Viễn cảnh tranh chấp, kiện tụng hậu bầu cử tổng thống Mỹ
Do đại dịch Covid-19, các chuyên gia lo ngại kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay sẽ bị chậm trễ, không có ngay trong đêm bầu cử như thường lệ, dẫn đến tranh cãi và hoài nghi.
Khả năng bầu cử năm nay không có kết quả vào đêm bầu cử (3/11 - giờ Mỹ) là hoàn toàn có thể, theo các chuyên gia.
“Đây sẽ là đêm bầu cử chưa từng có”, giáo sư Kimberly Nalder, khoa chính trị, Đại học Bang California - Sacramento, nói với Zing. “Thông thường, chúng ta có kết quả vào tối muộn, và sẽ biết tổng số phiếu đại cử tri của mỗi bên”.
Nhưng trong năm nay, nhiều lý do khiến kết quả bầu cử có thể chưa rõ đến cuối ngày, theo giáo sư Aubrey Jewett, thuộc khoa chính trị, an ninh, quan hệ quốc tế của Đại học Central Florida.
Nguyên nhân làm kết quả bị trì hoãn
Chẳng hạn, số phiếu ở một hay nhiều bang chiến trường quá sát nút sẽ dẫn đến việc phải kiểm phiếu lại, gây mất thêm thời gian.
Đó là kịch bản năm 2000, khi số phiếu ở Florida quá sít sao, và cục diện toàn quốc cũng quá sát nút đến mức ai thắng Florida sẽ làm tổng thống.
Phải mất một tháng để bang Florida kiểm phiếu lại, và phải qua vài phán quyết của tòa án trước khi ông George W. Bush được tuyên bố thắng ở Florida, từ đó giành chức tổng thống.
Lý do thứ hai, theo giáo sư Jewett, là số lượng kỷ lục cử tri bỏ phiếu qua thư, thay vì trực tiếp đến điểm bỏ phiếu. Hầu hết bang không cho phép bắt đầu kiểm phiếu gửi qua thư cho đến ngày bầu cử.
Do vậy, việc đếm lượng phiếu qua thư cao kỷ lục sẽ gây sức ép lên hệ thống kiểm phiếu. Tính đến 3/11, tổng số phiếu bầu sớm là hơn 80 triệu, trong đó phiếu gửi qua thư là hơn 51 triệu. Đó là chưa kể gần 40 triệu phiếu đã được gửi ra nhưng chưa thấy gửi về.
Một lý do nữa là khoảng 10-12 bang chấp nhận phiếu gửi đến nơi vài ngày sau bầu cử - mỗi bang có thời hạn khác nhau. Tức phiếu không bắt buộc phải đến nơi vào ngày bầu cử, mà chỉ cần được đóng dấu bưu điện trước hoặc trong ngày bầu cử.
“Trong bất cứ tình huống nào, chúng ta cũng sẽ không kiểm đếm ngay được toàn bộ số phiếu”, giáo sư Nalder nói. “Có điều là một bên có thể thắng với cách biệt lớn đến mức số phiếu còn lại không thay đổi được gì”.
Vì cử tri đảng Dân chủ bầu qua thư với tỷ lệ cao hơn hẳn cử tri Cộng hòa, số phiếu đến muộn sẽ nghiêng về ông Biden. Để chiến thắng ngay trong ngày 3/11, ông Biden cần phải có lượng phiếu áp đảo tới mức số phiếu đến muộn không còn quan trọng, theo bà Nalder.
Theo ông Jewett, bang Florida của ông có khả năng sẽ cho kết quả trước nhiều bang khác. Bởi vì cơ quan bầu cử Florida đã có kinh nghiệm tổ chức bỏ phiếu qua thư, và cho phép kiểm phiếu 10 ngày trước bầu cử. Đến ngày 3/11, một số lượng lớn phiếu đã được kiểm.
“Trừ khi Florida rất sát nút, còn không thì chúng tôi sẽ có kết quả vào đêm bầu cử”, ông Jewett nói với Zing. “Trong khi nhiều bang khác không được kiểm phiếu cho tới ngày 3/11”.
Kết quả ở Florida quan trọng vì là bang chiến trường với 29 phiếu đại cử tri. Một dấu hỏi kéo dài ở bang này có thể kéo theo kết quả bầu cử tiếp tục bị bỏ ngỏ.
Từ trì hoãn đến tranh cãi, kiện tụng
Khả năng cuộc bầu cử, vốn có thể kéo dài, rơi vào tranh cãi tùy thuộc bao nhiêu bang ở thế sát nút, theo các chuyên gia.
“Tôi nghĩ ra khả năng đó là 50 - 50”, giáo sư Jewett nói.
Dựa vào các thăm dò hiện tại, ông nêu ra một kịch bản khả dĩ là ông Biden nắm được đủ 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử ngay trong đêm 3/11. Khi đó, việc một số bang chưa có kết quả sẽ không còn quan trọng.
Kịch bản ngược lại là khi ông Trump cầm chắc 270 phiếu đại cử tri vào đêm bầu cử. Đây là khó xảy ra hơn, vì ông sẽ phải thắng áp đảo một số bang chiến trường, trong khi các thăm dò không cho thấy như vậy.
Nếu không ứng viên nào cầm chắc 270 phiếu đại cử tri vào đêm bầu cử, các chuyên gia nói khả năng xảy ra tranh cãi là đáng kể.
“Tôi nghĩ khả năng cao là tranh chấp sẽ xảy ra, vì bản thân ông Trump đã nói bầu cử không hợp lệ trừ khi ông ta thắng - một câu nói vô lý”, giáo sư Nalder nói.
Ông Trump nhiều lần từ chối hứa sẽ chấp nhận kết quả bầu cử, dường như vì muốn có thể đưa ra cáo buộc bầu cử gian lận nếu ông thấy cần thiết, theo giáo sư Nalder.
Vấn nạn tin giả gây lo ngại rằng ngay cả khi ông Joe Biden thắng áp đảo, nhiều người ủng hộ Trump sẽ không chấp nhận, và bản thân ông Trump cũng không chấp nhận. “Như vậy sẽ mở đầu cho kịch bản ác mộng”, bà Nalder nói thêm.
Tổng thống Trump đã nhiều lần cáo buộc vô căn cứ về gian lận hay phiếu bị mất. Có thể ông sẽ tận dụng các ví dụ đơn lẻ về nhân viên hòm phiếu mắc sai lầm nhỏ nào đó, để thổi phồng lên thành gian lận trên diện rộng.
“Dù vấn đề đó không có thật, ông vẫn có thể thách thức độ tin cậy của bầu cử trước tòa. Tòa án có thể bác bỏ, và nói cáo buộc là vô căn cứ. Nhưng đó vẫn là một chiêu mà ông có thể thực hiện”, giáo sư Nalder nói.
Các luật sư sẵn sàng chiến đấu
Theo ông Jewett, hai bên đã chuẩn bị hàng trăm luật sư đi đến các bang để chuẩn bị chiến đấu pháp lý trong trường hợp phải kiểm phiếu lại, hoặc muốn tranh cãi các kết quả quá sát nút.
Ông nêu hai ví dụ về những lý do mà luật sư có thể kiện ra tòa.
Chẳng hạn, luật sư có thể cho rằng một địa phương đang loại đi quá nhiều phiếu qua thư vì coi là không hợp lệ - không ký đúng chỗ, chữ ký không giống. Hay luật sư có thể bất đồng về cách địa phương xử lý các phiếu không được đánh dấu đúng cách.
“Điều này có thể dẫn đến một cuộc bầu cử hỗn loạn”, ông Jewett nói. “Thực ra, bao giờ các ứng viên cũng chuẩn bị trước về đấu tranh pháp lý. Nhưng năm nay, ai cũng coi tranh cãi pháp lý là tất yếu. Tình hình sẽ khá hỗn loạn một khi các luật sư bắt đầu ‘gây chiến’ với nhau”.
Sau bầu cử năm 2000, các luật sư về bang Florida để đấu tranh nhiều đến mức có câu nói đùa: nếu tung một chiếc mũ lên trời, nó sẽ rơi xuống đầu một luật sư.
Bản thân ông Trump đã đề cử nhiều thẩm phán vào các tòa án liên bang, gần đây nhất là một ghế trong Tòa án Tối cao. “Vì vậy, ông Trump có thể muốn ra tòa vì nghĩ rằng mình có đa số đồng minh ở trên tòa”, bà Nalder nói.
Nhưng dù là do ai đề cử, các thẩm phán vẫn sẽ phải theo hiến pháp, luật địa phương và luật của bang. Ra tòa không đồng nghĩa với chiến thắng dễ dàng cho ông Trump. Nhưng cách làm này sẽ làm rối tình hình, mất đi lòng tin của cử tri, theo giáo sư Nalder.