Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Xác định và thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm đột phá để hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu công tác

Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, ngày 15/7/1960 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã thông qua Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND). Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20- LCT công bố Luật Tổ chức VKSND. Luật Tổ chức VKSND năm 1960 đã quy định VKSND có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố nhà nước, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Luật Tổ chức VKSND năm 1960 là cơ sở pháp lý quan trọng đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan VKSND trong bộ máy Nhà nước ta và kể từ đó, ngày 26/7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân (KSND).

* TS. TRẦN HƯNG BÌNH, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị

Trải qua 61 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức ở Trung ương và địa phương, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, các thế hệ cán bộ ngành KSND đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành, luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức trong sáng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Là cơ quan thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát các cấp đã góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, tội phạm, đồng thời bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan tư pháp tuân thủ đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ kiểm sát ngày càng tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành KSND Việt Nam, như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Truyền thống nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ Nhân dân”.

Trải qua 61 năm, ngành KSND trưởng thành về mọi mặt, có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nên đã vinh dự hai lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 1985 và năm 1990; được tặng thưởng Huân chương Sao vàng năm 2010; được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2015, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2020. Nhiều tập thể, cá nhân trong ngành đã được Đảng, Nhà nước và ngành KSND tặng thưởng những danh hiệu, phần thưởng cao quý. Niềm tự hào và vinh quang đó mãi mãi thuộc về các thế hệ cán bộ, kiểm sát viên, công chức, viên chức và người lao động qua các thời kỳ của ngành KSND.

Ngành KSND tỉnh Quảng Trị được thành lập sau khi tỉnh được lập lại và sớm đi vào triển khai hoạt động. Ngành KSND tỉnh đã có nhiều cố gắng nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, thử thách, quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát trên các lĩnh vực ngày càng được nâng lên, đội ngũ cán bộ kiểm sát ngày càng lớn mạnh. Đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh cải cách tư pháp, với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong từng khâu công tác, đưa các yêu cầu của cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật về tư pháp vào thực tiễn cuộc sống, ngành KSND tỉnh đã xác định, thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm đột phá và đạt được những thành tích quan trọng.

Nổi bật là trong lĩnh vực thực hành hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, VKSND hai cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan phát hiện, khởi tố, điều tra, đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, nhất là các vụ án lớn, dư luận quan tâm, các vụ án thuộc diện Thường trực cấp ủy theo dõi, chỉ đạo. VKSND hai cấp triển khai đồng bộ các giải pháp công tác để tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.

Công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp được tiến hành chủ động, thường xuyên và đạt kết quả tốt trên các lĩnh vực kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp. Thông qua hoạt động kiểm sát đã kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu các cơ quan khắc phục, sửa chữa vi phạm, đã góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

 Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên xét xử của Tòa án - Ảnh: H.N.K

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên xét xử của Tòa án - Ảnh: H.N.K

Qua hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND hai cấp tăng cường công tác phát hiện vi phạm, sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý của cơ quan, tổ chức là nguyên nhân, điều kiện của vi phạm, tội phạm để kiến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Đây cũng là cơ sở để VKSND hai cấp tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm.

VKSND hai cấp thực hiện tốt vai trò đầu mối, vị trí trung tâm trong công tác phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đặc biệt, đã chủ động tham mưu với cấp ủy chỉ đạo xử lý kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật nhiều vụ việc phức tạp, kêu oan, dư luận xã hội quan tâm, khiếu kiện bức xúc, kéo dài.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, Ban Cán sự đảng VKSND tỉnh, cấp ủy, lãnh đạo VKSND hai cấp đã chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền những vấn đề quan trọng liên quan đến nhiệm vụ được giao. Có thể kể đến đó là: Ban Cán sự đảng VKSND tỉnh chủ động đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 5/4/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc triển khai thi hành các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp. VKSND hai cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Huyện ủy và Ban Nội chính Tỉnh ủy đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo xử lý nhiều vụ, việc phức tạp; tham mưu giải quyết, kết luận kiểm tra một số vụ án được dư luận xã hội quan tâm, các đơn khiếu nại phức tạp, kéo dài... Từ thực trạng khiếu nại, khiếu kiện hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường khi nhà nước thu hồi đất hiện nay, Ban Cán sự đảng VKSND tỉnh đã chủ động đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị “Về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, giải phóng mặt bằng” và đã được Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng VKSND tỉnh và các cơ quan có liên quan xây dựng chỉ thị. Hy vọng sau khi chỉ thị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và việc tổ chức thực hiện có hiệu quả sẽ góp phần khắc phục, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc ban hành, thực hiện các quyết định hành chính và giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện hành chính có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường khi nhà nước thu hồi đất đảm bảo lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành được đặc biệt chú trọng và đã đạt nhiều kết quả tích cực; đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII; tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng trong toàn ngành KSND tỉnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” do VKSND tối cao phát động, gắn với việc học tập và làm theo lời Bác dạy đối với cán bộ kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Xây dựng đầy đủ các quy chế, quy định, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, tiếp tục thực hiện những giải pháp đổi mới căn bản trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm chủ động tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, VKSND hai cấp đã hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; tích cực thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân đạo, từ thiện, chia sẻ với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có thể kể đến các mô hình, việc làm, như: Đoàn Thanh niên và Công đoàn cơ quan VKSND tỉnh phối hợp duy trì thường xuyên “Nồi cháo tình thương” tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh; VKSND hai cấp huy động sự đóng góp của công chức để tặng quà cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa; hằng năm có hàng chục lượt công chức, người lao động tham gia hiến máu tự nguyện… Đặc biệt, trong đợt xảy ra COVID-19, ngoài triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại cơ quan, VKSND hai cấp đã huy động sự đóng góp của công chức, người lao động nhằm chung sức phòng, chống dịch bệnh. Trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, ngành KSND tỉnh và nhiều cá nhân là công chức trong ngành đã kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đối với người dân địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

Có thể khẳng định, với quyết tâm cao và việc xác định đúng đắn các nhiệm vụ trọng tâm đột phá, ngành KSND tỉnh đã hoàn thành tốt các yêu cầu cải cách tư pháp của Đảng, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao. Những thành tích và kết quả đó đã góp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tự hào, phấn khởi với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, nhưng ngành KSND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, so với yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, yêu cầu cải cách tư pháp và chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp và Luật Tổ chức VKSND quy định thì hoạt động kiểm sát của VKSND hai cấp còn có những hạn chế nhất định cần phải khắc phục để đáp ứng yêu cầu.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm sẽ còn diễn biến phức tạp. Trước tình hình và nhiệm vụ mới, ngành KSND tỉnh xác định tổ chức và triển khai thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm đột phá là: “Tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự; kiểm sát chặt chẽ các quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự, để chống oan sai, bỏ lọt tội phạm”; “Nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, tham mưu cấp ủy địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai” và “Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đột phá nêu trên và phấn đấu hoàn thành đạt, vượt các chỉ tiêu công tác, toàn ngành KSND tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, trách nhiệm to lớn của ngành Kiểm sát trong tình hình mới; phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh của ngành Kiểm sát trong sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta.

Thứ hai, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động thực hiện chức năng, bám sát các yêu cầu cải cách tư pháp và nhiệm vụ chính trị của địa phương để xác định nhiệm vụ trọng tâm và triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm môi trường lành mạnh để phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

VKSND hai cấp phải tập trung thực hiện tốt hơn nữa chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, nhất là với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm minh các loại tội phạm, không để xảy ra việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan sai. Chú trọng công tác phòng ngừa tội phạm và chủ động tham mưu cấp ủy đảng và chính quyền đề ra các biện pháp tích cực đấu tranh, phòng, chống tội phạm có kết quả. Quán triệt công tác kiểm sát là công tác chính trị, công tác kiểm sát phải phục vụ nhiệm vụ chính trị. Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải dựa trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, căn cứ vào pháp luật, nhiệm vụ chính trị của địa phương để xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành, của đơn vị; gắn nhiệm vụ bảo vệ pháp chế với nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, có trình độ, năng lực, dũng cảm đấu tranh bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Trước yêu cầu của cải cách tư pháp, VKSND hai cấp phải coi nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát theo 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” và thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” là vấn đề cốt lõi của công tác cán bộ.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng trong ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động kiểm sát. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ công tác.

Thứ năm, chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước, trước hết là các cơ quan bảo vệ pháp luật và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định trong việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ sáu, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phải dựa vào Nhân dân, chịu sự giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể khác. Hoạt động của Viện kiểm sát phải tranh thủ sự ủng hộ của Nhân dân, quan tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các tổ chức, đoàn thể và sự ủng hộ của Nhân dân, với kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang 61 năm xây dựng và trưởng thành của ngành KSND Việt Nam, toàn thể cán bộ, công chức, người lao động ngành KSND tỉnh Quảng Trị tiếp tục đoàn kết phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=159316&title=vien-kiem-sat-nhan-dan-tinh-xac-dinh-va-thuc-hien-nhung-nhiem-vu-trong-tam-dot-pha-de-hoan-thanh-xuat-sac-cac-chi-tieu-cong-tac