Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới

Nếu như những thập niên trước đây, viêm tắc tĩnh mạch chi dưới thường gặp ở người cao tuổi thì ngày nay, bệnh có khuynh hướng ngày càng trẻ hóa.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Nếu như những thập niên trước đây, viêm tắc tĩnh mạch chi dưới thường gặp ở người cao tuổi thì ngày nay, bệnh có khuynh hướng ngày càng trẻ hóa. Giai đoạn đầu của bệnh thường không rõ ràng, do đó dễ bị bỏ qua. Đến khi phát hiện, nhiều trường hợp bệnh nhân đã quá nặng nề…

Do tác động bên ngoài

Động mạch có chức năng dẫn máu đỏ mang nhiều oxy từ tim đến các bộ phận trong cơ thể để chúng có “năng lượng” hoạt động. Tĩnh mạch đảm nhận vai trò mang máu “đen” đã cạn kiệt oxy về tim để đưa vào vòng tiểu tuần hoàn tim - phổi tái nạp oxy trở thành máu đỏ lại chuyển đến cho các bộ phận cơ quan trong cơ thể hoạt động. Khi hệ thống tĩnh mạch chi dưới “có vấn đề” làm suy giảm chức năng đưa máu về tim như bình thường gây ra các tổn thương và tạo thành bệnh.

Các nguyên nhân thường gặp là do tĩnh mạch bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như tiêm tĩnh mạch, truyền dịch hay đặt các ống thông. Bệnh cũng có thể là biến chứng của những can thiệp phẫu thuật khớp gối, khớp háng, vùng ổ bụng, phá thai, mổ đẻ hoặc người mắc bệnh rối loạn đông máu. Bên cạnh đó, có khá nhiều yếu tố nguy cơ gây ra bệnh viêm tắc tĩnh mạch đáng kể ra sau đây:

- Người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên, tuần hoàn tĩnh mạch không được thuận lợi như tuổi trẻ).

- Phụ nữ đang mang thai, nhất là các tháng sau cùng (do sự chèn ép lưu thông hệ thống tĩnh mạch chi dưới).

- Có tiền sử rối loạn đông máu hoặc bị huyết khối tĩnh mạch.

- Thừa cân, béo phì.

- Nghiện thuốc lá và rượu.

- Mắc bệnh ung thư hoặc đang điều trị ung thư.

- Ít vận động hoặc “ngồi đồng” suốt ngày.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Các biểu hiện

Bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới tùy thuộc vào vị trí của tĩnh mạch mà có tạo ra tổn thương ở các mức độ khác nhau. Các nhà chuyên môn thường chia thành hai nhóm:

- Viêm tắc tĩnh mạch nông: Do các tĩnh mạch đi nông nên thường không nghiêm trọng. Tĩnh mạch bị viêm nhiễm đi gần bề mặt của da. Những trường hợp này, bệnh có thể tự thuyên giảm sau khi dừng sự tác động mà không cần phương pháp can thiệp điều trị nào.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp viêm tắc tĩnh mạch nông từ vô trùng chuyển sang nhiễm trùng, lan rộng ra xung quanh và gây nhiễm trùng máu tạo bệnh cảnh rất nặng nề.

- Viêm tắc tĩnh mạch sâu: Các trường hợp bệnh nhân bị viêm nhiễm tĩnh mạch sâu và nhất là sự viêm nhiễm này lan rộng sẽ gây ra các biểu hiện nặng nề. Một số trường hợp làm nguy hiểm đến tính mạng người bệnh vì có khả năng dẫn đến tử vong nếu như người bệnh không được chẩn đoán xác định sớm và xử trí kịp thời, có hiệu quả.

Một số trường hợp viêm tắc tĩnh mạch sâu hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Rồi di chuyển về tim, lên phổi làm tắc mạch phổi, gây ra cơn nhồi máu phổi cấp tính tạo ra bệnh cảnh rất nặng nề và cũng rất phức tạp đe dọa sự sống còn của người bệnh.

Nhìn chung, dù người bệnh bị viêm tắc tĩnh mạch nông hay sâu đều có chung biểu hiện sau đây: Cảm giác khó chịu và đau ở vùng chi có tĩnh mạch bị thương tổn. Điều đáng lưu ý là khu vực tĩnh mạch bị thương tổn có biểu hiện nóng đỏ, nổi lên ngoằn ngèo như giun bò. Nếu sờ nắn sẽ có cảm giác tăng đau nhiều hơn. Diễn biến của bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới được chia thành 3 giai đoạn:

- Khởi đầu: Chi có tĩnh mạch bị tổn thương bắt đầu xuất hiện cảm giác tê lạnh. Cơn đau xuất hiện và gia tăng khi đi lại nhiều. Giảm đau khi nghỉ ngơi. Hiện tượng này gọi là đau cách hồi.

- Toàn phát: Mạch máu tắc nghẽn làm ngưng đọng sự lưu thông máu trong lòng tĩnh mạch. Do máu thiếu oxy nghiêm trọng nên từ màu đỏ chuyển sang màu xanh tím. Khu vực chi tương ứng dần chuyển thành màu tím đen và bị hoại tử. Đau đớn khó mà chịu nổi nếu như không có sự can thiệp của các loại thuốc giảm đau.

- Giai đoạn cuối: Vùng chi bị tổn thương sưng to, nhiễm trùng, rỉ dịch vàng hoặc máu mủ. Giải đoạn này người bệnh mệt mỏi nhiều, sốt âm ỉ và thậm chí là hồi hộp, mệt ngực và thở khó. Khi bị tắc mạch phổi và nhồi máu phổi người bệnh ho ra máu. Người bệnh suy hô hấp và tử vong nếu như không được điều trị kịp thời và có hiệu quả.

Hướng điều trị và phòng tránh

Cách điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người bệnh khác nhau. Chia thành 2 nhóm điều trị sau đây:

- Điều trị viêm tắc tĩnh mạch nông: Ngưng sự can thiệp gây tổn thương tĩnh mạch, nhất là tháo bỏ các loại ống thông tĩnh mạch đang có trên người bệnh nhân. Chườm nước ấm để làm giảm sự viêm nhiễm và mang lại cảm giác dễ chịu cho người bệnh. Sử dụng băng thun áp lực để ly giải cục máu đông và giảm nguy cơ di chuyển cục máu đông lên phổi.

- Điều trị viêm tắc tĩnh mạch sâu: Các loại thuốc chống đông máu và tiêu sợi huyết được chỉ định sử dụng. Nếu việc dùng thuốc không đạt kết quả như mong muốn thì vấn đề phẫu thuật được đặt ra nhằm loại bỏ cục máu đông. Ngoài ra, còn có phương pháp đặt ống lọc vào tĩnh mạch khi thuốc đông máu không thích hợp để sử dụng cho người bệnh.

Bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới có thể hạn chế hoặc phòng tránh nhờ khắc chế các yếu tố nguy cơ trong khả năng có thể. Vận động tích cực, tránh ngồi lâu bất động, tránh tối đa các yếu tố tác động gây thương tổn tĩnh mạch như các trường hợp tiêm truyền tĩnh mạch không cần thiết, chú ý công tác vô khuẩn khi tiêm truyền tĩnh mạch, khi đặt ống thông và đặc biệt là chăm sóc tốt, theo dõi kỹ những người đang mang ống thông. Thường xuyên thể dục thể thao rèn luyện thân thể, chế độ ăn nhiều rau quả và tránh nghiện thuốc lá và rượu.

Thạc sĩ Y học Mai Hữu Phước

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/viem-tac-tinh-mach-chi-duoi-post675569.html