Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô: Nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng cao

Những năm qua, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô luôn quan tâm chú trọng vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, với nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao.

Từng bước thay thế hàng nhập khẩu

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, Tiến sĩ Cao Văn Sơn, Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian qua, Viện đã nghiên cứu được một loạt các công nghệ mới, sản phẩm mới có khả năng ứng dụng cao, đem lại hiệu quả thiết thực cho Viện cũng như cho các doanh nghiệp trong ngành.

Dây chuyền sản xuất thực nghiệm của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Dây chuyền sản xuất thực nghiệm của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Dẫn chứng cụ thể, Tiến sĩ Cao Văn Sơn nêu, Viện đã nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất giấy in, giấy vẽ khối lượng riêng thấp. Công nghệ đã được áp dụng triển khai sản xuất thương mại trên dây chuyền sản xuất tại xưởng thực nghiệm của Viện với sản lượng trên 300 tấn/năm.

Ngoài ra, công nghệ đã được chuyển giao cho 2 doanh nghiệp: Công ty CP Giấy Vạn Điểm, Công ty CP Giấy Việt Thắng… Đến nay, sản phẩm giấy in, giấy vẽ khối lượng riêng thấp được cung cấp với khối lượng hàng ngàn tấn/tháng, thay thế hàng nhập khẩu (từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).

Bên cạnh đó, đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, cải tạo dây chuyền thiết bị để sản xuất giấy bao gói thực phẩm dạng khô công suất 3 tấn/ngày trên cơ sở dây chuyền sản xuất thực nghiệm của Viện.

Sản phẩm giấy bao gói thực phẩm khô được sản xuất lần đầu tiên tại Việt Nam, chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc nhưng giá thành chỉ bằng 2/3 giá sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Sản phẩm giấy bao gói thực phẩm khô được sử dụng nhiều trong bao gói các thực phẩm có dính dầu mỡ có nguồn gốc thực vật và động vật.

Viện cũng đã nghiên cứu và làm chủ được công nghệ giấy in nhiệt, chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, đồng thời, chuyển giao công nghệ cho một nhà máy tại Nam Định; nghiên cứu sử dụng nấm mục trắng để sản xuất bột giấy sinh học từ rơm rạ và bã mía; nghiên cứu công nghệ sản xuất giấy làm lớp dán mặt ngoài trên lớp vải nhựa PP/PE của bao bì xi măng; ứng dụng chế phẩm sinh học thương phẩm để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh nguyên liệu giấy trên quy mô công nghiệp.

Ngoài ra, đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ chế tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn - xạ khuẩn chịu nhiệt và ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy tissue. Việc ứng dụng chế phẩm đã làm giảm khoảng 30% năng lượng trong giai đoạn nghiền. Chế phẩm này đã được đăng ký sở hữu trí tuệ.

Gắn nghiên cứu với thực tiễn

Để có được kết quả nói trên, Viện Công nghiệp giấy và Xenluylô đã bám sát mục tiêu: Đẩy mạnh và phát huy hơn nữa hoạt động khoa học và công nghệ, lấy khoa học và công nghệ làm mục tiêu then chốt, lấy ứng dụng, triển khai chuyển giao khoa học và công nghệ làm động lực và nền tảng phát triển.

Kết quả hoạt động thời gian qua đã chứng minh năng lực của Viện, hoàn thành tốt sứ mệnh là đơn vị nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực công nghiệp giấy Việt Nam.

Ngành giấy Việt Nam dự báo vẫn có mức tăng trưởng cao trong thời gian tới

Ngành giấy Việt Nam dự báo vẫn có mức tăng trưởng cao trong thời gian tới

Theo Tiến sĩ Cao Văn Sơn, bên cạnh sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, dự án sản xuất, Viện cũng đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, nâng cao năng lực thử nghiệm và giám định các sản phẩm về giấy, bột giấy, nguyên liệu sản xuất giấy và các sản phẩm liên quan của Viện.

Viện đã xây dựng được 1 phòng thử nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 về lĩnh vực giấy, bột giấy và các sản phẩm có liên quan; 1 phòng giám định đạt chuẩn ISO/IEC 17020:2012 về lĩnh vực giấy, bột giấy, giấy loại và nguyên liệu gỗ, dăm mảnh gỗ, vật tư hóa chất ngành giấy… Đồng thời, đã được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm, giám định đối với sản phẩm giấy, bột giấy và các sản phẩm liên quan.

Tiến sĩ Cao Văn Sơn cho rằng, trong giai đoạn 2025 -2030, ngành giấy Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng cao, chủ yếu là các sản phẩm bột giấy tẩy trắng, giấy bao bì, giấy tissue, giấy kỹ thuật.. Đặc biệt, nhu cầu về giấy bao bì của các ngành nông nghiệp, thủy sản, may mặc, giày da… ngày một nhiều. Việc hạn chế rác thải nhựa, túi nilon, nhựa dùng một lần cũng thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm giấy để thay thế.

Vì vậy, các hoạt động khoa học và công nghệ của Viện vẫn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Hoàn thiện và từng bước chuyển giao công nghệ sản xuất, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm giấy đặc biệt đã nghiên cứu được. Tiếp tục tìm kiếm công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất các dòng sản phẩm giấy đặc biệt khác phục vụ cho ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, y tế, an ninh quốc phòng.

Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất bột giấy, sản xuất giấy nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, hướng đến các công nghệ sản xuất xanh, sạch, sản xuất tuần hoàn. Trong đó, tập trung chú trọng phát triển một số chế phẩm nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết của ngành giấy (đặc biệt là sản xuất giấy bao bì công nghiệp).

Đồng thời, tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới cho sản xuất giấy, nhất là nguồn nguyên liệu phi gỗ, phế phụ phẩm ngành nông nghiệp. Nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật về công nghệ thu hồi, tận thu và tái sử dụng các sản phẩm phụ, các chất thải của quá trình sản xuất bột giấy và giấy để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao; các giải pháp công nghệ giảm thải tại nguồn, giảm khối lượng chất thải phải xử lý; ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học trong xử lý nước thải ngành giấy, trong đó chú trọng nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm vi sinh để xử lý nhằm giảm tải lượng hóa chất sử dụng…

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã nhận được nhiều danh hiệu: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bằng khen của Đảng ủy khối công nghiệp Hà Nội và nhiều phần thưởng cao quý do nhà nước, Bộ Công Thương trao tặng.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vien-cong-nghiep-giay-va-xenluylo-nhieu-nghien-cuu-co-tinh-ung-dung-cao-388067.html