Viện cớ lạm phát để tăng giá, các công ty Mỹ đang bóp méo thị trường
Các công ty lớn của Mỹ có xu hướng sử dụng thời kỳ lạm phát gia tăng để tăng tỷ suất lợi nhuận của họ. Việc có ít đối thủ cạnh tranh hơn trong một ngành khiến các công ty càng dễ tăng giá.
Giá tiêu dùng trên thế giới đang tăng, nhưng lợi nhuận của các công ty còn tăng nhanh hơn.
The Wall Street Journal đưa tin, các công ty lớn tại Mỹ có xu hướng cố gắng tăng tỷ suất lợi nhuận trong thời kỳ lạm phát tăng cao, và bây giờ cũng không khác gì. Ảnh: Getty Images.
Nhà bán lẻ tạp hóa lớn nhất nước Mỹ Walmart đã công bố kết quả tài chính quý 3 vào sáng thứ 3 vừa qua, với thu nhập tốt hơn mong đợi một phần bằng cách tăng giá với những người mua sắm, nhiều công ty lớn khác cũng đã dành các cuộc gọi hàng quý gần đây của họ để khoe khoang với các nhà đầu tư về khả năng tăng giá hàng hóa của họ đối với người tiêu dùng.
CEO Noel Wallace của Colgate-Palmolive cho biết: “Điều chúng tôi rất giỏi là định giá. Cho dù đó là lạm phát ngoại hối hay lạm phát nguyên liệu và vật liệu đóng gói, chúng tôi đã tìm ra cách để khôi phục điều đó trong dòng tiền của mình.”
Giám đốc tài chính của Kroger, Gary Millerchip cho biết vào tháng 10 rằng: “Chúng tôi rất thoải mái với khả năng của mình để vượt qua những sự gia tăng giá mà chúng tôi đã thấy vào thời điểm này. Và chúng tôi hy vọng điều đó sẽ tiếp tục như vậy.”
The Wall Street Journal đưa tin, các công ty lớn tại Mỹ có xu hướng cố gắng tăng tỷ suất lợi nhuận trong thời kỳ lạm phát tăng cao, và bây giờ cũng không khác gì.
Theo dữ liệu của FactSet, khoảng 2/3 các công ty giao dịch công khai lớn nhất của Mỹ đã báo cáo lợi nhuận năm nay tốt hơn so với cùng kỳ năm 2019. Gần 100 trong số đó hoạt động tốt hơn ít nhất 50% trong năm nay so với năm 2019.
Cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ Robert Reich gọi hiện tượng này là một “triệu chứng” của “sự tập trung kinh tế trong nền kinh tế Mỹ vào tay một số ít tập đoàn khổng lồ có quyền tăng giá.”
Reich nói, lạm phát có thể là một vấn đề đối với người tiêu dùng, nhưng vấn đề lớn hơn là nó hoàn toàn thiếu tính cạnh tranh.
Ông nói: “Các công ty đang lấy cớ lạm phát để tăng giá và tạo ra lợi nhuận cao hơn cho mình.”
Các ngành công nghiệp của Mỹ đã tập trung hơn đáng kể trong những thập kỷ gần đây, làm giảm số lượng các đối thủ cạnh tranh trên thị trường và tăng khả năng đẩy giá sản phẩm lên cao cho các công ty.
Lợi nhuận trước thuế của các công ty tính trên tổng sản lượng của Mỹ cũng đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm là 13,5% trong quý thứ hai, có nghĩa là các công ty đang chiếm một phần lớn hơn trên miếng bánh kinh tế. Và con số đó đang có xu hướng cao hơn.
Chẳng hạn, các công ty hàng tiêu dùng khổng lồ Unilever, Proctor and Gamble và Colgate-Palmolive có danh mục đầu tư của các thương hiệu bán sản phẩm tương tự tương tự nhau và đều báo cáo lợi nhuận được cải thiện từ việc định giá sản phẩm cao hơn trong quý thứ ba. Coca-Cola và PepsiCo cũng đồng loạt tăng giá sản phẩm của mình.
Điều này không có nghĩa là có sự định giá bất hợp pháp đang diễn ra, nhưng việc có quá ít đối thủ trong thị trường cũng khiến các công ty dễ dàng thực hiện theo các chiến lược tương tự hơn rất nhiều.
Ngay cả ngành công nghiệp ô tô, vốn có tính cạnh tranh khá cao so với các ngành hàng tiêu dùng khác, hiện cũng đang điều hướng giá cho riêng mình.
Nhu cầu cao và nguồn cung thấp đã cho phép hầu hết các công ty tăng lợi nhuận bằng cách giảm giá ít hơn - một động thái mà các nhà sản xuất ô tô đã muốn làm trong nhiều thập kỷ - nhưng ngay thời điểm mà một công ty bắt đầu điều hướng mức giá để chiếm thị phần thì những công ty khác cũng sẽ sớm phải đối mặt với áp lực phải làm theo.
Chi phí đầu vào thực sự đang khiến các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ trở nên đắt đỏ hơn, nhưng lợi nhuận cao mà các công ty đang thu về cho thấy họ đang hoạt động tốt trong khi người tiêu dùng ngày càng thấy sức mua của họ bị sụt giảm
Theo Reich, cách khắc phục hiện tượng này một cách hiệu quả chính là sử dụng tích cực luật “chống độc quyền đối với các doanh nghiệp.”
Huy Hoàng (Theo Business Insider)