Viêm mũi dị ứng khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn đọc NGUYỄN DƯƠNG (33 tuổi, ngụ Lâm Đồng) hỏi: Tôi bị viêm mũi dị ứng, mỗi khi thời tiết trở lạnh thường hay bị chảy nước mũi, nhức đầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng này kéo dài kèm thêm ho, sốt, nghẹt mũi, sưng và đau nhức hốc mũi. Xin bác sĩ cho biết viêm mũi dị ứng khi nào thì cần đến bệnh viện khám?

ThS-BS TRƯƠNG ĐĂNG KHOA, Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP HCM), trả lời: Viêm mũi dị ứng là bệnh khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo những thông báo về dịch tễ́ học, tỉ lệ mắc các bệnh dị ứng đường hô hấp chiếm từ 10%-15% dân số thế giới. Tại Việt Nam, viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 32% trong các bệnh lý về tai mũi họng. Ngày nay, khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do vậy tỉ lệ mắc bệnh dị ứng cũng tăng theo.

Tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị cũng như không kiểm soát bệnh tốt thì sẽ gây ra nhiều biến chứng và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể diễn tiến nặng và gây ra các biến chứng như: polyp mũi, viêm xoang cấp, viêm tai giữa…

Triệu chứng điển hình của viêm mũi xoang dị ứng gồm: ngứa mũi; hắt hơi từng tràng dài kèm theo có hoặc không có ngứa mắt, chảy nước mắt; ngạt tắc mũi; chảy nước mũi trong nhiều như nước lã mà không làm hoen ố khăn tay. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân điển hình có thể thấy hình ảnh nếp ngang 1/3 dưới sống mũi gây ra bởi sự cọ xát mũi với lòng bàn tay theo hướng từ dưới lên trên.

Nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như: Nghẹt mũi, sưng và đau nhức hốc mũi; ho nhiều và sốt; trẻ ăn uống kém hoặc bỏ ăn; sụt cân, mất ngủ; dị ứng nặng đến mức phù nề; khó thở thì nên đến bệnh viện khám ngay.

Để phòng ngừa bệnh, bạn cần tránh tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như: Vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc; giữ vệ sinh mũi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý; rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực, sức đề kháng; không hút thuốc lá, không dùng chất kích thích, hạn chế bia rượu. Nếu tình trạng nhẹ, có thể sử dụng thuốc và thường xuyên rửa mũi. Tuy nhiên, khi thực hiện các cách trên vẫn không cải thiện, bạn phải đến gặp bác sĩ để có những can thiệp chuyên sâu hơn.

H.Yến ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/viem-mui-di-ung-khi-nao-can-gap-bac-si-2023083019510694.htm