Việc Tổng thống Pháp kêu gọi bầu cử quốc hội sớm có ý nghĩa gì?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa bất ngờ kêu gọi bầu cử quốc hội sớm vào cuối tháng này, sau khi đảng của ông thất bại nặng nề trước đảng cựu hữu trong cuộc bầu cử Liên minh châu Âu.

Nếu đảng của ông Macron thất bại thì sao?

Đảng Phục hưng cầm quyền của ông Macron hiện đang có 169 nghị sĩ trong Hạ viện Pháp, trên tổng số 577. Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen là đảng đối lập lớn nhất với 88 ghế.

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trên truyền hình sau khi cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu kết thúc, ngày 9/6. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trên truyền hình sau khi cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu kết thúc, ngày 9/6. Ảnh: Reuters

Cuộc bầu cử Hạ viện Pháp sẽ được tổ chức vào ngày 30/6 và cuộc bỏ phiếu vòng hai vào ngày 7/7. Nếu Đảng Mặt trận Quốc gia hoặc một đảng nào khác giành được đa số, ông Macron sẽ buộc phải bổ nhiệm một người nào đó của đảng đó vào vị trí Thủ tướng. Thủ tướng đó sẽ được giao nhiệm vụ lựa chọn các bộ trưởng mới sau đó.

Một tình huống được gọi là "chung sống" sẽ xảy ra sau đó.

"Chung sống" là gì?

Trước đây, Pháp từng trải qua tổng cộng 3 thời kỳ "chung sống" kể từ khi thành lập nền Đệ ngũ Cộng hòa vào năm 1958, khi Tổng thống và Thủ tướng đến từ các đảng phái chính trị khác nhau.

Trong kịch bản này, Tổng thống vẫn giữ vai trò lãnh đạo về quốc phòng với tư cách là Tổng tư lệnh và về chính sách đối ngoại, nhưng sẽ không có quyền thiết lập chính sách đối nội.

Điều này xảy ra lần cuối vào năm 1997, khi Tổng thống trung hữu Jacques Chirac giải tán Quốc hội Pháp vì nghĩ rằng ông sẽ giành được đa số, nhưng bất ngờ thua liên minh cánh tả do Đảng Xã hội lãnh đạo.

Việc "chung sống" sẽ diễn ra như thế nào?

Việc "chung sống" có thể dẫn đến sự không chắc chắn về đường hướng chính sách nếu Tổng thống và Thủ tướng không đồng quan điểm, khiến kinh tế và xã hội bất ổn.

Nếu một chính quyền của Đảng Mặt trận Quốc gia được thành lập với đa số làm việc trong Quốc hội, chính quyền này sẽ được tự do thực hiện chương trình nghị sự trong nước của mình.

Năm 2022, bà Le Pen bày tỏ sự ủng hộ việc ưu tiên tiếp cận nhà ở xã hội cho công dân Pháp, xử lý các yêu cầu tị nạn bên ngoài nước Pháp và loại bỏ thuế thừa kế đối với các gia đình trung lưu và thu nhập thấp.

Ông Macron là một người trung thành với châu Âu trong khi bà Le Pen và đảng của bà không như vậy. Sự "chung sống" giữa một tổng thống thân châu Âu và một đảng dân tộc hoài nghi về đồng euro hiện vẫn đang là một ẩn số.

Ngọc Ánh (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viec-tong-thong-phap-keu-goi-bau-cu-quoc-hoi-som-co-y-nghia-gi-post298695.html