Việc UNESCO công nhận Núi Chúa và Kon Hà Nừng thể hiện sự ghi nhận của quốc tế đối với đa dạng sinh học ở Việt Nam
Tại cuộc họp lần thứ 33 của Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển (CIC-MAB) đang diễn ra từ ngày 13 - 17/9 tại Nigeria, hai khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam là Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) đã chính thức được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Nhân dịp này phóng viên TTXVN tại Pháp đã thực hiện phỏng vấn bà Lê Thị Hồng Vân, Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Mới đây, hai khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam là Núi Chúa và Kon Hà Nừng vừa được ghi danh vào mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của sự kiện này?
Đây là một sự kiện mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Như vậy sau 6 năm, nước ta lại có khu dự trữ sinh quyển thế giới mới được ghi danh (lần gần nhất là Lang Biang, 2015) và sau 12 năm, ta mới lại có cùng 1 lúc 2 khu được ghi danh (sau hồ sơ Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau được ghi nhận năm 2009). Việt Nam cũng là nước duy nhất có 2 hồ sơ được thông qua ngay từ vòng đầu tiên xét duyệt do hồ sơ của ta bảo đảm tốt các tiêu chí đề ra.
Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi hội tụ cả 3 không gian rừng, biển và bán sa mạc. Nơi đây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm và đặc hữu ở trên cạn, dưới biển. Bên cạnh đó, khu vực xung quanh Vườn còn có những đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc bản địa. Sự kết hợp giữa giá trị đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa đã hội tụ đủ các yếu tố, tiêu chuẩn để trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng lại có những đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên, sự phong phú của hệ sinh thái rừng kín nhiệt đới, tính đa dạng sinh học cao. Việc công nhận sẽ là cơ hội để bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái của khu vực, giúp người dân phát triển kinh tế thân thiện môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa.
Sự kiện hôm nay thể hiện sự ghi nhận của quốc tế đối với sự phát triển đa dạng, độc đáo về giá trị tự nhiên, sinh học, động thực vật, giá trị văn hóa của cộng đồng ở 2 khu dự trữ sinh quyển quốc gia này tại Việt Nam cũng như những nỗ lực của địa phương và người dân trong bảo tồn đa dạng sinh học bền vững.
Việc được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng tạo nhiều cơ hội để chúng ta được tiếp cận, áp dụng các sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững kinh tế xã hội, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu...; đồng thời góp phần mở rộng mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thiên nhiên và văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới này không đơn thuần chỉ là danh hiệu, mà tạo tiền đề để các địa phương xây dựng mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bao trùm của địa phương mình, gắn kết hài hòa con người và thiên nhiên, kết hợp cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế của người dân, điều này càng đặc biệt quan trọng trong nỗ lực phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.
Xin Đại sứ đánh giá về vai trò của Việt Nam trong phát triển các khu dự trữ sinh quyển thế giới?
Với mong muốn triển khai đường lối chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong UNESCO. Trong Chương trình hợp tác MAB, Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển nhiệm kỳ 2017-2021, với đại diện là GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam). Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu thúc đẩy sáng kiến Ngày quốc tế về khu dự trữ sinh quyển 3/11 dự kiến sẽ được thông qua tại Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm nay.
Theo UNDP, Việt Nam hiện xếp thứ 16 trong số các nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới và là một trong 10 trung tâm giàu đa dạng sinh học nhất của hành tinh. Cho đến nay, Việt Nam đã có 11 khu sinh quyển thế giới được công nhận, là một trong những nước có nhiều khu dự trữ sinh quyển thế giới nhất khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia: 14 khu). Các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa bốn mục tiêu: bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học và tham gia ứng phó biến đổi khí hậu.
Bà đánh giá như thế nào về cuộc họp họp lần thứ 33 của CIC-MAB lần này?
Bên cạnh các chương trình nghị sự thường niên, cuộc họp lần thứ 33 của CIC-MAB diễn ra từ 13-17/9 tại Nigeria, còn là dịp kỷ niệm 50 năm ra đời và phát triển của Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB). Đây là chương trình lâu đời nhất của UNESCO, là khuôn khổ quan trọng thúc đẩy hợp tác về nghiên cứu và phát triển, phục hồi hệ sinh thái, xây dựng năng lực, tăng cường kết nối để chia sẻ thông tin, tri thức, kinh nghiệm bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững và bảo đảm sinh kế cho người dân. Đến nay, thế giới có 714 khu dự trữ sinh quyển ở 129 quốc gia tạo nên mạng lưới khu dự trữ sinh quyển rộng khắp. Danh sách này sẽ còn tăng lên sau khi bổ sung các khu dự trữ sinh quyển các nước được công nhận trong khuôn khổ cuộc họp lần này.
Chương trình MAB càng có ý nghĩa, được các thành viên đánh giá cao trong bối cảnh hiện nay khi thế giới bước vào Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái 2021 – 2030, thúc đẩy nỗ lực để đạt các mục tiêu về phát triển bền vững. Đại dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu giải quyết bài toán sống hòa bình và hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đa dạng sinh học là then chốt cho sức khỏe của con người và phát triển bền vững.
Xin cảm ơn Đại sứ!