Viễn chí bổ thận, an thần

Viễn chí có tên gọi khác là tiểu thảo, Nam viễn chí; tên khoa học: Polygala sp; thuộc họ Polygalaceae.

Viễn chí là rễ phơi khô của một số loài thuộc chi Polygala. Ở nước ta có nhiều loài viễn chí đã được ghi có công dụng làm thuốc.

Cây Polygala japonica Houtt: Còn gọi là Nam viễn chí. Loài cỏ nhỏ, cao 10 - 20cm, mang cành ngay từ gốc, cành rất nhỏ hình sợi mọc lan ra, trên có phủ lông mịn. Lá nhiều dạng: lá phía dưới hình bầu dục rộng 4 - 5mm, lá phía trên hình dải, đầu nhọn, dài 20mm, rộng 3 - 5mm, có mép cuốn xuống mặt dưới. Cuống chỉ dài 0,5mm.Hoa mọc thành chùm gầy, ngắn mang hai, ba hoa hoặc hơn. Hoa xanh nhạt ở dưới, trắng ở giữa, tím ở đỉnh. Quả nang nhẵn hình bầu dục rộng 1mm. Mùa hoa vào tháng 3 ở Ninh Bình.

Vị thuốc Viễn chí

Vị thuốc Viễn chí

Cây Polygala glomerata Lour: cỏ mọc hằng năm, cao 20 - 30cm, màu xám. Thân có lông mịn, phân nhánh ngay từ gốc, lá hình bầu dục hoặc hình mác đầu nhọn hay tròn, dài 15 - 55mm, rộng 10 - 25mm, cuống ngắn nhiều hoa. Quả cao 4mm, rộng 3mm. Hạt hình trứng có lông, dài 3mm.

Cây Polygala sibirica L: loại cỏ sống lâu năm, cao 10 - 20cm đường kính của thân 1 - 6mm. Lá mọc so le. Lá phía dưới nhỏ hơn, hình mác dài 0,6 - 3cm, rộng 3 - 6mm. Ở cả hai mặt lá đều có lông nhỏ mịn. Hoa mọc thành từng chùm dài 3 - 7cm, cánh hoa màu lam tím. Quả nang hình trứng dài độ 4 - 5mm.

Ở Việt Nam, cây Viễn chí mới chỉ thấy ở các vùng núi thấp, thuộc các tỉnh từ Thái Nguyên đến Thanh Hóa.

Viễn chí thuộc cây thảo ưa sáng, thường mọc trên đất ẩm, lẫn trong đám cỏ thấp ở ven rừng, nương rẫy hay ruộng cao ở vùng núi. Vốn là loại cây ở vùng cận nhiệt đới, ưa khí hậu ẩm mát, nên cây mọc ở các tỉnh phía Bắc cũng chỉ thấy xuất hiện mùa Xuân Hè.Cuối mùa Hè, sau khi có quả già, cây bị tàn lụi. Viễn chí tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt và có thể gieo trồng được.

Rễ của 3 loài trên đều chứa Saponin. Saponin của Viễn chí thuộc loại Saponin triterpenoid nhóm olean. Các thành phần trước đây xác định có trong một số loài Viễn chí như: segenin (= acid tenuifolic), acid segenic, hydroxysegenic đều là những chất giả tạo. Chất saponin thật được xác định lại là presegenin.

Các nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy Viễn chí có các tác dụng: giảm ho, long đờm, giảm đau, an thần, ức chế có mức độ hệ thần kinh trung ương, kháng khuẩn, tán huyết, kích thích co bóp tử cung…

Theo Đông y, Viễn chí có vị hắc, đắng, the, tính hơi ấm vào 2 kinh tâm và thận có tác dụng an thần, ích trí, khu đàm, chỉ khí, ích tinh, hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng, giải độc.

Công dụng: Viễn chí được dùng chữa ho, nhiều đờm, viêm phế quản, hay quên, giảm trí nhớ, liệt dương, yếu sức, mộng tinh, bổ cho nam giới và người già, thuốc làm sáng mắt, thính tai; còn chữa đau tức ngực, lao, ngủ kém, suy nhược thần kinh, ác mộng.

Bài thuốc Quy tỳ thang có sử dụng Viễn chí: Táo nhân (sao đen) 12g, Nhân sâm 12g, Bạch truật (sao vàng) 12g, Hoàng kỳ 12g, Đương quy 12g, Long nhãn 12g, Mộc hương 8g, Phục thần 12g, Viễn chí 12g, Cam thảo 8g, Đại táo 5 trái. Bài thuốc này được làm hoàn mềm.

Nhân sâm có tác dụng “bổ ngũ tạng, an tinh thần, định hồn phách” để bổ khí sinh huyết, dưỡng Tâm ích Tỳ. Long nhãn bổ ích Tâm Tỳ, dưỡng huyết an thần. Hoàng kỳ, Bạch truật giúp Nhân sâm ích khí kiện Tỳ. Đương quy giúp Long nhãn dưỡng huyết bổ Tâm. Phục thần, Viễn chí, Táo nhân để ninh Tâm, an thần. Mộc hương để lý khí tĩnh Tỳ, phối hợp với thuốc bổ khí dưỡng huyết làm cho bổ mà không nê trệ ở vị. Cam thảo ích khí bổ trung, điều hòa các vị thuốc.

Bài thuốc bổ Tâm và Tỳ, được chúng tôi áp dụng trong một số trường hợp vô sinh - hiếm muộn có hiệu quả.

BS Nguyễn Phú Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vien-chi-bo-than-an-than.html