'Việc xưng mày-tao trong phim Bão ngầm gợi cảm giác suồng sã'
Theo tôi, việc thân mật quá nhiều và liên tục như trong lời thoại của phim dễ mang đến cảm giác suồng sã, bỗ bã, một màu.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Tôi có đọc một số ý kiến phản hồi của biên kịch kiêm phó đạo diễn, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu trên chuyên mục "Giải trí" của VietNamNet (ngày 21/05/2022) về một số bình luận của khán giả phim truyền hình "Bão ngầm".
Trước hết, với tư cách một khán giả nhiệt thành của phim truyền hình nói chung và phim Bão ngầm nói riêng, tôi hoan nghênh tinh thần lắng nghe và tiếp thu chân thành của tác giả kịch bản Đào Trung Hiếu.
Tôi cũng hay đọc các bài viết của Tiến sĩ Hiếu về phân tích tâm lý tội phạm trong một số vụ án được dư luận quan tâm và thực lòng tôi rất thích các bài viết này.
Quay lại "Bão ngầm", đây là bộ phim dài hơi của truyền hình Việt Nam, được đông đảo khán giả theo dõi, quan tâm và tất nhiên có nhiều đánh giá trái chiều là điều dễ hiểu.
Trong nội dung chia sẻ của mình, T.S Hiếu cho biết: "Chúng tôi đã đọc và ghi nhận hết những đóng góp mang tính xây dựng..." đó là chia sẻ hết sức nghiêm túc và thẳng thắn.
Tuy nhiên, về cách xưng hô trong lời thoại của các nhân vật trên phim T.S Hiếu vẫn cho rằng: "Thực tế, chúng tôi chỉ gọi nhau là đồng chí khi đi họp hay trong những dịp trang trọng, bình thường chúng tôi xưng hô với nhau rất tự nhiên, gần gũi với đời sống. Tôi mô tả đúng những gì mà chúng tôi trải qua. Tôi viết thoại bám sát hiện thực. Những người quen tô vẽ người lính hoàn mỹ không thích cách xưng hô này cũng là điều dễ hiểu".
Tôi không đồng tình với quan điểm này bởi lẽ, phim hay bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng luôn mang đến cho người thưởng thức những giá trị nhất định về chân, thiện, mỹ.
Đúng là trong quan hệ công việc đôi lúc có những sự thân tình giữa lãnh đạo với cấp dưới. Sự thân tình sẽ mang đến cảm giác ấm áp và xóa nhòa phần nào những mệnh lệnh khô cứng mang tính hình thức giữa người chỉ huy và chiến sĩ của mình, qua đó tăng thêm sự gần gũi, tình cảm và đoàn kết trong đơn vị.
Song người lãnh đạo ngoài những giây phút thân thiện với chiến sĩ họ còn nhân danh quyền lực của Nhà nước để thực hiện vai trò quản lý Nhà nước trong cơ quan, tổ chức đó. Việc thân mật quá nhiều và liên tục như trong lời thoại của phim dễ mang đến cảm giác suồng sã, bỗ bã và một màu.
Đưa cuộc sống thực vào phim là điều nên làm nhưng đưa một cách có chọn lọc, có hàm lượng nhất định sẽ phù hợp với đông đảo khán giả hơn.
Trong chia sẻ của mình T.S Hiếu còn đánh giá "có những ý kiến khá cực đoan, mang tính đấu tố, thổi phồng những hạt sạn trong phim để phủ nhận toàn bộ giá trị nội dung và nghệ thuật của bộ phim này, bất chấp những nỗ lực lao động nghệ thuật nghiêm túc của ê kíp sáng tạo và dàn diễn viên. Tôi không buồn vì những ý kiến này vì thấy không đến tầm, hơn nữa còn phản ánh nhân cách, trình độ văn hóa của người nhận xét".
Thưa T.S Hiếu, tôi đồng tình với anh về một số ý kiến bình luận còn mang tính cực đoan, thiếu xây dựng nhưng tôi nghĩ đại đa số những ý kiến của khán giả dành cho phim là mang tính góp ý chân thành với mong muốn nhà làm phim có thêm những góc nhìn khách quan khác để hoàn thiện tác phẩm mà thôi.
Không cứ phim đầu tư công sức và tiền bạc nhiều thì phim sẽ hay. Mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng truyền hình Việt vẫn có những bộ phim đầu tư ít hơn phim "Bão ngầm" nhưng giá trị của phim lại được khán giả yêu thích.
Cùng viết về đề tài người lính và tuổi trẻ, cũng có những gian khổ, ý chí, yêu thương và giận hờn... nhưng phim Yêu hơn cả bầu trời đã làm người xem vô cùng xúc động. Phim hay theo tôi là phải chạm tới trái tim người xem chứ không phải chỉ bỏ ra nhiều công sức, tiền bạc và thời gian.
Tôi thiển nghĩ, nhà làm phim đánh giá còn một số ý kiến khen chê của khán giả "không đến tầm" thì cũng phải nhìn nhận lại "Tầm" của đội ngũ làm phim đã thật sự cao chưa?
Tiến sĩ Hiếu nhận định "Hải Triều là người lính rất giỏi nhưng trong đời sống đời thực lại vô cùng khờ khạo". Tôi không cho là như vậy. Trong lĩnh vực nào tôi không biết nhưng trong nghề cảnh sát hình sự một trinh sát "rất giỏi" khó mà "khờ khạo" được.
Để có thể hóa thân vào vai những tên tội phạm trong thời đại phẳng như ngày nay, người trinh sát đâu chỉ cần bản lĩnh vững vàng, anh ta nhất thiết phải hiểu, thậm chí hiểu sâu trong nhiều lĩnh vực để có thể thiên biến vạn hóa với bất cứ tình huống nào, bất cứ thủ đoạn nào, bất cứ cạm bẫy nào mà thế giới tội phạm đang giăng quanh anh ta...
Dù thế nào tôi vẫn cho rằng Bão ngầm đã có nhiều đột phá trong việc xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an. Qua phim khán giả thấy rõ sự vất vả, khắc nghiệt nhưng vô cùng thầm lặng của người lính giữa thời bình. Có những hy sinh, có những mất mát, có những giằng xé vô cùng đau đớn không chỉ giữa lực lượng công an với tội phạm mà còn giữa cả những đồng đội với nhau.
Trên đây là một số ý kiến mang tính trao đổi của cá nhân tôi. Vì là kẻ ngoại đạo nên khó có cái nhìn thấu đáo, mong ê-kíp làm phim và Tiến sĩ Đào Trung Hiếu nhìn nhận và tham khảo khách quan.