Việc sử dụng vốn ODA tại Dự án Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long còn một số bất cập
Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 91/TB-KTNN thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Dự án Đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.
Sau 4 tháng vào cuộc, Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 91/TB-KTNN thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Dự án Đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (gọi tắt là Dự án Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long) thuộc đường vành đai III - TP Hà Nội tại Ban Quản lý Dự án Thăng Long thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Mặc dù không có sai phạm, song Kiểm toán Nhà nước vẫn chỉ ra một số sai sót làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư Dự án Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Cụ thể, “vết gợn” lớn nhất tại dự án này chính là tiến độ công trình không được đảm bảo, chậm tới 24 tháng so với Quyết định số 2660/QĐ-BGTVT ngày 2/9/2013 về việc phê duyệt dự án đầu tư. Theo Quyết định số 2660, thời gian thực hiện Dự án là 56 tháng, thời gian tổ chức thi công là 28 tháng.
Nếu chiểu theo mốc tiến độ này, Dự án Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long lẽ ra đã phải hoàn thành từ cuối năm 2018. Tại Thông báo số 91, Kiểm toán Nhà nước không nêu rõ lý do khiến Dự án bị chậm tiến độ và cũng không nói rõ các chi phí phát sinh từ việc kéo dài thời gian thực hiện, đặc biệt là chi phí tư vấn. Tuy nhiên, nếu được hoàn thành đúng tiến độ, Dự án Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ sớm phát huy hiệu quả đầu tư. Bởi, đây là công trình có tầm quan trọng đặc biệt trong mạng lưới giao thông của TP Hà Nội, không chỉ góp phần hoàn thiện đường vành đai III phía Bắc, giảm ách tắc giao thông cho các tuyến từ nội thành đến sân bay Nội Bài, mà còn phục vụ phát triển đô thị Hà Nội lên phía Bắc, giãn mật độ dân cư trong nội đô.
Hạn chế tiếp theo, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, là trong bước thiết kế cơ sở, Dự án phê duyệt với phương án thiết kế móng cọc khoan nhồi D1500 cho những đoạn tiêu chuẩn là chưa tối ưu, chưa phù hợp, làm tăng tổng mức đầu tư lên khoảng 122 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản chi phí bất hợp lý này đã được Bộ GTVT phát hiện và phê duyệt điều chỉnh.
Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư Dự án được lập trên cơ sở một số định mức, đơn giá chưa có trong hệ thống định mức hiện hành của Việt Nam (cọc thép xoay); Một số khối lượng chưa có cơ sở xác định, do đang tạm tính theo tỷ lệ; Một số giá trị được lấy theo Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Ngoài ra, Dự án còn một số tồn tại khác làm tăng tổng mức đầu tư khoảng 170 tỷ đồng, gồm giá trị thuế VAT không phù hợp theo quy định, làm tăng 71 tỷ đồng; Tính thừa khoản mục chi phí thực hiện các công việc tư vấn khác, trị giá 38 tỷ đồng; Tính trùng chi phí dự phòng tư vấn với giá trị 61 tỷ đồng. Mặc dù có công nghệ thi công không quá phức tạp, lại được thực hiện bởi các nhà thầu tên tuổi hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản, nhưng trong quá trình thi công, Dự án Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long vẫn để xảy ra những vấn đề kỹ thuật buộc phải xử lý khắc phục.
Cụ thể, trong quá trình thi công dầm Super T có 50 phiến dầm tại cả gói thầu xây lắp số 1 và số 2 xuất hiện vết nứt tại vị trí mép dưới vát góc dầm. Tại trụ cầu P66, P69 (gói thầu số 2) xuất hiện hiện tượng bê tông tách nước mạnh, chất lượng bê tông không đảm bảo, tạo nên các vết rỗ bề mặt bê tông.
Song theo Kiểm toán Nhà nước, nhà thầu đã sửa chữa, được tư vấn kiểm định độc lập đánh giá đạt yêu cầu và được kỹ sư tư vấn của Dự án chấp thuận. Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Thăng Long cho biết, đã yêu cầu tư vấn giám sát kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, cảnh cáo và giải thể 1 kỹ sư nền móng cầu (nhân sự nước ngoài) và 2 giám sát viên trong nước. Đối với liên danh Tokyu - Taisei, đại diện chủ đầu tư đã yêu cầu đưa 1 đốc công ra khỏi Dự án, cảnh cáo 2 giám đốc quản lý thi công.
Liên quan công tác quản lý chi phí đầu tư, Kiểm toán Nhà nước phát hiện và giảm trừ do sai đơn giá một số hạng mục trị giá 2,482 tỷ đồng; chưa đủ cơ sở xác nhận giá trị điều chỉnh giá 78,684 tỷ đồng; Một số hạng mục do trùng khối lượng với Dự án Mở rộng đường vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Kiểm toán Nhà nước đánh giá, công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư, chấp hành chế độ tài chính, kế toán tại Dự án Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đã cơ bản tuân thủ tốt.
Tuy nhiên, việc tính toán, xác định nhu cầu kế hoạch vốn vay ưu đãi của JICA cho Dự án tại một số năm, một số thời điểm chưa sát đúng, nên quá trình thực hiện không giải ngân hết, phải làm thủ tục xin điều chỉnh giảm nhu cầu, kế hoạch vốn với giá trị lớn; một số gói thầu Dự án áp dụng tỷ giá tính thuế VAT đối với khối lượng nghiệm thu thanh toán bằng ngoại tệ chưa phù hợp quy định, làm giảm số thuế VAT 1,165 tỷ đồng.
Ngoài ra, qua kiểm toán cho thấy, việc sử dụng nguồn vốn ODA tại Dự án Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long còn một số bất cập như: Dự toán dịch vụ tư vấn khi sử dụng vốn ODA cao gấp 7,5 lần so với định mức tư vấn trong nước; Biên bản ghi nhớ giữa đại diện Chính phủ Việt Nam với JICA (ngày 28/3/2013) có nhiều nội dung về chi phí và các giải pháp thiết kế của Dự án trước khi công trình được phê duyệt.
Trước các bất cập trên, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý Dự án Thăng Long việc triển khai thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Cụ thể, Ban Quản lý được yêu cầu chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với một số tồn tại, sai sót chủ yếu trong quản lý, thực hiện Dự án, như: Lập tổng mức đầu tư còn một số tồn tại, sai sót; công tác lập kế hoạch vốn một số năm chưa sát nhu cầu thực tế; công tác thiết kế móng cọc khoan nhồi D1500 đoạn tiêu chuẩn chưa tối ưu; Lập dự toán còn một số sai sót, tồn tại; Công tác lựa chọn nhà thầu bị kéo dài so với quy định…
Báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị trên về Kiểm toán Nhà nước trước ngày 15/12/2020.