Viễn cảnh 'nội công ngoại kích' với Trung Quốc hậu COVID-19

Trung Quốc có thể sẽ phải đối đầu với cảnh 'nội công ngoại kích' hậu COVID-19 khi không chỉ thế giới mất niềm tin mà trong nước cũng đầy thách thức.

Dù đã kiểm soát được dịch COVID-19 trong nước và đẩy mạnh "ngoại giao COVID-19", Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ bị các đối tác quay lưng sau nhiều vụ bê bối liên quan tới đại dịch này, tạp chí Financial Times (FT) bình luận.

Quan hệ Trung-Mỹ đã xuống mức thấp nhất

Trung Quốc và Mỹ vẫn đang tiếp tục căng thẳng trong cuộc tranh cãi về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Ảnh minh họa - Căng thẳng Trung-Mỹ về đại dịch COVID-19. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Ảnh minh họa - Căng thẳng Trung-Mỹ về đại dịch COVID-19. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Mỹ cáo buộc virus xuất phát từ lỗi của Trung Quốc. Washington cũng cáo buộc Bắc Kinh không minh bạch thông tin dịch bệnh.

Trong khi đó, một số quan chức Trung Quốc đáp trả bằng cáo buộc chính binh lính Mỹ đã mang mầm bệnh tới Trung Quốc.

Cùng với đó, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã còn có những bài viết thẳng thừng đe dọa cắt xuất khẩu khẩu trang và trang thiết bị y tế cho Mỹ vì những căng thẳng gần đây giữa hai nước.

Chuyên gia Wang Jisi - trưởng khoa Quốc tế học tại ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng đại dịch lần này đã đẩy mối quan hệ Trung-Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1970. Theo chuyên gia này, sự chia rẽ giữa hai nước cả về kinh tế lẫn khoa học là không thể tránh khỏi", theo FT.

Trong khi đó, ông Liang Yunxiang - một chuyên gia về quan hệ đối ngoại tại ĐH Bắc Kinh dự báo thế đối đầu chiến lược giữa hai bên sẽ còn tiếp diễn, theo báo South China Morning Post.

Theo chuyên gia Liang, "chuyện Trung Quốc và Mỹ có thể tổ chức các cuộc gặp bàn về hợp tác là tốt nhưng các cuộc gặp này khó có thể thay đổi xu hướng ngày càng xấu đi của sự cạnh tranh chiến lược giữa hai nước".

Thế giới mất niềm tin vào Trung Quốc

Theo FT, sự thất thế và áp lực với Trung Quốc càng lớn khi không chỉ Mỹ mà hiện nhiều nước phương Tây cũng thể hiện sự bất mãn.

Tại Anh, chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đối mặt với áp lực dư luận và truyền thông về việc phải hành động cứng rắn hơn trước Trung Quốc. Cộng đồng tình báo Anh cũng quan tâm hơn tới các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Hôm 16-4, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab - người tạm thời thay thế ông Johnson - tuyên bố: “Không còn nghi ngờ gì, sau đại dịch này quan hệ của chúng ta (Anh và Trung Quốc - PV) có thể không còn như trước. Chúng tôi vẫn có những nghi vấn về việc dịch bệnh xuất hiện như thế nào và đáng lẽ nó có thể kết thúc sớm hơn”.

Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Úc Marise Payne cũng yêu cầu Trung Quốc minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh ở nước này.

Theo báo New York Post, ông Macron cảnh báo thế giới không nên "ngây thơ" mà tin rằng Trung Quốc đã kiểm soát tình hình. Trong khi đó, bà Merkel cho rằng sự minh bạch của Trung Quốc sẽ giúp người dân khắp thế giới học hỏi được cách hành động trước đại dịch lần này.

Việc mất niềm tin không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn thể hiện cả trong lĩnh vực kinh doanh. Hiện nhiều nước đang thúc đẩy các chương trình chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong đó, Nhật đã chi 2,2, tỉ USD (hơn 51,5 nghìn tỉ đồng) để hỗ trợ các doanh nghiệp nước này rút nhà máy khỏi Trung Quốc.

Một nhà máy lắp ráp ô tô Honda (Nhật) ở TP Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Một nhà máy lắp ráp ô tô Honda (Nhật) ở TP Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Ngoài ra, FT cũng nhắc lại một số lời phàn nàn từ các nước phương Tây về chất lượng hàng y tế nhập khẩu từ Trung Quốc hay vụ việc cưỡng ép người dân châu Phi ở miền nam Trung Quốc phải về nước... Tất cả đều ảnh hưởng tới hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Thách thức nội bộ Trung Quốc hậu COVID-19

Tờ FT nhận định COVID-19 đang tạo ra thách thức lớn nhất cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền ở Bắc Kinh vào năm 2012.

Sự tổn thất kinh tế do dịch bệnh và tác động xã hội từ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt có thể đe dọa đến sự ổn định xã hội Trung Quốc và dẫn đến nguy cơ xói mòn sự ủng hộ của người dân dành cho chính quyền.

Theo Tân Hoa Xã, trong quý I năm nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy yếu 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ khi nước này công bố số liệu tăng trưởng kinh tế theo quý.

Hiện nay, Trung Quốc đã làm phẳng được đường cong dịch bệnh và tín hiệu kinh tế trong tháng 3 đã khởi sắc hơn. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa có thông báo chính thức về việc có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.

VĂN KIẾM

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chuyen-gia/vien-canh-noi-cong-ngoai-kich-voi-trung-quoc-hau-covid19-907334.html