Viêm tai giữa - một trong những hệ quả của bệnh nhiễm phế cầu

Theo các bác sĩ, rất nhiều phụ huynh bỏ qua và đánh giá thấp bệnh viêm tai giữa của trẻ nhỏ, thế nhưng đây là một trong những gánh nặng của căn bệnh nhiễm phế cầu gây ra. Hơn 80% trẻ mắc viêm tai giữa cấp trước 5 tuổi và 65% sẽ mắc tái đi tái lại. Phế cầu và Haemophilus influenzae không định tuýp (NTHi) là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất.

Các bác sĩ, chuyên gia chia sẻ về tác nhân gây hại của bệnh viêm phế cầu. Ảnh: R.C

Các bác sĩ, chuyên gia chia sẻ về tác nhân gây hại của bệnh viêm phế cầu. Ảnh: R.C

Tại chuỗi hội thảo khoa học “Hành trình tiên phong bảo vệ kép chống lại phế cầu và NTHi” mới đây, bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh, Trưởng Đơn vị tiêm chủng, Phòng khám đa khoa quốc tế Thu Cúc chia sẻ: “Trong công tác y tế dự phòng kiểm soát các căn bệnh truyền nhiễm tại Hà Nội, tôi còn nhớ mãi hình ảnh ám ảnh là một em bé bị viêm màng não do phế cầu. Con phải chọc dịch não tủy để xét nghiệm. Con đã khóc rất nhiều! Từ hình ảnh đó, tôi suy nghĩ khá nhiều, cầu mong làm sao mọi trẻ em đều được phòng ngừa phế cầu, vì đây là giải pháp quan trọng mà các nước tiên tiến đã đưa vào rất lâu rồi”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cũng nhớ lại, thời điểm Việt Nam có vaccine phế cầu cộng hợp lần đầu tiên năm 2014. Trong suốt 10 năm qua, nhân viên y tế khắp nơi đã không ngừng giáo dục về bệnh, tư vấn để cha mẹ hiểu về giá trị của vaccine, từ đó phòng ngừa cho con từ sớm ngay từ 6 tuần tuổi khỏi viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết do phế cầu. Trong đó, viêm tai giữa cấp là một bệnh lý cần được quan tâm, bởi nó gây ra những tác động lâu dài tới trẻ cũng như xã hội. Phần lớn các phụ huynh lo sợ các bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng trẻ và cũng rất e ngại viêm tai giữa do tỉ lệ mắc cao, chiếm 80% khi con dưới 5 tuổi và tái đi tái lại nhiều lần.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội thảo khoa học. Ảnh: R.C

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội thảo khoa học. Ảnh: R.C

“Diễn tiến của viêm tai giữa sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều nếu có sự tham gia của phế cầu và NTHi. Đây là hai nguyên nhân phổ biến gây bệnh, làm tăng nguy cơ điều trị thất bại, tái phát và dẫn đến viêm mạn tính. Gánh nặng của bệnh không chỉ dừng ở nhiễm khuẩn ban đầu mà còn là những biến chứng nặng nề của bệnh như mất thính lực, suy giảm ngôn ngữ hay biến chứng thần kinh. Ngoài ra, đây là bệnh thường được chỉ định kháng sinh và hiện nay, các vi khuẩn gây ra viêm tai giữa đã giảm nhạy cảm với kháng sinh qua thời gian”, TS. BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

PGS. TS. BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội tổng quát 2, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho hay: “Các triệu chứng của viêm tai giữa rất khó phát hiện dù bệnh rất phổ biến, thậm chí có triệu chứng đánh lừa như tiêu chảy nên chúng ta thường không biết nguyên nhân lại nằm ở tai của em bé. Công tác điều trị từ đó trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Do đó, chỉ có quyết định phòng ngừa chủ động bằng vaccine có thể giúp chúng ta giải quyết được triệt để căn bệnh này. Hiện nay, chúng ta có một vũ khí giá trị để bảo vệ kép cả hai tác nhân gây bệnh là phế cầu và NTHi”.

Theo các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhi khoa và dự phòng, tiêm vaccine phòng bệnh nhiễm phế cầu rất quan trọng. Các báo cáo về dữ liệu lâm sàng, nghiên cứu khoa học đã chứng cứ y khoa về hiệu quả và tính an toàn của vaccine. Bên cạnh đó, các tổ chức y tế trên thế giới cũng đánh giá các vaccine đều có tính sinh miễn dịch và tác động tương đương nhau lên các bệnh phế cầu xâm lấn. Tại Việt Nam, khuyến cáo từ Hội Nhi khoa Việt Nam là cần tiêm vaccine phòng phế cầu và NTHi cho tất cả trẻ em từ 6 tuần tuổi.

TS. BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ tại hội thảo khoa học. Ảnh: R.C

TS. BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ tại hội thảo khoa học. Ảnh: R.C

Là một trong những đơn vị nghiên cứu và phát triển vaccine phòng bệnh phế cầu và NTHi, bác sĩ Phạm Thị Mỹ Liên, Chủ tịch GSK Việt Nam chia sẻ: “Hơn 10 năm qua, công ty đã đồng hành và góp phần bảo vệ hơn 5 triệu trẻ em Việt Nam khỏi những căn bệnh nguy hiểm do phế cầu và NTHi bằng vaccine, điều này đã góp phần giảm thiểu các đợt nhập viện cũng như gánh nặng do phế cầu và NTHi gây ra. Tôi hi vọng, trong thời gian tới, thông qua các hoạt động tuyên truyền, phụ huynh có thể cho trẻ tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ để tránh mắc khỏi các căn bệnh truyền nhiễm trong suốt các giai đoạn của cuộc đời”.

Tính đến nay, chỉ riêng trong lĩnh vực vaccine, GSK đã có kiến tạo đột phá và thành công 11 loại vaccine đầu tiên trên thế giới. Hằng ngày, có 1,5 triệu liều vaccine GSK được phân phối đến hơn 160 quốc gia trên thế giới, góp phần bảo vệ sức khỏe của 3,5 - 5 triệu người mỗi năm. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có hơn một nửa trẻ em mới sinh được phòng ngừa khỏi các bệnh truyền nhiễm bằng vaccine của GSK.

Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giai-ma-muon-mat/viem-tai-giua-mot-trong-nhung-he-qua-cua-benh-nhiem-phe-cau-20240730223103392.htm