Viêm tai ứ dịch gây hại như nào?
Nguyên nhân viêm tai gây ứ dịch chủ yếu là do khối VA quá phát bít tắc, chèn ép vào lỗ vòi tai, gây tắc vòi tai. Viêm tai ứ dịch gây hại cho cơ thể như nào?
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, để viêm đi viêm lại nhiều lần, làm suy yếu màng nhĩ do màng nhĩ bị tiêu hủy lớp collagen, màng nhĩ bị nhũn dần, với áp lực âm trong tai giữa, màng nhĩ bị kéo vào trong, dần dần màng nhĩ bị dính vào những chỗ lồi lõm của hòm tai và dính vào thành trong hòm tai, xương con bị cố định.
Triệu chứng viêm tai gây ứ dịch
Các triệu chứng của viêm tai gây ứ dịch thường thầm lặng, hay bị bỏ sót. Khi mắc bệnh, trẻ có thể bứt rứt, khó chịu, tay hay sờ lên tai, trẻ chậm nói. ở trẻ lớn, bệnh nhi cảm thấy khó chịu trong tai, cảm giác ù tai, có thể thấy óc ách trong tai, đôi khi có thấy tiếng vang trong tai.
Trẻ nghe kém, nếu nghe kém một tai thì khó phát hiện vì có sự nghe bù trừ của tai kia, nhưng khi nghe kém hai tai sẽ ảnh hưởng đến tiếp thu kiến thức, học hành, kết quả học tập sẽ giảm sút, đôi khi trẻ kêu chóng mặt lúc này bệnh dễ phát hiện hơn
Nội soi tai: màng nhĩ mất bóng, không còn trong suốt, màng nhĩ trở nên dày hơn, có thể thấy mức nước mức hơi trong hòm nhĩ hoặc xuất hiện bọt khí trong hòm tai. có thể gặp hòm nhĩ ứ căng dịch.
Viêm tai gây ứ dịch có thể tự khỏi nhưng dễ bị tái phát.
Những thay đổi khác nhau cũng có thể xảy ra đối với màng nhĩ (TM) bao gồm màng nhĩ có màu hổ phách hoặc màu xám, co rút nhẹ đến nặng… Khi ứ dịch hòm nhĩ, màng nhĩ có thể không di động khi làm các bài kiểm tra và có thể nhìn thấy mức dịch khí hoặc bọt khí qua màng nhĩ.
Chẩn đoán và điều trị viêm tai gây ứ dịch
Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm tai giữa ứ dịch bằng các phương pháp sau:
Nội soi tai để phát hiện những thay đổi ở màng nhĩ như có màu hổ phách hoặc vàng đục, tăng sinh mạch máu của đầu búa; màng nhĩ có hiện tượng co rút; màng căng có dạng túi; màng nhĩ trong suốt bất thường; hòm nhĩ chứa dịch, có mức nước hơi hoặc dịch tai có xuất hiện bọt khí; màng nhĩ xanh đặc biệt trong viêm tai giữa tiết dịch nhầy.
Đo nhĩ lượng để xác định có dịch tai giữa,giúp sàng lọc và theo dõi tiến trình điều trị.
Đo thính lực giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh. Phương pháp này cũng có thể được sử dụng để theo dõi sự tiến triển và hiệu quả của việc điều trị.
Điều trị bệnh phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh, thời gian mắc bệnh, mức độ nghiêm trọng của tình trạng nghe kém và mức độ ảnh hưởng của việc nghe kém. Điều trị phẫu thuật được chỉ định đối với các trường hợp đã điều trị bảo tồn nhưng không có kết quả; mắc viêm tai giữa ứ dịch mãn tính, tái phát nhiều lần và bị giảm thính lực nghiêm trọng.
Cách phòng ngừa viêm tai giữa gây ứ dịch
Viêm tai gây ứ dịch là một bệnh hay gặp ở trẻ em, nguyên nhân chủ yếu do VA, ngoài ra còn do viêm nhiễm đường hô hấp trên, rối loạn chức năng vòi, khối u vùng mũi họng.
Nó gây tụt giảm thính lực ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, học tập, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng, di chứng nguy hiểm.
Trong việc phòng ngừa viêm tai gây ứ dịch, bác sĩ khuyên mọi người nên:
Vệ sinh tai khô ráo, sạch sẽ. Hạn chế để nước, dị vật, côn trùng chui vào tai.
Tránh để mắc các bệnh về tai, mũi, họng đặc biệt là bệnh viêm xoang, viêm amidan, viêm VA.
Tránh để mắc cảm cúm và các bệnh lây truyền khác, có thể là nguyên nhân gây viêm tai giữa.
Khi tai, mũi, họng có các triệu chứng bất thường, trên một tuần không khỏi, cần đến bệnh viện thăm khám chuyên khoa, đặc biệt là ở trẻ em.
Thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ và để các đồ vật không sạch sẽ cách xa tầm với của trẻ.
Giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, gan bàn chân khi thời tiết lạnh.
Điều trị sớm các bệnh viêm mũi họng khi trẻ có biểu hiện, tránh triệu chứng nặng lên.
Không nên lấy ráy tai bằng các vật cứng, đặc biệt là lấy ráy ở các tiệm cắt tóc vì có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh bao gồm vi khuẩn, virus, nấm và nguy cơ tổn thương tai dẫn đến nhiễm trùng.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viem-tai-u-dich-gay-hai-nhu-nao-169241231154116179.htm