Việc nhỏ, tránh hậu quả lớn

Việc nuôi chó, mèo của nhiều hộ dân không đúng theo quy định, đã gây ra nhiều hệ lụy cho chính người nuôi và xã hội…

 Khi đưa chó, mèo ra công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Ảnh: BẢO PHƯỚC

Khi đưa chó, mèo ra công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Ảnh: BẢO PHƯỚC

Dư luận đã hết sức lo lắng khi vào chiều 11/3 mới đây, tại khu phố Dân Phước, phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu (Phú Yên), một con chó chạy rông đã cắn 7 người dân trong khu vực này. Trước đó, ngày 3/3, một con chó dại đã bất ngờ chạy vào Trường TH - THCS Dực Yên, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) cắn 13 học sinh và 1 thầy giáo… Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu chó thả rông tấn công người mà từng xảy ra rất nhiều vụ việc trước đó.

Một thông tin từ Bộ Y tế đã khiến chúng ta phải giật mình; đó là, trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 20 ca tử vong do bệnh dại. Trong năm 2023, cả nước đã ghi nhận hơn 80 người tử vong do bệnh dại. Theo đánh giá, tỷ lệ tử vong do bệnh dại chủ yếu là do người dân không đi tiêm phòng dại khi bị súc vật cắn; việc quản lý và tiêm phòng dại trên súc vật còn thấp, tập quán nuôi chó thả rông nên số người bị động vật cắn phơi nhiễm với bệnh dại ở mức cao… Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, theo thống kê từ Phòng tiêm chủng dịch vụ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ đầu năm 2024 đến nay đã có 363 ca đến tiêm vắc-xin dại, trong đó có 114 ca có chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại.

Tình trạng để chó chạy rông ra đường không chỉ nguy cơ lây truyền bệnh dại trong cộng đồng, mà còn gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đơn cử vào tháng 11 năm ngoái, trên đoạn Tỉnh lộ 10 thuộc địa bàn thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, anh N.V.L., SN 1973, trú ở thôn Phú Khê, xã Phú Dương, TP. Huế điều khiển xe mô tô đi từ hướng xã Phú Mỹ lên phường Phú Thượng thì va chạm vào con chó, anh L. cùng phương tiện ngã xuống đường và tử vong sau đó…

Nhằm tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên động vật, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND; trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP. Huế tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo bảo đảm tỷ lệ đạt trên 85% tổng đàn trong năm 2024; đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh…

Thực ra, trách nhiệm người nuôi chó đã được quy định trong nhiều văn bản của pháp luật; cụ thể theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT về phòng, chống dịch bệnh động vật thì người nuôi phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường; khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại… Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định trên vẫn chưa tốt. Trong thực tế, đây là những việc làm không khó, cần được thực hiện triệt để, tránh những hậu quả đau lòng như từng xảy ra…

ĐT

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/viec-nho-tranh-hau-qua-lon-138920.html