Viện Kỹ thuật quân sự trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Chiến thắng 30-4-1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội. Làm nên chiến thắng vĩ đại ấy, có sự đóng góp của Viện Kỹ thuật quân sự (KTQS), nay là Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quân sự (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam).

Làm “sống lại” mạng viễn thông hiện đại

Chúng tôi gặp Thiếu tướng, PGS, TS Bùi Huy Hoàng, nguyên Phó giám đốc Viện KH&CN quân sự sau khi ông vinh dự được tham dự buổi gặp mặt của Tổng Bí thư Tô Lâm với đại biểu tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, điệp báo, biệt động Sài Gòn, du kích, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được tổ chức tại Thành phố mang tên Bác.

Thiếu tướng, PGS, TS Bùi Huy Hoàng xúc động chia sẻ: “Viện KH&CN quân sự có 3 cán bộ cấp tướng từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh là Thiếu tướng, GS, TS Trần Thức Vân, nguyên Giám đốc; Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, nguyên Phó giám đốc và tôi. Thiếu tướng Trần Thức Vân đã mất; Thiếu tướng Phạm Sơn Dương vì lý do sức khỏe không thể đến dự. Vì thế, hôm nay chỉ có tôi…”.

Sự vắng mặt của những người đồng đội từng một thời cùng nhau “vào sinh ra tử” trong buổi gặp mặt đặc biệt khiến vị tướng già không khỏi nghẹn ngào. Ký ức về những ngày các cán bộ của Viện KTQS hăng hái tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh với tâm niệm “cứ có lệnh là lên đường, không sợ gian khổ, hy sinh” cứ ùa về trong tâm trí ông.

Thiếu tướng, PGS, TS Bùi Huy Hoàng. Ảnh: VIỆT PHÚ

Thiếu tướng, PGS, TS Bùi Huy Hoàng. Ảnh: VIỆT PHÚ

Ngay sau khi Đà Nẵng được giải phóng ngày 29-3-1975, theo lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, Đại tá Hoàng Đình Phu, Viện trưởng Viện KTQS cử đoàn cán bộ do Đại úy, Phó tiến sĩ Trần Thức Vân, Phân viện trưởng Phân viện Điện tử, Viện KTQS (sau này là Thiếu tướng, GS, TS, Giám đốc Viện KH&CN quân sự) làm trưởng đoàn, vào Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam để tiếp quản, khai thác, sử dụng hệ thống trang bị kỹ thuật do địch bỏ lại.

Thành viên đoàn công tác gồm các đồng chí cán bộ nghiên cứu của Phân viện Điện tử: Thượng úy Nguyễn Quang Trạch, Thiếu úy Bùi Huy Hoàng, Thiếu úy Phạm Sơn Dương, Thiếu úy Trần Hùng, Thiếu úy Nguyễn Minh Song… Trung tướng Trần Sâm, Phó tổng Tham mưu trưởng (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đi cùng đoàn công tác.

“Máy bay YAK- 40 chở đoàn công tác từ sân bay Gia Lâm vào Đà Nẵng. Đến sân bay Đà Nẵng, trước mắt chúng tôi là ngổn ngang xác máy bay, ô tô. Thủ trưởng Trần Sâm lên xe của Quân khu 5 đi kiểm tra sân bay, còn chúng tôi nhanh chóng lên bán đảo Sơn Trà để tiếp quản trạm thông tin viễn thông ICS của địch”, Thiếu tướng, PGS, TS Bùi Huy Hoàng hồi tưởng.

Địch thua chạy bỏ lại nhiều trang bị kỹ thuật rất hiện đại vào thời điểm đó, trong đó có các trạm thông tin viễn thông ICS, các tổng đài điện tử, hệ thống cáp ngầm… (lúc này ta mới có tổng đài cơ khí). Yêu cầu cấp bách đặt ra là phải kịp thời tiếp quản, làm chủ, khai thác hiệu quả để trực tiếp phục vụ chiến đấu và sử dụng lâu dài.

Để nhanh chóng làm chủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại, ngoài phát huy kiến thức, kinh nghiệm, các thành viên đoàn công tác còn tận dụng đội ngũ nhân viên kỹ thuật của ngụy quân, ngụy quyền.

“Đội ngũ nhân viên kỹ thuật của ngụy quân, ngụy quyền được tu nghiệp ở Mỹ nên giỏi chuyên môn. Chúng tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đối xử nhân văn, thậm chí đến tận nhà một số người có trình độ cao để “mời” phối hợp làm việc. Điều này khiến họ cảm phục, bớt tâm lý mặc cảm và rất tích cực hợp tác. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, đoàn công tác đã hoàn toàn làm chủ các khí tài, trang bị này”, Thiếu tướng, PGS, TS Bùi Huy Hoàng cho biết.

Điều khiến Thiếu tướng, PGS, TS Bùi Huy Hoàng nhớ mãi là nhiều nhân viên kỹ thuật của ngụy quân, ngụy quyền không chỉ bày tỏ sự cảm phục trước cách ứng xử nhân văn mà còn rất ngạc nhiên trước trình độ, sự hiểu biết về khoa học kỹ thuật của bộ đội giải phóng. Họ không biết rằng, mặc dù trong điều kiện kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ, nhưng Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng vẫn luôn quan tâm, chăm lo xây dựng nền khoa học-kỹ thuật quân sự, khi cử nhiều cán bộ sang đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Trong đoàn công tác của Viện KTQS ngày ấy, đa số đã được đào tạo ở nước ngoài, nên rất thuận lợi trong việc tiếp cận, làm chủ các trang bị hiện đại.

Trạm thông tin viễn thông ICS ở bán đảo Sơn Trà là trạm thông tin đối lưu đầu tiên được làm “sống lại”, đưa vào hoạt động phục vụ cách mạng sau khi quân ta vào tiếp quản.

Theo bước chân của đoàn quân giải phóng, đoàn công tác của Đại úy, Phó tiến sĩ Trần Thức Vân (thời gian sau được hỗ trợ bởi các cán bộ, giảng viên của Học viện KTQS) tiếp tục tiếp quản thành công các trạm ICS ở Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)… Kết quả tiếp quản, nghiên cứu của Viện KTQS đã giúp Trung đoàn 596 (nay là Lữ đoàn 596), Binh chủng Thông tin liên lạc quản lý, vận hành, đưa mạng viễn thông vào hoạt động.

Phục vụ kịp thời Chiến dịch Hồ Chí Minh

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều đoàn công tác của Viện KTQS đã tỏa vào khắp các chiến trường, lập được nhiều thành tích, chiến công, góp phần làm nên chiến thắng.

Sau khi giải phóng Đà Nẵng, Bộ Tổng Tham mưu đã cử Đại tá Hoàng Đình Phu, Viện trưởng Viện KTQS làm trưởng đoàn cán bộ các cơ quan, các quân, binh chủng vào giúp Quân khu 5 tiếp quản cơ sở vật chất kỹ thuật của Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền ở miền Trung.

Được sự giúp đỡ của Quân khu 5, đoàn công tác đã nắm bắt kịp thời toàn bộ trang bị, kho tàng, từ tổng kho An Đồn, các căn cứ công binh, pháo binh, không quân, hải quân, trạm thông tin viễn thông ICS của địch ở bán đảo Sơn Trà... Với những số liệu được thống kê và đánh giá thực trạng vũ khí, trang bị thu được của địch, đã giúp Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật đưa ra chủ trương, kế hoạch điều động vũ khí, khí tài, pháo, đạn dược, xăng dầu... phục vụ kịp thời cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, cùng với bước chân chiến thắng của Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, Viện KTQS tiếp tục được Bộ Quốc phòng và Tổng cục Kỹ thuật giao nhiệm vụ tổ chức các đoàn cán bộ tham gia cùng các quân, binh chủng, cơ quan vào miền Nam tiếp quản các cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, kho tàng liên quan đến chuyên môn của Viện.

Sau khi đoàn công tác của Đại úy, Phó tiến sĩ Trần Thức Vân vào tiếp quản trạm thông tin viễn thông ICS ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), ngày 27-4-1975, Đại úy, Phó tiến sĩ Ngô Đình Liêu được Viện KTQS cử làm trưởng đoàn cán bộ vào tiếp quản cơ sở vật chất kỹ thuật của địch, phục vụ cho bộ đội ta tác chiến ở các căn cứ ven biển Nam Trung Bộ. Đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở căn cứ liên hợp không quân, hải quân Cam Ranh (Khánh Hòa), quản lý lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng). Ngày 30-4-1975, Sài Gòn được giải phóng, đoàn đã kịp thời vào tiếp quản hai trung tâm máy tính điện tử IBM 360/40 và 360/50 ở Bộ Tổng Tham mưu ngụy quân, ngụy quyền.

 Sau giải phóng, Viện Kỹ thuật quân sự đã khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống máy tính IBM/360/40. Ảnh tư liệu

Sau giải phóng, Viện Kỹ thuật quân sự đã khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống máy tính IBM/360/40. Ảnh tư liệu

Cũng trong ngày 30-4-1975, đoàn công tác gồm 26 cán bộ của Viện KTQS đã nhanh chóng cơ động xuống khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần cùng Quân khu 8 (cũ) và Quân khu 9 quản lý, giữ gìn hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ở Cần Thơ và các nơi khác...

Đầu tháng 5-1975, Đại tá, Viện trưởng Viện KTQS Hoàng Đình Phu dẫn đầu đoàn cán bộ chủ chốt của Viện vào Sài Gòn tiếp quản cơ sở vật chất kỹ thuật có liên quan. Được sự đồng ý của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Viện đã thu một lượng lớn các thiết bị tác chiến điện tử, máy đo lường cao cấp, nhiều máy móc trang bị kỹ thuật chuyên dùng khác, để hiện đại hóa và xây dựng hệ thống cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm.

Cùng với các cơ sở kỹ thuật quân sự ở Sài Gòn, Viện KTQS cũng đã kịp thời tiếp quản các cơ sở ở nhiều địa phương khác, thiết thực phục vụ chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, đối ngoại quân sự và góp phần bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu của Viện sau này.

TRUNG HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/vien-ky-thuat-quan-su-trong-chien-dich-ho-chi-minh-825696