Viêm cột sống dính khớp, điều trị như thế nào?

Viêm cột sống dính khớp là một bệnh gây tổn thương khớp cùng chậu, cột sống và các khớp ở chi dưới... Bệnh tiến triển chậm, nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến dính khớp và gây hậu quả nặng nề cho bệnh nhân.

1. Triệu chứng viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp chiếm khoảng 20% số bệnh nhân điều trị tại Khoa cơ - xương - khớp, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh thường gặp ở nam giới, từ 17-30 tuổi, ít gặp ở nữ giới.

Triệu chứng sớm nhất là bệnh nhân thấy đau tại cột sống thắt lưng, vùng lưng - thắt lưng. Triệu chứng đau liên tục, đau tăng về đêm gần sáng, thấy cứng cột sống. Ngoài ra bệnh nhân còn thấy đau vùng mông. Các triệu chứng ở giai đoạn này bệnh nhân rất hay bỏ qua không đi khám bệnh và điều trị nên bệnh sẽ âm thầm tiến triển đến giai đoạn sau.

Giai đoạn bệnh tiến triển, biểu hiện rõ rệt nhất là viêm khớp. Viêm khớp cột sống gây hạn chế vận động khớp. Viêm các điểm bám gân, gân Achil, viêm kết mạc mắt và các triệu chứng tiêu hóa (tiêu chảy, đau bụng, xuất huyết).

Hình ảnh viêm cột sống dính khớp.

Hình ảnh viêm cột sống dính khớp.

2. Điều trị viêm cột sống dính khớp

Trên thực tế lâm sàng cho thấy rất ít bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm, do chủ quan không đi khám bệnh. Nhiều trường hợp khi đến khám thì bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, thậm chí là giai đoạn dính khớp, cứng khớp, khó vận động…

Do viêm cột sống dính khớp không điều trị được dứt điểm, nên quá trình điều trị cần đạt được mục đích:

Chống viêm, giảm đau.
Ngăn ngừa cứng khớp, dính khớp.
Khắc phục dính khớp nếu đã xảy ra để giảm tàn phế.
Cải thiện vận động.

Vì thế, điều trị viêm cột sống dính khớp là quá trình lâu dài, cần kết hợp nhiều phương pháp: Nội khoa, ngoại khoa, phục hồi chức năng… Bệnh nhân phải kiên trì, tuân thủ điều trị để tránh những biến chứng xấu.

2.1 Điều trị nội khoa

Tùy theo từng trường hợp bệnh nhân và giai đoạn bệnh, bác sĩ chuyên khoa cơ - xương - khớp có thể kê đơn một thuốc đơn độc hoặc nhiều thuốc kết hợp để kiểm soát bệnh. Các loại thuốc được chỉ định đầu tay là:

- Nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs): Meloxicam, etoricoxib, celecoxib… Thuốc có tác dụng giảm viêm, do đó cũng giúp giảm đau và mang lại hiệu quả cao trong điều trị.

Tuy nhiên, do NSAIDs gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa và ảnh hưởng tới tim mạch. Hơn nữa, điều trị viêm cột sống dính khớp là quá trình dùng thuốc lâu dài, do đó các tác dụng phụ này càng dễ xảy ra. Do đó, bệnh nhân cần cẩn thận dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, định kỳ tái khám.

Nếu dùng NSAIDs mà bệnh nhân vẫn đau, bác sĩ có thể dùng thuốc giảm đau mạnh hơn, hoặc thuốc giãn cơ khi có co cơ cạnh sống nhiều. Ngoài thuốc uống, có thể sử dụng NSAIDs dạng bôi ngoài da để tránh tác dụng phụ của thuốc đường toàn thân.

- Thuốc chống viêm corticoid: Trường hợp khớp đau nhiều mà bệnh nhân không đáp ứng với NSAIDs thông thường, có thể sử dụng corticoid tiêm tại chỗ (tiêm khớp, tiêm điểm bám gân). Corticoid đường toàn thân không nên dùng.

Việc tiêm corticoid là kỹ thuật đòi hỏi chuẩn xác, vô khuẩn tuyệt đối. Do đó bệnh nhân không tiêm tại nhà, hoặc tại các phòng khám không bảo đảm vô khuẩn. Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định chặt chẽ và được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa cơ - xương - khớp.

Corticoid chỉ định cho những trường hợp:

Viêm điểm bám gân.
Viêm khớp ngoại biên.

- Nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm: Gồm sulfasalazine, methotrexate… chỉ định cho bệnh nhân có triệu chứng viêm khớp ngoại biên.

- Thuốc sinh học: Có 2 loại thuốc sinh học chính là thuốc kháng TNFα và thuốc ức chế interleukin - 17.

Thuốc ức chế sinh học dành cho các thể bệnh hoạt động dai dẳng, không đáp ứng với các điều trị thông thường, dù đã chỉ định đúng và tuân thủ điều trị tốt. Nhược điểm là giá thành thuốc cao, quy trình sàng lọc trước khi dùng thuốc khá chặt chẽ, tốn kém. Do vậy phương pháp này cho đến hiện tại vẫn không phải là loại mà nhiều bệnh nhân có thể lựa chọn.

Viêm cột sống dính khớp ảnh hưởng đến nhiều khớp, hạn chế vận động...

Viêm cột sống dính khớp ảnh hưởng đến nhiều khớp, hạn chế vận động...

2.2 Điều trị ngoại khoa

Khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, bệnh vẫn tiến triển dẫn đến viêm dính nhiều, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, thì cần sử dụng phương pháp ngoại khoa. Chỉ định phẫu thuật khi cấu trúc cột sống hoặc khớp háng của bệnh nhân tổn thương nghiêm trọng, gãy đốt sống cấp tính.

Các phẫu thuật được chỉ định cho người bị viêm cột sống dính khớp:

Bóc tách màng hoạt dịch phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân.
Phẫu thuật chỉnh hình cột sống dành cho trường hợp cột sống biến dạng.
Phẫu thuật thay khớp háng khi bệnh nhân bị đau trong thời gian dài, hạn chế vận động, có dấu hiệu cấu trúc khớp háng rõ ràng trên phim chụp X-quang.

2.3 Tập luyện phục hồi chức năng

Ngoài dùng thuốc hay phẫu thuật, thì việc tập luyện phục hồi chức năng là rất quan trọng trong điều trị viêm cột sống dính khớp. Không chỉ phục hồi chức năng, khi hoạt động thể lực hợp lý sẽ làm giảm quá trình viêm khớp, hạn chế dính khớp, tránh tàn phế.

Tập phục hồi chức năng giúp phục hồi lại chức năng vận động, hướng dẫn bệnh nhân tránh cứng khớp ở tư thế xấu. Môn thể thao phù hợp nhất với bệnh nhân viêm cột sống dính khớp là bơi và đi xe đạp.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể áp dụng một số phương pháp hỗ trợ:

Chườm nóng hoặc chườm lạnh.
Massage.
Châm cứu.
Thực hiện chế độ ăn hợp lý, giảm cân nếu có thừa cân.

Top những thực phẩm tốt cho người bệnh thiếu máu cơ tim.

PGS.TS. Nguyễn Mai Hồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viem-cot-song-dinh-khop-dieu-tri-nhu-the-nao-169230527104118467.htm