cà phê của niên vụ. Vì vậy, người trồng cà phê dành rất nhiều công sức, tâm huyết tưới, chăm sóc với mong muốn một mùa cà phê bội thu về chất lượng và giá cả.
“Mấy ngày nay dù vừa mới kết thúc nghỉ Tết nhưng tôi đã ra rẫy từ sáng sớm, mùa này cần chú trọng tưới nước đầy đủ để hoa nở đều, quả đậu nhiều. Việc tưới tưởng đơn giản, song cũng cần có kỹ thuật. Nếu tưới sớm quá, cà phê chưa có mầm hoa, thì hoa sẽ không đều. Từ đó dẫn tới đậu quả kém hơn, ảnh hưởng đến việc thu hoạch cuối vụ. Ngược lại, nếu chậm trễ việc tưới thì cây lại bị thiếu nước làm lá bị rụng, khô. Trường hợp này khả năng đậu quả cũng kém. Nhìn chung, cà phê có nhiều mầm nụ, chúng tôi phải chú trọng tưới nước đủ và đúng. Khoảng 2 năm trở lại đây, giá cà phê ổn định và duy trì ở mức cao. Chúng tôi rất phấn khởi, nỗ lực với hy vọng một mùa vụ bội thu”, anh Huấn giải thích.
Chị Đỗ Thị Xuân (35 tuổi, huyện Krông Năng, Buôn Hồ) - chủ đại lý thu mua nhân cà phê tại đây chia sẻ, cây cà phê là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhất là với những loại cà phê sạch, an toàn mà chất lượng. Điều đó đồng nghĩa nông dân cần có kỹ thuật trồng cà phê hiệu quả để đảm bảo được năng suất cao ổn định, chất lượng. Hiện nay, yêu cầu người dùng ngày càng cao, cà phê không chỉ cần hương vị ngon, chất lượng mà còn phải sạch. Sạch không chỉ từ khâu thu hoạch cho đến chế biến, mà ngay cả trong quá trình canh tác cũng phải đảm bảo không có các chất gây hại.
“Công việc chính của chúng tôi là tìm nguồn cà phê chất lượng để đánh giá và thu mua nhân cà phê tươi và khô. Mặc dù có mặt bằng giá chung khi thu mua nhân cà phê, song thực tế cũng có những thay đổi về giá cả dựa trên chất lượng của thành phẩm. Mùa này thì cây mới đang ra hoa thôi nên chúng tôi chủ yếu xử lý thành phẩm đã thu mua trước đó”, chị Xuân cho biết.
“Hồi sinh” cây cảnh sau Tết
Những tưởng những ngày sau Tết Nguyên đán là dịp những người dân trồng cây cảnh như đào, quất, mai sẽ được “xả hơi”, song thực tế lại không phải vậy. Tại vườn cây nhà ông Trần Tuân (39 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội), không khí tấp nập không kém gì dịp Tết Nguyên đán. Được biết, đây là thời điểm các chủ nhà vườn thu mua lại cây cảnh của khách hàng để chăm bón nhằm “hồi sinh” chúng cho mùa Tết tiếp theo.
Theo ông Tuân, công việc thu gom gốc đào, quất, mai và các loại cây cảnh khác sau Tết thường bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng và kết thúc sau đó khoảng 20 - 25 ngày. Sở dĩ việc thu mua diễn ra sớm là để chọn được những gốc đào thế đẹp. Ông Tuân tâm sự, để trồng và chăm sóc được một gốc đào, mai già đẹp như khi bán cho khách sẽ mất rất nhiều thời gian.
Nếu làm theo cách thông thường là chiết cành hoặc nuôi gốc, người nông dân phải mất thời gian vài năm. Vì vậy, việc thu gom những gốc đào mà người dân đã chơi hết Tết là cách phổ biến của các nhà vườn vài năm trở lại đây, vừa tiết kiệm lại vừa rút ngắn thời gian chăm sóc ra thành quả.
“Ví dụ, đào là loại cây có 4 giai đoạn sinh trưởng dựa vào 4 mùa Xuân, Hạ, Thu và Đông. Mùa Xuân là lúc cây cối đâm chồi, nảy lộc nên đây được coi là thời gian chăm sóc và phục hồi cây đào tốt nhất. Nếu để lỡ thời điểm đẹp nhất này, tốc độ sinh trưởng của cây sẽ kém hơn và năm đó sẽ không thu được cây cho hoa đẹp. Vì thế, mùa sau Tết chúng tôi không những không được nghỉ, mà còn phải tranh thủ, bận rộn hơn bình thường”, ông Tuân cho biết.
Theo chủ nhà vườn, vì lượng công việc tương đối lớn nên không thể đến tận nơi thu mua được. Bởi vậy, họ còn thu mua lại từ những cá nhân, hoặc những người chuyên thu gom cây cảnh sau Tết. Anh Đỗ Trung Nam (29 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, cứ sau Tết, anh lại đi khắp các ngõ, ngách ở Hà Nội để thu gom những gốc đào, quất đem bán lại cho nhà vườn. Đã hết Tết nên giá bán thường rất rẻ, chỉ vài trăm ngàn đồng, thậm chí có nhiều người cho không.
“Dù công việc này phải đi lại khá nhiều, khuân vác nặng và cồng kềnh, tương đối vất vả, nhưng nếu chịu khó, thu nhập cũng không thấp. Ngày nào ít thì thu nhập cũng vài trăm nghìn đồng, có những ngày tôi kiếm được hơn 1 triệu đồng. Nhiều hôm ít nhưng hết cả vụ tôi dự đoán cũng được khoảng 10 - 12 triệu đồng”, anh Trung Nam phấn khởi chia sẻ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/viec-lam-sau-tet-khong-bo-lo-co-hoi-vang-post718294.html