Việc xây dựng chợ Giang Đình cần có sự đồng thuận của người dân

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 250 tỷ đồng cho Dự án khôi phục bến Giang Đình và đầu tư xây dựng chợ Giang Đình tại thị trấn Nghi Xuân, huyện Nghi Xuân. Mặc dù đồng ý với chủ trương này, nhưng nhiều tiểu thương phản đối việc bán, chuyển đổi chợ truyền thống cho tư nhân.

Giữa tháng 11-2017, chúng tôi đến chợ Giang Đình khi đa số các tiểu thương đang nghỉ trưa. Nhưng khi biết có nhà báo tới, mọi người nhanh chóng tập trung để được nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Chị Nguyễn Thị Tâm thẳng thắn nói: “Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương nâng cấp, xây dựng chợ... đầu tư để phát triển quê hương. Nhưng chúng tôi không đồng ý bán, chuyển đổi chợ truyền thống cho tư nhân. Trong các cuộc đối thoại với lãnh đạo huyện và tỉnh, chúng tôi đã nói rõ quan điểm đó. Tuy vậy, không hiểu huyện lấy ý kiến ở đâu mà báo cáo với lãnh đạo tỉnh là chúng tôi đã đồng tình? Nếu các kiến nghị của chúng tôi không được giải quyết thỏa đáng, chúng tôi sẽ tiếp tục ý kiến lên trên”.

Được biết, huyện Nghi Xuân đã tổ chức đối thoại với các tiểu thương và có sự tham dự của các sở, ban, ngành liên quan, thế nhưng đến nay các tiểu thương vẫn chưa đồng ý. Cơ bản các ý kiến của tiểu thương cho rằng: Chợ Giang Đình là chợ truyền thống có đặc điểm khác biệt với các khu chợ khác, lại nằm ở vị trí hẻo lánh ít người qua lại, mật độ dân cư thưa, doanh thu buôn bán của bà con thấp nên việc đầu tư lớn trong thời gian tới cũng đồng nghĩa là mức đóng góp của bà con nhiều, sẽ không đủ sức để đầu tư. Họ cho rằng, trước mắt nên nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục như: Nhà vệ sinh, sân chợ, hệ thống phòng cháy, chữa cháy... và sẵn sàng tham gia cùng nhà đầu tư. Việc đầu tư xây mới sẽ gây lãng phí ở các hạng mục còn sử dụng được.

Danh sách các tiểu thương chưa đồng thuận với chủ trương xây chợ mới.

Còn nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, căn cứ vào Văn bản số 02/QĐ-UB của UBND thị trấn Nghi Xuân ngày 25-9-2001, cụ thể tại điểm e, điều 7: “Trong trường hợp chủ hộ không còn nhu cầu sử dụng nữa thì có quyền chuyển quyền sử dụng cho chủ hộ khác...”, vì vậy các tiểu thương có quyền chuyển nhượng khi doanh nghiệp tiếp quản...

Tìm hiểu chúng tôi được biết, chợ Giang Đình hiện nay được đầu tư xây dựng và hoàn thành vào năm 2002 từ nguồn tài trợ của Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), ngân sách Nhà nước và đóng góp của các tiểu thương. Số tiền đóng góp xây dựng là từ 4 đến 10 triệu đồng/hộ kinh doanh. Theo hợp đồng, số tiền đóng góp của các hộ kinh doanh được khấu trừ hàng tháng (tiền chỗ, phí và lệ phí). Ban quản lý chợ hoạt động theo mô hình của đơn vị sự nghiệp có thu. Sau gần 15 năm hoạt động, một số hạng mục đã xuống cấp.

Ngày 21-8-2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2393/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khôi phục bến Giang Đình và đầu tư xây dựng chợ Giang Đình của Công ty cổ phần Song Ngư Sơn Giang Đình. Dự án nhằm khai thác tiềm năng du lịch sẵn có tại huyện Nghi Xuân nói riêng và Hà Tĩnh nói chung; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về văn hóa tinh thần và mua sắm của du khách trong nước và quốc tế, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách cho Nhà nước... Chuyển đổi quản lý chợ cho doanh nghiệp; xây dựng khu chợ truyền thống đạt tiêu chuẩn chợ hạng 1 với quy mô hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân, các hộ tiểu thương trong và ngoài khu vực... Quy mô dự án bao gồm khu bến Giang Đình với các hạng mục: Một ngôi đình, khu trưng bày sản phẩm văn hóa, thương mại, nông sản, hải sản truyền thống của địa phương; khu bến đậu thuyền; khu biệt thự resort, bungallow ven sông Lam là những ngôi nhà nổi 1 tầng; khu nhà hàng ẩm thực ven sông; trung tâm điều hành; bến đậu thuyền; bể bơi, ao cá... Khu chợ Giang Đình có tổng diện tích khoảng 2ha, gồm các hạng mục: Khu quầy hàng 3 tầng, khu quầy hàng 2 tầng, khu quầy hàng 1 tầng, khu nhà cầu chợ được chia làm 3 khu (khu bán đồ vải, quần áo; khu bán hàng khô và thực phẩm; khu chợ dân sinh), khu chợ ngoài trời và các hạng mục kỹ thuật khác.

Tiểu thương tham gia đối thoại với các cấp chính quyền huyện Nghi Xuân.

Các tiểu thương chợ Giang Đình trao đổi ý kiến với phóng viên.

Chúng tôi phản ánh các ý kiến trái chiều của tiểu thương với ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh. Ông Dũng cho biết: “Chợ Giang Đình là chợ cấp 2 nên do huyện quản lý. Tỉnh chỉ đồng ý chủ trương, còn các bước triển khai đều do huyện Nghi Xuân thực hiện. Việc đối thoại với các tiểu thương huyện đã có báo cáo, hiện nay vẫn còn một số chưa đồng tình thì phải tiếp tục tuyên truyền, vận động để tạo được sự đồng thuận cao nhất”.

Khi được hỏi các bước tiếp theo của huyện Nghi Xuân khi tiếp tục triển khai dự án, ông Nguyễn Thế Hải, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nghi Xuân cho biết: “Chúng tôi thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hài hòa cho các hộ tiểu thương và nhà đầu tư. Còn về sự chưa đồng thuận của một số tiểu thương, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động”.

Việc đầu tư Dự án khôi phục bến Giang Đình và đầu tư xây dựng chợ Giang Đình là đúng, là thời cơ, điều kiện phát triển của huyện Nghi Xuân nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Thiết nghĩ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể huyện Nghi Xuân cần tăng cường tuyên truyền, giải thích và vận động để người dân đồng thuận cao nhất trước khi triển khai dự án.

Theo báo cáo của UBND huyện Nghi Xuân, có 229/322 hộ tham gia đối thoại, lấy ý kiến đã đồng thuận với chủ trương (chiếm tỷ lệ 71,2%). Nhưng theo danh sách các tiểu thương cung cấp cho phóng viên thì có đến 195 hộ/322 hộ chưa đồng tình với chủ trương (chiếm tỷ lệ 60,5%).

Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/viec-xay-dung-cho-giang-dinh-can-co-su-dong-thuan-cua-nguoi-dan-524633