Việc quan trọng cần làm khi bị chó cắn
Khi bị chó cắn, nếu bạn không biết cách sơ cứu và điều trị y tế kịp thời, nó có thể tăng nguy cơ uốn ván, nhiễm trùng, thậm chí bệnh dại.

Chó cắn làm tăng nguy cơ mắc uốn ván hoặc bệnh dại nhưng có thể phòng ngừa được. Ảnh: Animalwised.
Việc không may bị chó cắn không hiếm. Trên thực tế, đôi khi bạn có thể bị bất ngờ khi bị chó của chính mình cắn. Nhưng dù là thú cưng hay chó hoang, bạn nên làm gì nếu bị chó cắn?
Các bước sơ cứu ban đầu
Theo Health Shots, nếu bạn hoặc người khác bị chó cắn, điều quan trọng là phải thực hiện các bước sơ cứu ngay lập tức để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng.
- Bắt đầu bằng cách rửa sạch vết thương bằng xà phòng nhẹ và nước. Nhẹ nhàng rửa sạch bụi bẩn và vi khuẩn, nhưng tránh chà xát vì có thể làm vết thương nặng hơn.
- Sau khi rửa sạch, hãy bôi dung dịch sát trùng lên vết thương và băng lại bằng băng sạch, vô trùng.
- Nếu da không bị rách, hãy rửa vùng đó bằng nước ấm và xà phòng, sau đó bôi dung dịch sát trùng.
- Nếu da bị rách nhưng không chảy máu, hãy vệ sinh vùng đó bằng nước ấm, xà phòng và khăn sạch. Nhẹ nhàng ấn vào vùng xung quanh để thúc đẩy chảy máu, giúp loại bỏ vi khuẩn. Làm sạch máu và bôi thuốc mỡ kháng khuẩn.
- Đối với vết thương chảy máu, hãy bôi và ấn một miếng vải sạch để cầm máu, sau đó vệ sinh vùng đó và băng vô trùng. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức đối với vết thương do chó cắn bị chảy máu.
Thời điểm cần đi khám bác sĩ
Mặc dù vết cắn của chó có thể được xử lý bằng cách sơ cứu cơ bản, điều cần thiết là phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế trong một số tình huống nhất định. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu:
Vết cắn sâu, gây tổn thương mô đáng kể
Chảy máu quá nhiều và không ngừng khi ấn vào
Vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như đỏ, sưng hoặc mủ
Con chó cắn bạn có vẻ ốm hoặc cư xử kỳ lạ
Vết cắn liên quan đến mặt, tay hoặc bộ phận sinh dục vì những vùng này dễ bị biến chứng hơn
Nếu chó chưa được tiêm vaccine phòng dại
Bạn chưa tiêm phòng uốn ván trong vòng 5 năm trở lại đây
Nếu bạn bị tiểu đường, ung thư hoặc mắc AIDS.
Ngoài ra, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu bạn cảm thấy yếu, mất phương hướng hoặc ngất xỉu và bị sốt.

Vết chó cắn dù được sơ cứu cơ bản đôi khi cần can thiệp y tế kịp thời để phòng ngừa nhiễm trùng. Ảnh: Medkart.
Can thiệp y tế
Bệnh dại là bệnh nhiễm trùng do virus có khả năng gây nguy hiểm tính mạng lây truyền qua nước bọt của động vật bị nhiễm bệnh, thường là qua vết cắn. Việc điều trị ngay lập tức và phù hợp rất quan trọng để ngăn ngừa sự khởi phát của các triệu chứng và sự tiến triển của bệnh.
Ngoài việc sơ cứu, việc điều trị bệnh dại thường bao gồm các bước sau:
- Tiêm vaccine: Dự phòng sau phơi nhiễm bao gồm một chế độ vaccine phòng bệnh dại được tiêm ngay sau khi bị cắn theo một loạt các mũi tiêm. Tiêm theo 4 liều vào ngày thứ 0, 3, 7 và 14 kể từ ngày bị cắn. Điều quan trọng là phải bắt đầu điều trị này càng sớm càng tốt sau khi có khả năng tiếp xúc với virus.
- Globulin miễn dịch bệnh dại (RIG): Ngoài vaccine, có thể dùng globulin miễn dịch bệnh dại. Thuốc này cung cấp kháng thể ngay lập tức chống lại virus, bảo vệ tạm thời cho đến khi cơ thể sản xuất kháng thể.
- Theo dõi y tế: Sau khi được điều trị ban đầu, bệnh nhân có thể cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh dại.
Điều quan trọng cần lưu ý là một khi các triệu chứng của bệnh dại xuất hiện, bệnh hầu như không thể chữa khỏi. Do đó, việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời sau khi có khả năng tiếp xúc với bệnh dại rất quan trọng để phòng ngừa hiệu quả.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/viec-quan-trong-can-lam-khi-bi-cho-can-post1542496.html