Viêm mũi dị ứng mùa mưa
Vào mùa mưa, những người có cơ địa dị ứng thường bị viêm mũi, viêm xoang, khiến cơ thể mệt mỏi. Nguyên nhân là do khi hít phải các dị nguyên lơ lửng trong không khí hoặc tồn tại trong chăn, gối, nệm, người có cơ địa dị ứng sẽ xuất hiện các triệu chứng bệnh.
Tác nhân gây dị ứng phổ biến nhất trong mùa mưa là nấm mốc, vì chúng phát triển rất mạnh trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Vào mùa mưa, độ ẩm không khí có thể lên đến 90%, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc sinh sôi và lan rộng.
Triệu chứng viêm mũi dị ứng
Triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng được chia thành hai nhóm:
Triệu chứng viêm mũi dị ứng theo chu kỳ:
Thường xuất hiện vào đầu mùa lạnh hoặc mùa nóng, với các biểu hiện như: Ngứa mũi, hắt hơi liên tục Đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt chảy nước mũi nhiều, dịch nhầy trong có thể kèm theo cảm giác rát bỏng ở kết mạc, vòm họng; cơ thể uể oải, mệt mỏi, nặng đầu.
Các triệu chứng này thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần rồi tự khỏi. Tuy nhiên, chúng có xu hướng tái phát đúng vào thời điểm giao mùa hàng năm và có thể kéo dài nhiều năm, gây biến chứng như thoái hóa, phù nề niêm mạc mũi, nghẹt mũi, phì đại cuốn mũi…

Các triệu chứng viêm mũi dị ứng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, gây đau đầu, mệt mỏi.
Triệu chứng viêm mũi dị ứng không theo chu kỳ:
Đây là tình trạng thường gặp nhất, với các biểu hiện: Sổ mũi, hắt hơi, chảy mũi vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Giảm dần trong ngày nhưng tái phát khi tiếp xúc với bụi hoặc môi trường lạnh.
Nước mũi ban đầu trong suốt, về sau đặc dần, chảy thành từng đợt. Trường hợp nặng có thể hắt hơi liên tục trong nhiều giờ, gây ứ đọng dịch ở vòm họng, buộc người bệnh phải khạc nhổ liên tục, làm tổn thương niêm mạc mũi họng.
Ngoài ra, do nghẹt mũi, người bệnh thường xuyên phải thở bằng miệng, dễ dẫn đến viêm họng, viêm thanh quản. Các triệu chứng này ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, gây đau đầu, mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày, mất ngủ về đêm. Bệnh nhân có thể bị hạn chế hoạt động thể lực, rối loạn cảm xúc, thậm chí rối loạn tinh thần.
Cần làm gì?
Nếu các triệu chứng chỉ xuất hiện vào một vài thời điểm trong ngày, không ảnh hưởng nhiều đến ăn uống, sinh hoạt và giấc ngủ, người bệnh có thể tự vệ sinh mũi tại nhà. Nếu các triệu chứng kéo dài, lặp đi lặp lại và ảnh hưởng đến sức khỏe, người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng hơn như viêm mũi xoang kéo dài, đặc biệt là ở trẻ em.
Cần đi khám ngay nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng như: nghẹt mũi kéo dài, sưng đau hốc mũi, ho nhiều kèm sốt, trẻ biếng ăn hoặc bỏ ăn, sụt cân, mất ngủ, phù nề, khó thở…
Phòng tránh và chăm sóc viêm mũi dị ứng
Vệ sinh định kỳ chăn, drap, gối, nệm, vải bọc ghế để hạn chế sự tồn tại và phát triển của các ký sinh trùng như mò, mạt. Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, tránh ẩm mốc.
Vệ sinh răng miệng hằng ngày, đặc biệt là sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Ngưng hút thuốc lá, thuốc lào; tránh ăn các loại thực phẩm mà bản thân đã biết hoặc nghi ngờ gây dị ứng như tôm, cua, ốc…
Hạn chế tiếp xúc với bụi, cả trong nhà và ngoài đường. Khi quét dọn hoặc ra đường, nên đeo khẩu trang. Khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt từ nóng sang lạnh, người có cơ địa dị ứng cần giữ ấm cơ thể, mặc đủ ấm, quàng khăn để giữ ấm vùng cổ.
Nếu nghi ngờ bị viêm mũi dị ứng, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để được điều trị đúng cách, phòng ngừa các biến chứng như viêm họng, viêm phế quản dị ứng, hen suyễn. Không tự ý chẩn đoán và mua thuốc điều trị mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viem-mui-di-ung-mua-mua-169250723152038303.htm