Viêm da tiếp xúc, nguyên nhân và thuốc điều trị

Viêm da tiếp xúc là tình trạng viêm da thường gặp. Vậy đâu là nguyên nhân và dùng thuốc như thế nào?

1. Viêm da tiếp xúc là gì?

Viêm da tiếp xúc là một phản ứng dị ứng da thường biểu hiện dưới dạng phát ban ngứa ở da có đặc điểm là ngứa, đỏ và sưng... khi tiếp xúc trực tiếp với chất kích thích hoặc chất gây dị ứng.

Các vùng da bị thương tổn thường bao gồm:

Khuôn mặt, đặc biệt là quanh mắt
Bộ phận sinh dục
Bàn tay và bàn chân...

Viêm da tiếp xúc do phản ứng dị ứng hoặc kích ứng với một số chất tiếp xúc với da.

Viêm da tiếp xúc do phản ứng dị ứng hoặc kích ứng với một số chất tiếp xúc với da.

2. Căn nguyên của viêm da tiếp xúc

Có hai dạng viêm da tiếp xúc là dị ứng và kích ứng:

- Viêm da tiếp xúc dị ứng: Xảy ra khi da tiếp xúc với một chất gây ra phản ứng tự miễn dịch ngắn hạn, dẫn đến phản ứng da thường là 12–72 giờ sau khi tiếp xúc. Da có thể bị dị ứng với một chất sau nhiều lần tiếp xúc hoặc chỉ sau một lần tiếp xúc.

Các triệu chứng của viêm da tiếp xúc dị ứng bao gồm: Đỏ da; da khô từng mảng, có vảy; mụn nước rỉ nước; nóng rát hoặc ngứa; sưng ở mắt, mặt và bộ phận sinh dục, trong trường hợp nghiêm trọng; nổi mề đay; nhạy cảm với ánh nắng mặt trời; và da sẫm màu, sần sùi và nứt nẻ.

- Viêm da tiếp xúc kích ứng: Xảy ra khi da tiếp xúc nhiều lần với chất kích ứng nhẹ trong thời gian dài hoặc tiếp xúc với chất kích ứng mạnh.

Các triệu chứng của viêm da tiếp xúc kích ứng bao gồm: Sưng nhẹ; da khô, nứt nẻ; rộp; và loét gây đau... Loại viêm da này phổ biến ở những người thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất mạnh, chất tẩy rửa hoặc những người rửa tay thường xuyên.

3. Phương pháp điều trị viêm da tiếp xúc

Chữa lành viêm da tiếp xúc có thể là một quá trình lâu dài vì vùng da bị tổn thương đặc biệt nhạy cảm. Khi có dấu hiệu hoặc nghi ngờ bị viêm da tiếp xúc, người bệnh cần đến gặp bác sĩ da liễu, tránh chất gây kích ứng hoặc chất kích hoạt và sử dụng các loại kem ngăn ngừa để tạo điều kiện chữa lành và ngăn ngừa thương tích tái phát.

Thuốc corticosteroid tại chỗ thường được sử dụng để điều trị viêm da tiếp xúc.

Thuốc corticosteroid tại chỗ thường được sử dụng để điều trị viêm da tiếp xúc.

Trong nhiều trường hợp, tránh nguyên nhân gây dị ứng là một hình thức điều trị. Việc tiếp xúc với chất này trong tương lai sẽ có thể dẫn đến viêm da tiếp xúc tái phát trở lại.

Thông thường, quá trình điều trị bao gồm rửa sạch vùng da bị tổn thương bằng nhiều nước để loại bỏ bất kỳ dấu vết nào của chất gây kích ứng vẫn còn trên da và nên tránh tiếp xúc thêm với chất này.

Các thuốc được sử dụng để điều trị viêm da tiếp xúc thường bao gồm:

- Chất làm mềm da: Dùng kem dưỡng ẩm giúp giữ ẩm cho da, đồng thời giúp da tự phục hồi và bảo vệ da không bị viêm trở lại. Chất làm mềm da là một phần quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị viêm da tiếp xúc kích ứng.

- Thuốc chống viêm corticosteroid: Thuốc corticosteroid tại chỗ thường được sử dụng để điều trị viêm da tiếp xúc. Người bệnh sẽ được kê toa một loại kem hoặc thuốc mỡ. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể cần dùng thuốc corticosteroid đường uống hoặc có thể được tiêm corticosteroid.

Tuy nhiên cần lưu ý, không sử dụng nhiều thuốc hơn hoặc sử dụng thuốc thường xuyên hơn hướng dẫn bác sĩ khuyên dùng. Theo nguyên tắc chung, không nên sử dụng corticosteroid nồng độ cao trên vùng da mỏng, ví dụ như mặt, bộ phận sinh dục, vùng kẽ, nếp gấp... để tránh nguy cơ teo da. Thuốc chỉ nên được sử dụng trong thời gian ngắn. Sử dụng lâu dài làm tăng nguy cơ phát triển viêm da tiếp xúc kích ứng hơn.

- Thuốc kháng histamine: Hydroxyzine và cetirizine được khuyên dùng để kiểm soát ngứa.

Lưu ý, người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, dùng đúng liều, đúng số ngày quy định, ngay cả khi các triệu chứng thuyên giảm. Sau đó, tránh tiếp xúc với các chất kích thích hoặc chất gây dị ứng. Đeo găng tay và quần áo bảo hộ khi phải tiếp xúc với các chất kích ứng đã biết. Giữ ẩm da, vì da khô, đặc biệt là da tay, dễ bị kích ứng hơn.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

DS. Lê Thanh Hòa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viem-da-tiep-xuc-nguyen-nhan-va-thuoc-dieu-tri-169230201135437826.htm