Việc thiện, cứ lặng lẽ mà làm

Trên một số tuyến đường ở TPHCM, hình ảnh những người thợ sửa xe với nụ cười thân thiện bên cạnh tấm bảng: 'Bơm, vá xe miễn phí', khiến ai đó ngang qua bỗng thấy ấm lòng. Lòng tốt thầm lặng có thể xuất phát từ những con người bình dị. Họ không cần được ai công nhận hay tuyên dương, bởi giúp đỡ người khác đã làm cuộc sống của họ thêm phần ý nghĩa.

Ông "Minh cô đơn" hơn 10 năm bơm, vá xe miễn phí cho mọi người

Ở ngã tư Quốc phòng (làng Đại học, Thủ Đức) người đi đường dễ dàng bắt gặp một người đàn ông ngồi bên chiếc bảng: “Bơm, vá xe miễn phí” và bộ đồ nghề sửa xe cũ kỹ. Đó là ông Nguyễn Văn Minh. Những vật dụng ấy là món đồ gắn bó trong cuộc sống thường ngày của ông hơn mười năm nay. Sắp bước sang tuổi 60, mọi người hay gọi ông với cái tên quen thuộc là: “Minh cô đơn”.

Không rõ quê quán, không gia đình, không nhà cửa, không giấy tờ tùy thân, ngay cả cái tên Nguyễn Văn Minh của ông cũng do công an đặt cho.

Lúc đầu, ông mắc võng nằm trong những bụi cây ở khu vực Hồ Đá, lấy áo mưa cũ phủ lên trên để che chắn và hành nghề sửa, vá xe giúp mọi người. Sau này, một nhóm thiện nguyện ở Đồng Nai gửi tặng ông tấm bạt để dựng lều, cùng với chiếc xe máy để ông có phương tiện đi lại, thêm nghề chạy xe ôm trang trải cuộc sống.

Ông “Minh cô đơn” đang cần mẫn sửa xe cho sinh viên.

Ông “Minh cô đơn” đang cần mẫn sửa xe cho sinh viên.

Dù cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng ông chưa bao giờ đầu hàng số phận. Với ông, còn sức là còn lao động, miễn sao không để bản thân trở thành gánh nặng của xã hội.

Hàng ngày, ông chạy xe ôm từ 5 giờ sáng. Chiều tối, ông về ngã tư Quốc phòng để hành nghề bơm, vá xe cho sinh viên cho đến tận khuya. Nếu sinh viên hay người dân khu vực Thủ Đức đi ngang đây bị trục trặc xe cộ, chỉ cần gọi cho ông, bất kể ngày mưa hay ngày nắng, bất kể thời gian nào, cũng được ông sẵn sàng giúp đỡ.

“Mạng của tôi không đáng giá nhưng mạng của sinh viên, học sinh thì quý giá. Mình chịu cực một chút nhưng đem lại an toàn cho người khác là vui rồi. Tôi chỉ mong có sức khỏe để mưu sinh và giúp đỡ mọi người”, sửa soạn lại bộ đồ nghề cũ kỹ, ông Minh bộc bạch.

Phương tiện hành nghề mỗi ngày của ông “Minh cô đơn”

Phương tiện hành nghề mỗi ngày của ông “Minh cô đơn”

Ngoài việc giúp đỡ người dân, sinh viên thì những chiến công bắt cướp của ông cũng khiến nhiều người nể phục. Ở khu vực Thủ Đức, ông đã 7 lần tóm gọn bọn cướp lộng hành ở làng Đại học, bảo vệ an toàn cho sinh viên, góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự cho khu vực.

Với những gì ông Nguyễn Văn Minh đã và đang làm, ông luôn được mọi người xung quanh yêu quý vì tấm lòng nhân hậu của mình.

“Số mình nghèo nên mình đồng cảm với người khuyết tật, người nghèo”

Đó là lời tâm sự chân thành của ông Đỗ Văn Út (57 tuổi), người có hơn 30 năm cặm cụi giữa cái nắng nóng Sài Gòn để bơm, vá xe miễn phí cho người khuyết tật tại con hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận.

Ông Út bơm, vá xe miễn phí cho người khuyết tật tại con hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận hơn 30 năm qua

Ông Út bơm, vá xe miễn phí cho người khuyết tật tại con hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận hơn 30 năm qua

Hơn 30 năm tất bật với công việc, từ chạy xe ôm kiếm tiền trang trải cuộc sống, thu nhập thất thường đến việc hành nghề bơm, vá xe cực nhọc, nhưng ông chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đổi nghề hay tháo dỡ tấm bảng “Bơm, vá xe miễn phí cho người khuyết tật”. Đặc biệt hơn, không chỉ người khuyết tật, mà ngay cả người nghèo không có tiền vá xe cũng được ông cũng sẵn sàng giúp đỡ.

Bên cạnh bơm, vá xe miễn phí cho người khuyết tật, ông còn trang bị thêm tủ thuốc từ thiện, bình trà đá miễn phí để khi mọi người cần thì sử dụng. Với ông, cuộc sống đẹp là khi cho đi một cách vô tư mà không cần bận lòng suy nghĩ rằng mình sẽ nhận về được những gì.

Những tấm bảng chứa đầy tình thương người của ông Út

Những tấm bảng chứa đầy tình thương người của ông Út

“Tại tôi là người nghèo nên tôi hiểu người nghèo khổ lắm, không được ăn ngon mặc đẹp, lời nói cũng không ít có giá trị. Đồng cảnh ngộ nên tôi thương người nghèo nhiều hơn”, ông Út tâm sự.

Tấm lòng thương người của người đàn ông ở ngã ba Cống Quỳnh – Nguyễn Thị Minh Khai

Gần 30 năm sửa, vá xe miễn phí cho người khuyết tật tại ngã ba Cống Quỳnh – Nguyễn Thị Minh Khai ( quận 1, TPHCM), “tiền công” mà ông Phạm Văn Lương, 53 tuổi nhận được là những cái bắt tay, nụ cười và lời cảm ơn.

Ông Phạm Văn Lương và niềm vui khi giúp đỡ những người khuyết tật

Ông Phạm Văn Lương và niềm vui khi giúp đỡ những người khuyết tật

Sinh ra ở Quảng Ninh, ông Lương tha phương vào TPHCM kiếm sống. Hàng ngày, ông hành nghề sửa, vá xe miễn phí cho người khuyết tật từ 7 giờ tới 22 giờ, thu nhập mỗi ngày từ 200 – 300 ngàn đồng. Dù một mình nuôi 2 người con nhưng ông không hề than trách mà cố gắng làm lụng để lo cho các con được học hành đầy đủ.

Trước đây, ông Lương từng đi bộ đội. Nhìn bạn bè bị mất mát, thương tật rồi mặc cảm với xã hội nên ông càng dành nhiều tình cảm hơn cho những người khuyết tật.

Mỗi lần có những người khuyết tật tìm đến để sửa hay vá xe, ông đều niềm nở giúp đỡ. Khi có người gửi tiền cho ông, ông kiên quyết không nhận. Với ông, nụ cười và niềm vui của họ còn đáng giá hơn số tiền kia rất nhiều.

Hình ảnh đẹp giữa lòng phố thị

Hình ảnh đẹp giữa lòng phố thị

Ông chia sẻ: “Tôi thấy vui với việc mình làm, được nhận về nhiều tình cảm, nụ cười và những cái bắt tay ấm áp. Nếu mai sau có khá giả hơn, tôi vẫn làm nghề này. Bất kể người giàu hay nghèo, mình vẫn giúp đỡ được”.

Dù cuộc sống vất vả, nhưng trong ông luôn tràn đầy niềm vui vì được mang đến những mảnh đời bất hạnh kia bằng cả tấm lòng.

Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều tấm gương những người tốt thầm lặng đâu đó giữa lòng thành phố. Họ âm thầm làm đẹp cho đời, cho người, mà không đòi lại gì cho mình. Niềm vui của mọi người chính là món quà giá trị nhất mà họ được nhận lại.

Hãy cứ ươm mầm những hạt giống tốt đẹp ấy, rồi một ngày nào đó, những đóa hoa đẹp nhất sẽ khoe sắc trên mảnh đất dẫu có đông đúc, xô bồ nhưng không thiếu những tình yêu thương chân thành.

TẠ THÙY DUNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/viec-thien-cu-lang-le-ma-lam-607729.html