Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập nhiều lúc còn cơ học, khó hoạt động hơn
'Vừa qua, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập nhiều lúc còn cơ học, không làm mạnh lên mà thậm chí còn yếu đi, khó hoạt động hơn… Càng sắp xếp thì lại càng dôi dư, càng phình ra. Liệu có câu chuyện này không?' – Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phân tích.
Ngày 18/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của UBTVQH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.
Giám sát 2 nội dung chính
Báo cáo một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát nêu rõ, chuyên đề giám sát tập trung vào 2 nội dung chính. Một là, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc: xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập... Hai là, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra đến năm 2025 và 2030.
Về đối tượng giám sát được chia làm 2 nhóm. Đối với nhóm các cơ quan chịu sự giám sát gồm: Chính phủ; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: thực hiện giám sát đối với tất cả các nội dung nêu tại mục 2 về nội dung giám sát.
Đối với nhóm các cơ quan tổ chức có liên quan bao gồm: các cơ quan Đảng ở Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội: chỉ báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và các văn bản pháp luật có liên quan. Giai đoạn giám sát từ 25/10/2017 đến hết 31/12/2023 trên phạm vi cả nước. Đoàn giám sát tổ chức làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và tổ chức giám sát, làm việc với một số địa phương là các tỉnh, thành phố lớn, có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, có đặc thù, đại diện các khu vực, vùng miền...
Cụ thể, khoảng 10-12 tỉnh, thành phố, dự kiến gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Long An.
Cần hoàn thiện cơ chế chính sách tự chủ và tài chính
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định, đây là chuyên đề giám sát rất rộng, trên nhiều lĩnh vực, khối các cơ quan, đơn vị khác nhau. Ngoài ra, nội dung giám sát có nhiều luật chi phối, không có luật riêng nên rà soát quy định của pháp luật cũng không đơn giản.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần xác định cụ thể hơn các nội dung giám sát. Thứ nhất là sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập. “Vừa qua, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập nhiều lúc còn cơ học, không làm mạnh lên mà thậm chí còn yếu đi, khó hoạt động hơn… Càng sắp xếp thì lại càng dôi dư, càng phình ra. Liệu có câu chuyện này không?" – Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phân tích.
Nội dung trọng tâm thứ hai được Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc đến là việc hoàn thiện cơ chế chính sách tự chủ và tài chính. Thứ ba là hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập có “nút thắt” nào cần tháo gỡ.
Sau khi các ý kiến phát biểu của Ủy viên TVQH về vấn đề thời gian báo cáo, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cảm ơn Quốc hội đã chọn chuyên đề giám sát này vì đây là những vấn đề quan trọng, cần thiết và cho rằng, pháp luật về các đơn vị sự nghiệp công lập hiện còn chồng chéo và nếu giám sát tháo gỡ được các chồng chéo này thì rất tốt.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng cho biết:“Chỉ nói riêng bệnh viện, trường học đã rất rối rồi. Chúng tôi tin rằng, sau cuộc giám sát, tình hình sẽ tốt lên" - Phó Thủ tướng nói và khẳng định Chính phủ cam kết chuẩn bị mọi báo cáo theo đề cương giám sát .
Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát, cho biết đoàn sẽ đến những nơi thực sự cần thiết như những nơi làm rất tốt và những nơi làm chưa hiệu quả để tìm hiểu nguyên nhân, đề ra giải pháp. Từ đó kiến nghị các cơ quan tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.