'Việc thành lập Tổ bảo vệ ANTT tại cơ sở là căn cứ theo các quy định pháp luật hiện có'
Sáng nay (20-6), thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc CATP Hà Nội, ĐBQH đoàn Hà Nội cho rằng, việc thành lập Tổ bảo vệ ANTT tại cơ sở không phải là vấn đề mới, mà chỉ là tổ chức lại các lực lượng đang có, trên cơ sở các quy định pháp luật hiện có.
Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, từ khi thành lập nước đến nay, Đảng ta đã xác định công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của toàn dân. Do vậy, cần có một cơ chế để huy động toàn bộ hệ thống thực hiện nhiệm vụ này.
Đại biểu Nguyễn Hải Trung chia sẻ, qua nghiên cứu nhiều tài liệu quy định về tỷ lệ số dân trên biên chế lực lượng Cảnh sát một số quốc gia, thì hiện tại, tỷ lệ số dân/Công an của TP. Hà Nội khoảng 500 dân/1 cán bộ Công an. Ở Mỹ, tỷ lệ số dân/Cảnh sát là 363/1; ở Pháp là 280/1; ở Trung Quốc là 479/1; ở Campuchia là 200/1; ở Nhật Bản là 291/1…Nhìn chung tại các quốc gia, tỷ lệ này dao động trong khoảng 200 - 300/1.
“Đây chỉ là tỷ lệ cảnh sát/dân, nhưng khái niệm Công an rộng hơn khái niệm cảnh sát. Cảnh sát các nước chỉ làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm, không bao gồm an ninh, PCCC, cảnh vệ, quản lý giam giữ… Trong khi đó, Hà Nội có tỷ lệ 500 dân/1 cán bộ Công an mà phải làm rất nhiều việc” – Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.
Cũng theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, gần 10 năm nay, lực lượng Công an không được tăng biên chế. Tại một số quốc gia, không chỉ tỷ lệ số dân/cảnh sát thấp, mà trình độ khoa học công nghệ của họ cũng rất phát triển, quy định của luật pháp đồng bộ. Do vậy, tại Việt Nam, việc có một lực lượng tăng cường, hỗ trợ cho Công an là rất cần thiết.
“Vừa qua, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an và Thành phố Hà Nội, CATP Hà Nội đã có đoàn công tác sang làm việc với Tổng cục Bộ Nội vụ Liên bang Nga tại thành phố Moskva. Khi tôi hỏi về tỷ lệ biên chế, bạn nói số dân/cảnh sát của họ là 300/1. Khi biết biên chế của Công an Hà Nội, phía bạn hỏi tôi với tỷ lệ như vậy, làm sao các đồng chí có thể hoàn thành nhiệm vụ? Tôi thông tin, chúng tôi có "thế trận lòng dân", có phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, có bảo vệ dân phố, dân phòng. Nghe xong, bạn rất thán phục” – Trung tướng Nguyễn Hải Trung chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Hải Trung, việc thành lập Tổ bảo vệ ANTT tại cơ sở không phải là vấn đề mới, mà chỉ là tổ chức lại các lực lượng đang có, trên cơ sở các quy định pháp luật hiện có. Lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng thành lập theo quy định Luật PCCC và Nghị định 38/CP; Công an xã bán chuyên trách được quy định tại Pháp lệnh công an xã; và bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp được quy định tại Nghị định của Chính phủ. Nay tổ chức lại 3 lực lượng này thành Tổ quản lý an ninh trật tự ở cơ sở để đảm bảo tính chính danh, có địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ rõ ràng, giúp thuận lợi hơn cho quá trình hoạt động sau này, không gây tốn kém.
“Khi tổ chức lại lực lượng này, chính quyền cơ sở sẽ sử dụng vào nhiều việc chứ không chỉ bảo vệ ANTT. Điển hình như đợt dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta đã làm rất tốt việc huy động lực lượng tham gia vào phòng chống dịch. Hiện nay, tổ dân phố chỉ có 3 cán bộ bán chuyên trách, nhưng lại có rất nhiều việc ở cấp cơ sở. Do vậy, lực lượng bảo vệ ANTT tại cơ sở ra đời không chỉ phục vụ cho ANTT mà còn phục vụ cho nhiều công việc khác tại cơ sở. Điều này rất quan trọng ở vùng sâu vùng xa, và đặc biệt quan trọng đối với các đô thị như Thành phố Hà Nội” – Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.
Cũng tham gia phát biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) đồng tình, nhất trí cao với sự ban hành Luật.
Theo Đại biểu, việc kiện toàn thống nhất các lực lượng sẽ góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở một cách đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo. Bên cạnh đó, việc thống nhất cũng giúp kiện toàn, tinh gọn đầu mối chức danh theo chủ trương chung hiện nay, bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được tốt hơn, bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và PCCC ở địa bàn cơ sở…