'Việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay'
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nêu ra một số hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 và khẳng định việc sửa đổi Luật là rất cần thiết.
Nhằm góp phần thiết thực, cụ thể, có chiều sâu chất lượng vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), sáng 30/8, tại Tp.Yên Bái, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái, Hội Luật gia tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV Trần Công Phàn chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có sự tham dự của: Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Lương Văn Thức, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính tỉnh Yên Bái… cùng các ĐBQH thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, đại diện Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ, hội viên Hội Luật gia Việt Nam, các đại biểu ở các cơ quan Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016, qua hơn 7 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như:
Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng (Số người tham gia BHXH mới chỉ chiếm trên 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi);
Tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương (Số chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm tự nguyện giai đoạn 2016-2021 bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm);
Chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay...
“Xuất phát từ những lý do, yêu cầu nêu trên, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cho biết, Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp với gần 80 ngàn hội viên đã và đang công tác trong lĩnh vực pháp luật ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở trên khắp cả nước.
Nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam đã được Bộ Chính trị khẳng định tại Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 1/7/2022 về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới;
Quốc hội, Chính phủ củng đã có những văn bản chỉ đạo cụ thể để phát huy vai trò của Hội Luật gia và giới luật gia Việt Nam trong công tác xây dựng pháp luật.
“Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhằm huy động trí tuệ của các luật gia, các chuyên gia, nhà khoa học góp phần tích cực vào việc hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.
Để Hội thảo đạt được mục tiêu đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền đề nghị các đại biểu tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến về từng nhóm vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật.
Kết quả Hội thảo sẽ được Hội Luật gia Việt Nam tổng hợp để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi đến các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tham khảo, góp phần phục vụ việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong thời gian tới.