Việc sử dụng ngân sách có nơi chưa hiệu quả, nguồn lực bố trí không thực hiện được, trong khi nhu cầu đầu tư còn nhiều

Sáng 7.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giảm nợ công, bội chi ngân sách

Đa số ĐBQH cho rằng, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện các vấn đề về tài chính, ngân sách nhà nước. Điều này được thể hiện qua thu ngân sách năm 2022 đạt vượt dự toán 28,8%; thu từ các khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI, kinh tế ngoài quốc doanh đều đạt vượt dự toán; cân đối ngân sách, chi thực hiện mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giảm nợ công và bội chi ngân sách...

Bên cạnh đó, về công tác quyết toán ngân sách năm 2022, ngay sau khi có Nghị quyết 91 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị với nhiều giải pháp cụ thể, thực hiện đạt kết quả cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Ngoài ra, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có nhiều cố gắng trong công tác báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, rà soát, thu hồi tạm ứng quá hạn và thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực…

ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) cho rằng, qua số liệu về quyết toán năm 2022 cho thấy, công tác điều hành ngân sách của Chính phủ khi 3 chỉ số rất quan trọng của năm 2022 đều đạt và vượt. Đó là số tăng thu của năm 2022 rất cao, tạo ra nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường cao tốc, tuyến đường liên vùng, dự án trọng điểm quốc gia và địa phương; số thực chi thấp hơn dự toán; số bội chi ngân sách cũng rất tiết kiệm, chi thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao.

Chú trọng nâng cao chất lượng công tác dự báo

Tuy nhiên, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) thẳng thắn cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế cần quan tâm khắc phục. Trong đó, số liệu báo cáo của Chính phủ và bộ, ngành liên quan thực hiện vốn ngân sách nhà nước còn một số bất cập.

Số liệu báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm và báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của Chính phủ còn có sự chênh lệch lớn cả về số thu và chi ngân sách. Đặc biệt, số quyết toán chi ngân sách nhà nước giảm 407.317 tỷ đồng, số bội chi ngân sách nhà nước giảm 49.317 tỷ đồng. Như vậy, giảm nhiều so với dự toán.

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách nhà nước các năm sau.

"Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình, thống kê tổng hợp đánh giá của cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo về ngân sách nhà nước và các cơ quan đơn vị liên quan hướng đến số liệu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước thực chất hơn", đại biểu Đỗ Thị Lan nói.

Nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương tại địa phương có nhu cầu rất lớn, nhưng không bố trí được kinh phí để thực hiện, trong khi phải hủy bỏ dự toán ngân sách. Thực hiện kế hoạch vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạt 37,7% dự toán, có địa phương đạt dưới 10%...

Nêu rõ thực tế trên, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, việc sử dụng ngân sách nhà nước có nơi chưa hiệu quả, còn lãng phí, nguồn lực bố trí cho nhiều nội dung không thực hiện được, trong khi nhu cầu đầu tư còn nhiều, phải vay và trả nợ lãi để bù đắp bội chi ngân sách. Vì vậy, những bất cập trong công tác lập, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước cần được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và cần có giải pháp để khắc phục.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, ý kiến của các ĐBQH thống nhất việc cho quyết toán với 2 nội dung số liệu cơ quan thẩm tra đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán theo đề nghị của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 trình Quốc hội xem xét, thông qua.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/viec-su-dung-ngan-sach-co-noi-chua-hieu-qua-nguon-luc-bo-tri-khong-thuc-hien-duoc-trong-khi-nhu-cau-dau-tu-con-nhieu--i374789/