Việc tái chế tấm pin mặt trời có thể sớm trở thành bắt buộc ở Nhật Bản

Dư luận tại Nhật Bản đang quan tâm tới việc một lượng lớn tấm pin mặt trời tại Nhật Bản sẽ hết hạn và cần phải loại bỏ vào những năm 2030.

Ảnh: Japannews

Ảnh: Japannews

Trong khi số lượng tấm pin mặt trời ở Nhật Bản bắt đầu tăng vào cuối những năm 2010, nhiều tấm trong số đó sẽ hết thời gian sử dụng hữu ích vào những năm 2030, điều này có thể dẫn đến việc thải bỏ hàng loạt.

Trước tình hình này, Chính phủ Nhật Bản mới đây đã quyết định bắt buộc phải tái chế các tấm pin mặt trời này. Các nguồn tin cho biết, Chính phủ cũng đang xem xét đưa ra các hình phạt đối với những người vứt bỏ hoặc từ bỏ các tấm pin mặt trời thay vì tái chế chúng. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm thực hiện công việc này và vấn đề luật hóa sẽ diễn ra như thế nào?

Niềm hy vọng ngày càng tăng đối với năng lượng mặt trời như một giải pháp thay thế cho việc sản xuất năng lượng hạt nhân và nhiệt điện sau trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản năm 2011, và các tấm pin mặt trời nhanh chóng lan rộng khắp Nhật Bản. Tổng công suất năng lượng mặt trời lắp đặt đạt 85 triệu kilowatt vào cuối năm tài chính 2022, đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có công suất lắp đặt lớn thứ ba trên thế giới.

Để kịp trình dự luật về bắt buộc tái chế tấm pin năng lượng mặt trời trong kỳ họp Quốc hội vào năm sau, ngay từ thời điểm này, Bộ Kinh tế Công nghiệp Thương mại kết hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản đã thành lập nhóm chuyên gia để đánh giá phương án tái chế cụ thể, cũng như các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ.

Theo tờ Yomiuri, Chính phủ Nhật Bản có ý định hỗ trợ nhằm phổ biến loại "pin mặt trời perovskite" có nguồn gốc nội địa, do có nhiều nguyên liệu thô trong nước, nên hạn chế phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài, đảm bảo được an ninh kinh tế.

Việc tái chế các tấm pin mặt trời hiện chưa bắt buộc và hầu hết chúng được xử lý tại các bãi chôn lấp sau khi được loại bỏ. Các tấm pin mặt trời silicon thông thường sử dụng chì và một số loại còn chứa các chất độc hại như cadmium.

Tờ Nikkei cho rằng, trách nhiệm chi phí tái chế tấm pin năng lượng mặt trời có thể giống với quy định tái chế ô tô hiện nay, có nghĩa là trách nhiệm chi phí tái chế sẽ chia sẻ giữa chủ sở hữu và nhà sản xuất, mỗi bên chịu một phần.

Nếu số lượng tấm pin năng lượng mặt trời cần tái chế tăng lên đáng kể thì có nguy cơ không đủ cơ sở để xử lý và Chính phủ phải đầu tư tăng số lượng cơ sở tiếp nhận tái chế. Ngoài ra, nhà chức trách Nhật cũng cần tiến hành nghiên cứu công nghệ tái chế nhằm giảm chi phí.

Bộ Môi trường Nhật Bản sẽ phân bổ 10 tỷ yên (70 triệu USD) trong năm tài khóa năm tới, bắt đầu từ tháng 4/2025 để thúc đẩy nỗ lực khử carbon và kinh tế tuần hoàn. Riêng việc bắt buộc tái chế tấm pin năng lượng mặt trời, Bộ Môi trường Nhật Bản cần 400 triệu yên vào năm sau để thiết lập một hệ thống quy định bắt buộc tái chế.

Ngoài ra, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cũng sẽ phân bổ 2,5 tỷ yên cho các dự án hợp tác, nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, bao gồm các lĩnh vực tái chế mới.

Giới chuyên gia Nhật Bản hiện đang tập trung xem xét những loại tấm pin năng lượng mặt trời nào dễ dàng tái chế, để khuyến khích người dân và doanh nghiệp nước này sử dụng. Đối với những loại tấm pin năng lượng mặt trời khó tái chế, chứa nhiều chất độc hại hoặc có thành phần cấu tạo không rõ ràng, cơ quan chức năng nước này sẽ xem xét, hạn chế nhập khẩu hay áp thuế cao hơn để phục vụ việc tái chế.

Bình An

JPnews

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/viec-tai-che-tam-pin-mat-troi-co-the-som-tro-thanh-bat-buoc-o-nhat-ban-717342.html