Viễn cảnh ảm đạm của hàng không toàn cầu

Làn sóng dịch Covid-19 thứ hai là một đòn giáng mạnh vào tiến trình phục hồi của ngành hàng không thế giới. Rất nhiều hãng đang vật lộn để trụ vững nhưng vẫn đứng trước nguy cơ lún sâu vào khủng hoảng.

Diễn biến mới của đại dịch khiến các hãng hàng không phải xem xét lại kế hoạch tái hoạt động, trong khi thời gian hồi phục là không hề ngắn. Ông Brian Pearce, nhà kinh tế trưởng tại Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) chia sẻ: “Tình hình đang ngày càng xấu đi. Các hãng hàng không phải gánh chịu thêm chi phí, trong khi doanh thu và nhu cầu không hồi phục tích cực như dự báo. Tới nay, tất cả đều đang “đốt tiền” để tự “sưởi ấm” bản thân”.

Theo kết quả một cuộc khảo sát hơn 300 hãng hàng không trên khắp thế giới về niềm tin kinh doanh do IATA công bố vào đầu tháng 8 này, 55% trong số đó được cho là sẽ cắt giảm việc làm trong 12 tháng tới bởi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không có thể phục hồi chậm vì làn sóng dịch Covid-19 thứ hai. Khoảng 45% các hãng đã sa thải nhân viên trong quý II-2020, thuộc khuôn khổ các biện pháp cắt giảm chi phí do tác động của đại dịch. 57% các hãng ước tính số lượng hành khách sẽ sụt giảm trong 12 tháng tới và giá vé có thể giảm mạnh. IATA dự báo hoạt động hàng không trên thế giới sẽ giảm 63% trong năm 2020 so với năm 2019, với mức thâm hụt lên đến 419 tỷ USD.

 Virgin Atlantic Airways là cái tên mới nhất nộp đơn bảo hộ phá sản vì dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg

Virgin Atlantic Airways là cái tên mới nhất nộp đơn bảo hộ phá sản vì dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg

Trước đại dịch, lĩnh vực hàng không cung cấp khoảng 65,5 triệu việc làm, đóng góp 2.700 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tham gia và hỗ trợ cho 3,6% hoạt động kinh tế-thương mại của thế giới. Để so sánh, nếu đóng vai trò là một quốc gia thì ngành hàng không sẽ đứng trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, dịch Covid-19 như cơn sóng thần bất ngờ ập tới và kéo theo hệ lụy lâu dài. Đường bay và hành khách giảm khiến doanh thu giảm, cổ phiếu cũng giảm mạnh đã hình thành một hỗn hợp độc hại với “sức khỏe” của ngành hàng không thế giới.

Ban đầu, các hãng hàng không nhận định rằng đại dịch lần này sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định, nhưng vẫn có thể kiểm soát được, chứ không lường tới mức độ nghiêm trọng như hiện nay. Tuy nhiên, mọi mong đợi về việc sớm phục hồi trong mùa thu năm 2020 đã bị dập tắt bởi đợt dịch Covid-19 thứ hai và không rõ còn những làn sóng tiếp theo nữa hay không. Thậm chí tại nhiều thị trường, nơi tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 đã giảm mạnh, các hãng hàng không vẫn phải đối mặt với một loạt hạn chế đi lại chưa được dỡ bỏ hoàn toàn và tâm lý thận trọng từ chính hành khách.

Trong bối cảnh đó, “bước đường cùng” mà nhiều hãng hàng không khó tránh khỏi là phá sản hoặc nộp đơn bảo hộ phá sản. Kể từ đầu năm đến nay, có hơn 30 hãng hàng không đã sụp đổ, tăng so với con số 27 hãng của cả năm 2019. Chuyên gia Stuart Hatcher đến từ Tập đoàn tư vấn hàng không IBA Group của Anh cho hay, số lượng các doanh nghiệp hàng không phá sản có thể tăng gấp đôi tới cuối năm và còn gây ra “hiệu ứng domino” trong những năm tới. “Làn sóng phá sản thứ hai có thể bắt đầu từ tháng 9 tới khi các hãng hàng không tự nhìn nhận lại khả năng kinh doanh sau mùa hè vừa qua và đưa ra quyết định sẽ tiếp tục hay không”, ông Stuart Hatcher nhận định.

Việc các hãng hàng không có thể làm hiện nay là tìm cách giảm chi phí và củng cố khả năng chống đỡ nhiều nhất có thể như cắt giảm nhân viên, cắt giảm các lộ trình bay, tái đàm phán các hợp đồng với nhà cung cấp, vận hành những loại máy bay nhỏ hơn, tạm thời chuyển đổi công năng của máy bay chở khách... Một số hãng bắt đầu xin và nhận cứu trợ của chính phủ. Về phần mình, các chính phủ cũng khẳng định hàng không là ngành đứng đầu trong danh sách ưu tiên giải cứu.

Cũng theo báo cáo từ cuộc khảo sát trên, IATA cho rằng phải đến năm 2024, thay vì năm 2023 như dự đoán trước đây, hoạt động hàng không toàn cầu mới trở lại như ở thời kỳ trước khi đại dịch bùng phát. Trong đó, châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là những khu vực đầu tiên trên thế giới có hoạt động hàng không trở lại như mức của năm 2019, còn ngành hàng không Mỹ sẽ phục hồi chậm hơn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, 2020 là năm tồi tệ nhất lịch sử hàng không thế giới. Từng là “bệ phóng” của rất nhiều ngành khác nhưng ngành hàng không thế giới đã, đang và sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có vì dịch Covid-19. Trước viễn cảnh ảm đạm đó, niềm hy vọng lớn nhất chính là đại dịch nguy hiểm này sớm được dập tắt để mọi thứ có thể trở lại quỹ đạo bình thường.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/vien-canh-am-dam-cua-hang-khong-toan-cau-631941