Việc tạm đình chỉ thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại được pháp luật quy định như thế nào?

* Bạn đọc Trần Văn Bảy ở xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, hỏi: Việc tạm đình chỉ thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 26 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ. Cụ thể như sau:

1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại. Thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải quyết khiếu nại. Quyết định tạm đình chỉ thực hiện theo mẫu số 11 ban hành kèm theo nghị định này.

2. Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định hủy bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ. Quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ thực hiện theo mẫu số 12 ban hành kèm theo nghị định này.

* Bạn đọc Đào Hồng Hạnh ở xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết pháp luật quy định như thế nào về phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 4 Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11-5-2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể như sau:

1. Đối với giáo dục mầm non

a) Lồng ghép thông qua các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

b) Sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua hoạt động giáo dục phát triển thể chất.

2. Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

a) Lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa.

b) Thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè.

3. Đối với giáo dục đại học

a) Lồng ghép trong môn học giáo dục quốc phòng, an ninh và các hoạt động ngoại khóa.

b) Phối hợp với các đơn vị có chức năng trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tổ chức hoạt động đào tạo, thực hành, diễn tập phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các nhà trường.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/viec-tam-dinh-chi-thi-hanh-quyet-dinh-hanh-chinh-bi-khieu-nai-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-708010