Viện kiểm sát xác định thiệt hại của vụ giao 'đất vàng' đường Lê Duẩn là 1.927 tỷ đồng
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao cho rằng, thiệt hại của vụ án là 1.927 tỷ đồng chứ không phải 252 tỷ như tòa xác định.
Ngày 29/11, Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vụ án sai phạm giao, cho thuê đất 8 - 12 Lê Duẩn (Quận 1, TP.HCM) đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM), bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (cựu Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Lavenue - gọi tắt Công ty Lavenue) và 3 đồng phạm khác.
Trong bản án sơ thẩm, sai phạm cho thuê, giao “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn (Quận 1) từ sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại nhà nước hơn 252 tỷ đồng.
Sau đó, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) TP.HCM kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, cho rằng thiệt hại của vụ án là 1.927 tỷ đồng chứ không phải 252 tỷ như tòa xác định. Đồng thời viện kiểm sát cho rằng Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM góp 157 tỷ đồng vào Công ty Lavenue nên cần thu hồi đủ số tiền này.
Trong phiên xét xử phúc thẩm chiều nay (29/11), đại diện VKS cấp cao phát biểu quan điểm, khẳng định án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM nêu quan điểm tại phiên phúc thẩm
Theo VKS, bị cáo Nguyễn Thành Tài và 3 bị cáo cấp dưới có hành vi tham gia soạn thảo, ký nháy đề xuất và ký ban hành các công văn, quyết định có ý nghĩa trong việc cho Công ty Lavenue (trong đó Công ty Hoa Tháng Năm chiếm 30% vốn góp) được giao, thuê khu đất 8 - 12 Lê Duẩn thực hiện dự án khách sạn cao cấp - trung tâm thương mại theo hình thức chỉ định, không qua đấu giá quyền sử dụng đất; quyết định áp dụng 2 hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng một dự án và cho thanh lý số nhà 12 Lê Duẩn không bán đấu giá tài sản trên đất.
Đối với bị cáo Lê Thị Thanh Thúy, VKS đánh giá bị cáo biết rõ dự án 8 - 12 Lê Duẩn là một trong những dự án trọng điểm, nằm tại vị trí đắc địa ở trung tâm TP.HCM, nên đã thành lập Công ty Hoa Tháng Năm nhằm mục đích tham gia dự án.
Đại diện VKS cho rằng, bị cáo Thúy không thừa nhận tội danh nhưng bị cáo Nguyễn Thành Tài thừa nhận do mối quan hệ quen biết nên bị cáo Tài đã nhanh chóng ký các văn bản để Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án.
Kể từ thời điểm chuyển dịch quyền quản lý, quyền sử dụng đất nhà nước trái pháp luật cho đến khi tội phạm bị ngăn chặn, bị phát hiện khởi tố là khoảng thời gian tội phạm đã gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước. Vì vậy, thiệt hại phải tính đến thời điểm cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, tức vào năm 2018 với số tiền 1.927 tỷ đồng.
Đồng thời viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên trả toàn bộ số tiền 157 tỷ đồng mà Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM đã góp vốn vào Công ty Lavenue cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM.
Bên cạnh đó, đối với các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, VKS ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ mà các bị cáo cung cấp, nhưng theo VKS án sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo dưới khung hình phạt nên không có cơ sở xem xét giảm nhẹ thêm.
Từ đó, VKS cấp cao đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo trong vụ án, đề nghị chấp nhận kháng nghị của viện trưởng VKS nhân dân TP.HCM.
Theo hồ sơ vụ án, Công ty Lavenue đã nộp hơn 647 tỷ đồng/785 tỷ đồng vốn góp để thực hiện nghĩa vụ tài chính với khu đất 8 - 12 Lê Duẩn. Từ đó, theo HĐXX sơ thẩm, vật chứng là hơn 631,3 tỷ đồng, không bao gồm 300 triệu đồng tiền phá dỡ nhà 12 Lê Duẩn và gần 16 tỷ đồng trị giá công trình trên đất nhà số 8 Lê Duẩn là nghĩa vụ tài chính Công ty Lavenue đã nộp vào ngân sách nhà nước khi nhận giao, cho thuê khu đất 8 - 12 Lê Duẩn thực hiện dự án.
Vì vậy, về xử lý vật chứng, cấp sơ thẩm tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước hơn 189,4 tỷ đồng của Công ty Hoa Tháng Năm, vì tiền này sử dụng vào việc phạm tội.
Đối với phần vốn góp của Công ty quản lý kinh doanh nhà, Công ty Kido là tài sản của pháp nhân, pháp nhân không biết việc phạm tội của các bị cáo nên cần trả lại cho chủ sở hữu theo luật định. Từ đó, HĐXX tuyên trả lại 126 tỷ đồng cho Công ty Lavenue và công ty này có nghĩa vụ hoàn trả lại 126 tỷ đồng này cho Công ty quản lý kinh doanh nhà; trả lại 315,6 tỷ đồng cho Công ty Kido.
Song, Viện KSND TP.HCM kháng nghị, phân tích HĐXX sơ thẩm chỉ căn cứ vào số tiền mà Công ty Lavenue đã nộp vào ngân sách tương ứng với phần vốn góp của Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM để thu hồi số tiền 126 tỷ đồng, là đã gây thiệt hại cho tài sản nhà nước hơn 30 tỷ đồng.
Đối với thiệt hại của vụ án, Viện KSND TP.HCM kháng nghị cho rằng, thiệt hại phải tính đến thời điểm cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, tức vào năm 2018 với số tiền hơn 1.927 tỷ đồng. Trong HĐXX sơ thẩm xác định, thiệt hại là hơn 252 tỷ đồng, tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.