Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu: Những đóng góp lớn
Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu có chức năng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh giống cây có dầu, phục vụ ngành nông nghiệp, công nghiệp.
Từ làm chủ nguyên liệu chế biến…
Ngành dầu thực vật là ngành có liên quan chặt chẽ với nhiều lĩnh vực khoa học như sinh học, nông nghiệp, hóa học chất béo và công nghệ chế biến. Một trong những vấn đề của ngành dầu thực vật Việt Nam là vùng nguyên liệu, trong đó chủ yếu liên quan đến vấn đề giống, vì vậy nghiên cứu đa dạng hóa về các giống cây có dầu là một trong những thế mạnh của Viện.
Hiện nay, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (Bộ Công Thương) đã được nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ thường xuyên thu thập, bảo tồn và lưu giữ được 51 giống dừa, 179 giống lạc, 93 mẫu giống vừng, 111 mẫu giống đậu tương, trong đó có nhiều giống nổi bật với các đặc tính quý hiếm như năng suất, hàm lượng dầu cao, chống chịu sâu bệnh và thích nghi với các điều kiện biến đổi khí hậu, nhiễm mặn cao.
Từ những tập đoàn quỹ gen cây có dầu với hàng trăm mẫu giống, sau nhiều năm nghiên cứu, Viện đã chọn lọc và lai tạo được nhiều giống cây có dầu có năng suất cao, chất lượng tốt được công nhận là giống quốc gia. Đặc biệt, gần đây Viện đã nghiên cứu thành công công nghệ nuôi cấy phôi giống dừa Sáp trong khuôn khổ Dự án phát triển sản xuất giống dừa, hằng năm cung cấp cho bà con nông dân trong cả nước hàng nghìn cây giống dừa Sáp nươi cấy phôi đặc ruột.
Sản phẩm giống dừa Sáp từ nuôi cấy phôi của Viện có tỷ lệ quả đặc ruột trên buồng lên tới hơn 80% (trong khi giống dừa sáp ươm từ quả tỷ lệ đặc ruột chỉ đạt 15-20%) đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân trồng dừa. Tiếp nối thành công trên, Viện bước đầu nghiên cứu giống dừa Sáp thơm và đã chọn ra được một số cặp lai có đặc tính quý, vừa có sáp vừa thơm (lai tạo giữa dừa Sáp x dừa Dứa).
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị của các cây có dầu, tinh dầu cũng như tìm kiếm các nguồn nguyên liệu dầu mới, trong thời gian qua, Viện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm trong chế biến các sản phẩm từ cây có dầu, tinh dầu và các phụ phẩm của công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến.
Có thể kể đến một số sản phẩm tiêu biều như sản phẩm nước dừa tươi đóng chai bằng công nghệ lọc màng, rượu, đường, siro từ mật hoa dừa, bột sữa dừa sáp… Trong đó, nhiều sản phẩm đã được Viện phối hợp với doanh nghiệp thương mại hóa và ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.
Bên cạnh những sản phẩm kể trên, Viện còn làm chủ nhiều quy trình công nghệ và sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu. Một số quy trình công nghệ chế biến tiêu biểu có thể kể đến như: Công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh cố định đạm; công nghệ bảo quản quả dừa tươi phục vụ xuất khẩu; công nghệ chế biến sữa giàu hoạt tính sinh học từ hạt bí ngô; quy trình sản xuất màng mỏng BC từ nước dừa già; quy trình chế biến bột sữa dừa sáp; quy trình chiết tách Galactomannan từ dừa sáp; cùng các công nghệ chế biến dầu (hạt chùm ngây, dầu hạt dưa hấu, dầu hạt mắc ca…) và các loại tinh dầu thiên nhiên.
Ngoài ra, Viện còn tận dụng phụ phẩm của công nghệ sau thu hoạch như bã thải quả thanh long, hạt jatropha, vỏ quả ca cao… để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp bền vững. Hiện Viện đã có hai loại phân bón hữu cơ IOOP-1, IOOP-2 được Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép lưu hành tại Việt Nam.
... đến ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu
Trong thời gian gần đây, nhiều sản phẩm của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã được thương mại hóa như: Sản phẩm dầu hạt thanh long, dầu vừng, đã chào bán và đang cung cấp cho thị trường cả nước; giống dừa Sáp nuôi cấy phôi (NCP) và chuyển giao công nghệ trồng dừa Sáp NCP cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh; chuyển giao 2 giống vừng, 2 quy trình canh tác vừng và 3 mô hình tại các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Tân Hồng (Đồng Tháp).
Bên cạnh đó, tuyển chọn được 1 giống lạc mới và chuyển giao cho Viện Di truyền Nông nghiệp; tuyển chọn được 3 giống lạc có năng suất cao, chất lượng tốt, các biện pháp kỹ thuật và 6 mô hình cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận để ứng dụng vào sản xuất. Hoàn thiện công nghệ sản xuất dầu hạt thanh long bằng phương pháp ép lạnh, đào tạo cán bộ vận hành cho Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất rượu Thanh Long cũng như dự kiến phối hợp với Công ty thương mại hóa một số sản phẩm mỹ phẩm như son dưỡng môi, nước hoa khô.
Viện cũng đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (Betrimex) thực hiện chương trình đào tạo và tư vấn về trồng dừa, xây dựng mô hình giống mới nhằm giúp công ty hoàn chỉnh phương án sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết khép kín từ nguyên liệu đến chế biến phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ.
Ngoài ra, Viện còn hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu TTP về phân phối sản phẩm tinh dầu. Nhờ vậy, các sản phẩm như: Dầu dừa tinh khiết; dầu vừng chất lượng cao; rượu cao độ, rượu vang, nước giải khát, đường và siro từ mật hoa dừa; tinh dầu thiên nhiên (chúc, bưởi, tràm trà,…), các sản phẩm tinh dầu xông, dầu massage có chất lượng cao, không sử dụng hóa chất và các sản phẩm từ thiên nhiên khác đã được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đáng chú ý, Viện thành lập được hai showroom để giới thiệu các thành tựu nghiên cứu và trưng bày sản phẩm chế biến từ cây có dầu, tinh dầu các loại tại 171 Hàm Nghi, Quận 1, Tp.HCM và 96 Lý Tự Trọng, Tp. Vũng Tàu nhằm phục vụ nhu cầu xã hội và giới thiệu đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp, để chuyển giao nhanh các sản phẩm nghiên cứu khoa học và phục vụ nhu cầu thị trường, bước đầu đã đóng góp không nhỏ vào nguồn thu của Viện.
Để đẩy mạnh hoạt động và nâng cao năng lực của Trung tâm Phân tích và Kiểm định, Viện đã tăng cường đầu tư để Trung tâm từng bước thực hiện tốt các dịch vụ kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực kiểm tra, kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm đối với dầu thực vật, nguyên liệu dầu thực vật, các sản phẩm từ dầu, các sản phẩm thực phẩm. Hiện Phòng thử nghiệm Hóa và Vi sinh của Trung tâm được Văn phòng công nhận chất lượng BoA cấp chứng chỉ phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025: 2017.
Với lợi thế nghiên cứu được giống dừa Sáp nhờ nuôi cấy phôi với tỉ lệ đặc ruột đến hơn 80% và đã chọn tạo được 6 giống dừa được Nhà nước công nhận là giống quốc gia, 3 giống dừa lai công nhận sản xuất thử, Viện rất mong muốn trong thời gian tới có thể triển khai xây dựng được các vùng nguyên liệu tập trung, thúc đẩy việc hình thành những cánh đồng lớn, thực hiện thành công phương châm liên kết giữa các nhà: nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông, tạo nền tảng cho việc xây dựng các thương hiệu, các chứng nhận, truy xuất nguồn gốc. Có như vậy, ngành sản xuất dừa mới thực sự phát triển xứng tầm với tiềm năng của nó.
Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ, tiếp tục củng cố, xây dựng nguồn nhân lực, ổn định và phát triển toàn diện, nỗ lực từng bước cải tiến và chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm phát huy truyền thống, tận dụng tối đa nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hiện có phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, là đơn vị nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực dầu và cây có dầu Việt Nam.