Viện kháng nghị nhưng tòa không chấp nhận

Các bị cáo Hoan, Bình và Tân (từ trái qua phải) tại phiên xử phúc thẩm

Cho rằng cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo quá nhẹ, chưa đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa nên Viện KSND cấp cao kháng nghị đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy án sơ thẩm để điều tra lại cũng như tăng hình phạt đối với các bị cáo. Thế nhưng, xử phúc thẩm, tòa không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND…

Cố ý làm trái, 3 bị cáo lãnh án

Theo hồ sơ vụ án, ngày 15/10/2007, Võ Tân (nguyên Giám đốc Công ty CP Công nghiệp nông thủy sản Phú Yên) ký tờ trình xin Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cho chủ trương đầu tư xây dựng đội tàu gồm: 2 tàu 6800T và 2 tàu 4000T. Đến ngày 22/10/2007, Vinashin cho phép Công ty CP Công nghiệp nông thủy sản Phú Yên lập dự án đầu tư đóng mới 2 tàu 4000DWT.

Tuy nhiên, mới chỉ được Vinashin cho phép lập dự án, nhưng trong ngày 22/10/2007, Võ Tân lập tờ trình xin khởi công, thực hiện đóng 2 tàu 4000DWT và được Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin bút phê “đồng ý”, dù dự án này chưa được phê duyệt và thẩm định. Được sự đồng ý của Phạm Thanh Bình, Võ Tân và Dương Sơn Hoan (nguyên Kế toán trưởng Công ty CP Công nghiệp nông thủy sản Phú Yên) ký 2 hợp đồng kinh tế mua thép để đóng tàu, nhưng do dự án đóng 2 tàu 4000DWT không được hoàn chỉnh hồ sơ để trình Tập đoàn Vinashin phê duyệt nên phải dừng thi công.

Trước đó, Công ty CP Công nghiệp nông thủy sản Phú Yên vay vốn mua sắt thép, tiến hành xuất vật tư đóng 1 tàu 4.100 tấn, nhưng đến tháng 10/2008 thì dừng thi công. Tổng giá trị khối lượng vật tư, nhân công và chi phí chung đã đầu tư đóng tàu là hơn 9,6 tỉ đồng. Đến ngày 22/6/2012, Công ty CP Công nghiệp nông thủy sản Phú Yên bán thanh lý tàu này, gây thiệt hại hơn 5,1 tỉ đồng.

Ngày 11/7/2017, Viện KSND tỉnh truy tố Phạm Thanh Bình, Võ Tân, Dương Sơn Hoan về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đến tháng 5/2018, xử sơ thẩm, TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Bình 3 năm tù giam, tổng hợp với hình phạt 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Bình phải chấp hành hình phạt chung là 23 năm tù; Võ Tân 3 năm tù cho hưởng án treo và Dương Sơn Hoan 2 năm tù cho hưởng án treo cùng về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc 3 bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường hơn 5,1 tỉ đồng cho Công ty CP Công nghiệp nông thủy sản Phú Yên.

Tòa không chấp nhận kháng nghị

Sau khi án sơ thẩm được tuyên, ngày 1/6/2018, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng đã kháng nghị phúc thẩm. Theo đó, viện đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Đồng thời tăng hình phạt đối với các bị cáo Bình, Tân, Hoan và không cho bị cáo Tân và Hoan hưởng án treo; xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Huỳnh Văn Chín (Phó Giám đốc Nhà máy đóng tàu Phú Yên) và ông Đặng Văn Cảnh (Phó Giám đốc Công ty CP Công nghiệp nông thủy sản Phú Yên).

Viện KSND cấp cao cho rằng bản án sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Bình, Tân và Hoan về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm tuyên xử các bị cáo nhẹ. Ngoài ra, bản án sơ thẩm không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các ông Huỳnh Văn Chín và Đặng Văn Cảnh là bỏ lọt tội phạm.

Mới đây, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã xử phúc thẩm. Tại phiên xử, Viện KSND cấp cao vẫn giữ nguyên quyết định kháng nghị. Theo nhận định của hội đồng xét xử phúc thẩm, các bị cáo Bình, Tân và Hoan có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng, tác động gia đình khắc phục hậu quả… nên mức án mà các bị cáo này nhận ở cấp sơ thẩm cũng đủ răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

Ông Huỳnh Văn Chín có hành vi giúp Võ Tân trong việc chọn đơn vị mua thép, ký hợp đồng mua vật tư và theo dõi nhập, xuất vật tư đóng tàu. Ông Đặng Văn Cảnh biết dự án chưa có quyết định phê duyệt và được Tân quán triệt là dự án đã được lãnh đạo Tập đoàn Vinashin cho chủ trương thi công đóng tàu, là người thực hiện giai đoạn sau theo sự chỉ đạo của Võ Tân. Xét tính chất và mức độ, động cơ và mục đích sai phạm, cơ quan an ninh điều tra đã xem xét phân hóa và không xử lý hình sự nên không có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Vì các lẽ trên, cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng và vẫn giữ nguyên phán quyết của cấp sơ thẩm.

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/229498/vien-khang-nghi-nhung-toa-khong-chap-nhan.html