Việc nhỏ của những người thành công

Từ ngày tham gia Hội Khuyến học tỉnh, mỗi tháng tôi thường được tham dự sự kiện trao học bổng 'Chắp cánh ước mơ' do Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) phối hợp với VNPT Bình Phước và Hội Khuyến học tỉnh tổ chức. Có thể nói, đây là một chương trình có ý nghĩa nhân văn cao cả và có sức lan tỏa rất lớn. Rất nhiều người từng là nhân vật của chương trình, khi vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời đã trở lại, kết nối vào vòng tay thiện nguyện của cộng đồng để hỗ trợ những người có hoàn cảnh giống mình trước đây.

Đã qua 106 kỳ trao học bổng "Chắp cánh ước mơ" - nghĩa là đã có ít nhất 106 số phận, mảnh đời khó khăn được chắp cánh để đủ sức bay tới miền mơ ước. Nói “ít nhất” là bởi không chỉ có các nhân vật chính của chương trình thay đổi số phận sau mỗi kỳ trao - nhận học bổng, mà bởi có rất nhiều người xung quanh các em, là cha mẹ, ông bà, người thân hay người đỡ đầu cũng nhờ phần học bổng nghĩa tình của hoạt động khuyến học - khuyến tài mà thay đổi số phận. Thật xúc động khi có những cá nhân, nhóm thiện nguyện, thậm chí có cả những người chống nạng, đi xe lăn cũng cố gắng vượt hàng trăm cây số đến trao cho nhân vật những đồng tiền được họ chắt chiu, dành dụm từ bán vé số, bán bánh, chè cùng các dịch vụ. Tuy nhiên, niềm xúc động của tôi càng lớn hơn khi nghe Biên tập viên Thu Hiền - người dẫn chương trình đọc số tiền ủng hộ của những người ẩn danh. Và ấm lòng thay! Kỳ trao học bổng nào cũng có những người ẩn danh như thế!

Viết tới đây, tôi chợt nhớ lại những giai đoạn khó khăn của cộng đồng khi đại dịch Covid-19 bùng phát hay những vụ thiên tai, hỏa hoạn tràn tới và nhằm vào một nhóm dân cư nào đó. Những dòng thông tin về nguồn gốc của những đồng tiền thiện nguyện như: một người Hà Nội, một bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh, một học sinh lớp 6 ở Bình Phước, một người giấu tên ở Cần Thơ… kèm theo số tiền đóng góp. Không hiểu sao, lòng tôi thường rộn lên khi nghe - đọc tới những dòng tên đó, cho dù số tiền ủng hộ cũng chỉ khiêm tốn. Nói như thế không có nghĩa là xem nhẹ những người công khai tên tuổi khi ủng hộ. Người viết đã có lần được xem phóng sự mà phóng viên truyền hình đã rất vất vả để thu hình và thu tiếng của một trong những người ẩn danh như thế, vì họ luôn trả lời: Đó là việc nhỏ, ai cũng làm được mà! Và họ thường cố tình tránh ống kính máy quay. Trong lòng họ - một người Hà Nội, một bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh, một học sinh lớp 6 ở Bình Phước, một người giấu tên ở Cần Thơ… và rất nhiều người ẩn danh khác, việc làm của họ luôn là “việc nhỏ” và không muốn phô trương, không cần ai biết đến. Họ khác một trời một vực so với một số người thích tô vẽ bản thân bằng cách thổi phồng hoạt động thiện nguyện của mình. Lại có người vào mỗi dịp phát động đóng góp Quỹ "Vì người nghèo" thì lên sân khấu đăng ký với Ban tổ chức một con số khổng lồ. Nhưng sau khi báo, đài đăng tin thì họ mất tăm và quên luôn số tiền đã đăng ký.

Trong cuộc sống này, việc sẻ chia với những người hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ xuất phát từ trái tim và lòng nhân hậu giữa con người với con người, không vì mục đích vụ lợi. Giúp đỡ ai đó, giúp bao nhiêu cũng không phải là điều gì quá lớn lao và đôi khi không hẳn thể hiện lòng rộng rãi bằng tiền bạc mà đơn giản chỉ là bày tỏ tấm lòng và hỗ trợ trong khả năng có thể. Điều dễ nhận thấy là những người thành công luôn tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ người khác và không đòi hỏi “trả lại” bao giờ. Ngược lại, những người không thành công luôn đặt câu hỏi: Tôi được lợi gì?

Và tôi xin được gọi những người ẩn danh kia là những người thành công!.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/158899/viec-nho-cua-nhung-nguoi-thanh-cong