Việc phòng, chống xâm hại trẻ em là vấn đề cấp thiết, cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Sáng 28/6, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo 'Vai trò, trách nhiệm của Gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em'.

Hội thảo là một trong những hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động vì trẻ em năm 2019.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐTB&XH Đặng Hoa Nam và Vụ trưởng Vụ Gia đình Bộ VHTTDL Trần Tuyết Ánh chủ trì hội thảo.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo ra nguồn nhân lực cho quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều chính sách cho sự nghiệp giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em được Đảng và Nhà nước quan tâm, ban hành và thực hiện. Đặc biệt từ khi Luật trẻ em năm 2016 được Quốc hội thông qua, công tác trẻ em đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em. Sự phối hợp liên ngành trong việc thực hiện công tác trẻ em đã có những chuyển biến, hiệu quả hơn. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung thực hiện các điều kiện đảm bảo cho trẻ em quyền vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch; gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống của gia đình và đảm bảo sự tham gia của trẻ em trong gia đình.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục là vấn đề cấp thiết, cần sự tham gia vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng. Vì gia đình là môi trường sống đầu tiên, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Do đó, mỗi thành viên gia đình, nhất là là cha mẹ trước hết phải hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân; trang bị cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn cho con, cháu những kiến thức, những kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em. Đây có thể coi là nền tảng quan trọng, thiết thực với việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Tuy vậy, thời gian qua, xã hội còn phải chứng kiến một số gia đình, tổ chức thiếu trách nhiệm với trẻ em, chưa coi trọng vấn đề bảo vệ trẻ em, thiếu hiểu biết về luật pháp, không nhận thức được các hành vi vi phạm quyền trẻ em dẫn đến thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn yếu.

Hội thảo cũng đưa ra những con số đáng chú ý: Theo số liệu từ Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, trong 5 năm 2011-2015, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, trong đó số vụ xâm hại tình dục là 5.300 vụ. Năm 2018, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý sơ thẩm 1.481 vụ với 1.620 bị cáo xâm hại trẻ em. Tình trạng xâm hại trẻ em đang gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tâm lý, sự phát triển của trẻ em và sự bình yên, hạnh phúc của mỗi gia đình.Việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục là vấn đề cấp thiết, cần sự tham gia vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trình bày tham luận, chia sẻ, thảo luận… về vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó đưa ra các vấn đề: Thực trạng xâm hại trẻ em (Đặng Hoa Nam, Vụ trưởng Vụ Gia đình); Vai trò trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em (bà Đặng Bích Thủy Viện Nghiên cứu Gia đình và giới) Phòng chống bạo lực gia đình, tội phạm trẻ em là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội (Ths. Đặng Thị Kim Thoa, Viện VHNT Quốc gia Việt Nam); Một số kỹ năng cha mẹ cần dạy con để phòng, chống xâm hại (Đại diện Cục Trẻ em); Ảnh hưởng của báo chí và mạng xã hội đối với việc phòng, chống xâm hại trẻ em (Nhà báo Hồ Bất Khuất)…

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo đã làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò, trách nhiệm của gia đình, các thành viên gia đình cũng như những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng, chống xâm hại trẻ em. Từ đó, đề xuất giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm phát huy vai trò của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Đây cũng là dịp để tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức các thành viên gia đình trong việc bảo vệ trẻ em trước hành vi bạo lực, xâm hại trong gia đình và ngoài xã hội.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá cao những tham luận, ý kiến phát biểu trao đổi của các đại biểu. Hội thảo đã đưa ra bức tranh khá toàn cảnh về thực trạng của xâm hại trẻ em Việt Nam hiện nay với những kết quả đã làm được, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, đồng thời đề xuất những kỹ năng cơ bản và giải pháp về việc phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thứ trưởng cũng khẳng định, qua hội thảo việc phổ biến tuyên truyền cần đẩy mạnh. Đồng thời cần giáo dục nhiều chiều, cũng như sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội. Bộ VHTTDL mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức để công tác quản lý gia đình có hiệu quả hơn.

Tin: Hà Anh, ảnh: Đình Đạt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/viec-phong-chong-xam-hai-tre-em-la-van-de-cap-thiet-can-su-vao-cuoc-cua-toan-xa-hoi-20190628164923703.htm