Viêm khớp xương hàm có nguy hiểm?

Thời gian qua, công chúng không khỏi xôn xao trước ngoại hình khác lạ, gương mặt biến dạng đến khó tin của một 'người nổi tiếng'. Theo giải thích, anh vừa hoàn thành ca phẫu thuật nang xương hàm và cổ do mắc bệnh viêm khớp xương hàm.

Đề cập đến căn bệnh này, Tiến sĩ - bác sĩ Tống Thanh Hải, Chủ nhiệm Khoa Vi phẫu và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia cho biết, viêm khớp thái dương hàm (hay còn gọi là rối loạn khớp thái dương hàm, viêm khớp xương hàm) là bệnh lý rối loạn khớp hàm cùng các cơ mặt xung quanh. Bệnh nhân viêm khớp thái dương thường có biểu hiện đau nhức một bên hoặc cả hai bên hàm, đau hơn khi nhai hoặc khi cử động hàm.

“Với những bệnh nhân viêm khớp thái dương khi nhai có tiếng động “lục cục” phát ra, vùng tai, vùng hàm sưng nhức do viêm. Đặc biệt, người bệnh thường há miệng khó khăn, bệnh nặng có thể gây đau liên hồi. Nếu tình trạng viêm nặng, người bệnh kèm thêm đau răng, đau tai, đau đầu, chóng mặt”, Tiến sĩ - bác sĩ Tống Thanh Hải nhấn mạnh.

Nguyên nhân gây ra căn bệnh này là chấn thương vùng hàm mặt; thoái hóa xương khớp, viêm khớp dạng thấp. Đáng lưu ý, nguyên nhân căn bệnh cũng được chỉ ra do thói quen há miệng lớn khi ăn nhai, ngáp hoặc nhai cắn 1 bên nhiều khiến hàm bị lệch. Cũng có trường hợp bị viêm khớp thái dương hàm là do khớp cắn lệch, răng mọc không đều.

Tiến sĩ - bác sĩ Tống Thanh Hải (bên phải) thực hiện một ca phẫu thuật.

Tiến sĩ - bác sĩ Tống Thanh Hải (bên phải) thực hiện một ca phẫu thuật.

Theo Tiến sĩ - bác sĩ Tống Thanh Hải, viêm khớp thái dương hàm không phải là căn bệnh quá nguy hiểm. Nếu phát hiện sớm điều trị đúng nguyên nhân, khớp sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, do bệnh diễn tiến âm thầm, biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên thường hay bị bỏ qua. Trong trường hợp phát hiện muộn sẽ để lại biến chứng nặng nề như: Viêm khớp, thoái hóa, gẫy khớp, cứng khớp. Lúc này, bệnh nhân bắt buộc phải phẫu thuật.

Các biến chứng sau phẫu thuật viêm khớp thái dương hàm có thể gặp phải như: Chảy máu; nhiễm trùng; tổn thương hàm vĩnh viễn. Ngoài ra, người bệnh có thể bị tổn thương các cấu trúc lân cận như: Tuyến nước bọt mang tai, dây thần kinh số 7 gây liệt nửa mặt, xệ bên mặt...

Để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời, Tiến sĩ - bác sĩ Tống Thanh Hải khuyến cáo, người dân khi có các biểu hiện bệnh cần khám chuyên khoa để xác định chính xác bệnh và điều trị kịp thời. Thông thường với căn bệnh này, bệnh nhân nên đến chuyên khoa răng hàm mặt để khám và điều trị.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/viem-khop-xuong-ham-co-nguy-hiem-634304.html