Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên (KSV) vững mạnh để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên (KSV) vững mạnh để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Viện KSND tỉnh kiểm sát việc tiêu hủy vật chứng trong vụ án hình sự về ma túy.

Đồng chí Nguyễn Văn Hậu, TUV, Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết: “Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người cán bộ kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, tập thể cán bộ, KSV ngành KSND tỉnh luôn xác định phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện tác phong, đạo đức, đổi mới tổ chức để đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Đây là khâu đột phá để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao khi tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng; các khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động gia tăng cả về số vụ và tính chất phức tạp”. Thực hiện khâu đột phá này, Viện KSND tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ KSV 2 cấp kiểm sát trong tỉnh; chủ động, có định hướng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, khắc phục tình trạng coi nhẹ việc học tập nâng cao trình độ, có biểu hiện sao nhãng công việc, ít nghiên cứu chuyên môn. Qua đó trình độ chuyên môn của đội ngũ KSV ngày càng được nâng cao, tổ chức bộ máy Viện KSND 2 cấp trong tỉnh hoạt động hiệu quả, thích ứng tốt với định hướng cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Hàng năm, Viện KSND tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, KSV; thực hiện nghiêm túc chế độ bồi dưỡng bắt buộc đối với mỗi công chức ít nhất 5 ngày/năm; gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch cán bộ. Đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức mới; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Từ năm 2016 đến nay, Viện KSND 2 cấp trong tỉnh đã cử 15 KSV đào tạo thạc sĩ Luật, 17 KSV học Cao cấp lý luận chính trị, 30 KSV học Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 240 lượt công chức đi bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, lãnh đạo, quản lý và chuyên môn nghiệp vụ do Viện KSND tối cao tổ chức. Bên cạnh đó, Viện KSND 2 cấp trong tỉnh tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ tại chỗ cho đội ngũ cán bộ, công chức thông qua các hình thức: Phân công KSV có năng lực, kinh nghiệm hướng dẫn KSV, kiểm tra viên ngạch thấp hơn hoặc mới được bổ nhiệm; tăng cường công tác điều động luân chuyển; triển khai các chuyên đề nghiệp vụ, sáng kiến kinh nghiệm; xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra đối với 100% số KSV, kiểm tra viên, chuyên viên trong việc thực hiện các quy định, quy chế công tác nghiệp vụ. Qua đó đã tạo phong trào tự nghiên cứu, học tập sôi nổi trong toàn ngành, góp phần thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động công vụ. Đặc biệt, thực hiện chủ trương “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa” theo yêu cầu cải cách tư pháp, Viện KSND 2 cấp trong tỉnh đã phối hợp với TAND 2 cấp tổ chức các phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính để rút kinh nghiệm về kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa. Từ đầu năm 2021 đến nay, Viện KSND 2 cấp đã phối hợp với TAND 2 cấp trong tỉnh tổ chức 175 phiên tòa rút kinh nghiệm; trong đó có 135 phiên tòa hình sự và 40 phiên tòa dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại. Các vụ án được xây dựng để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đều xảy ra phổ biến ở địa phương, đa dạng người tham gia tố tụng, có luật sư bào chữa cho bị cáo, có người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đương sự, dự kiến vụ án có nhiều tình tiết cần phải tranh tụng, làm rõ tại phiên tòa... Do đó ngay sau mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm, lãnh đạo các đơn vị đã họp, đánh giá ưu điểm, hạn chế của KSV khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa như tác phong, kỹ năng xét hỏi, tranh tụng, lập luận… Qua đó giúp KSV tự kiểm điểm lại quá trình tác nghiệp để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Bên cạnh đó, thông qua phiên tòa rút kinh nghiệm, lãnh đạo các đơn vị có căn cứ đánh giá đúng ưu điểm, hạn chế của từng KSV, từ đó phân công cán bộ, KSV phù hợp với từng phiên tòa và có hướng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Cùng với các biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, Viện KSND 2 cấp trong tỉnh luôn gắn việc rèn luyện cán bộ, KSV với khen thưởng, động viên kịp thời cả về vật chất và tinh thần đối với những cán bộ, KSV có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác nên đã tạo được động lực phấn đấu, rèn luyện trong toàn lực lượng.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, rèn luyện kỷ luật công vụ, đội ngũ cán bộ, KSV Viện KSND 2 cấp trong tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng với phẩm chất cao quý của người KSV “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương, trách nhiệm”. Đồng thời thực hiện tốt quyền năng pháp lý trong kiểm sát hoạt động tư pháp, kịp thời phát hiện vi phạm để tham mưu với cấp trên ban hành nhiều văn bản yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, tạm giữ, tạm giam, thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị về biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng ngành Kiểm sát tỉnh đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng so với kế hoạch đề ra như: Tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 95%, bắt giữ chuyển khởi tố hình sự đạt 99,3%, án do Viện Kiểm sát giải quyết đạt 97%. Quá trình giải quyết án không có oan sai, đảm bảo đúng thời hạn quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Các khâu công tác khác như: kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự - hành chính…; kiểm sát thi hành án dân sự; giải quyết đơn thuộc trách nhiệm của ngành và kiểm sát đơn trong hoạt động tư pháp đều đạt 100% chỉ tiêu đề ra./.

Bài và ảnh: Văn Trọng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202110/vien-kiem-sat-nhan-dan-tinh-xay-dung-nguon-nhan-luc-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap-2546988/