'Viên ngọc sáng' tuổi 17 trong làng Quan họ Bắc Ninh
Minh Ngọc sinh năm 2004, lớn lên tại vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh, nơi có những làn điệu dân ca Quan họ mượt mà, tha thiết say đắm lòng người và cô hiện đang là sinh viên khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Tình yêu ca hát, niềm đam mê Quan họ của Minh Ngọc sớm được hình thành từ nhỏ, khi ba mẹ là người yêu nghệ thuật và luôn tạo điều kiện cho cô được xem các hội thi văn nghệ của xã, huyện của tỉnh. Và chính cái nôi miền quê Quan Họ, với những làn điệu dân ca đã ngấm sâu vào con người Ngọc cho tới ngày hôm nay. “Khi nhỏ, mình luôn ước mơ một ngày nào đó được đứng trên sân khấu cùng ánh đèn thật lung linh; Cho đến giờ, tâm trí lúc nào cũng một lòng hướng đến sự nghiệp dân gian” - Ngọc bày tỏ.
Những dấu mốc cuộc đời
Thành tích đầu tiên trong sự nghiệp nghệ thuật của Minh Ngọc cách đây 10 năm, khi cô đạt giải Nhì cuộc thi Sơn Ca Bắc Ninh 2011 do Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh tổ chức. Một cô bé 7 tuổi đã nhận được nhiều sự quan tâm và cổ vũ của mọi người. Đó là kí ức Minh Ngọc không thể nào quên, là cảm xúc hạnh phúc và luôn trân trọng.
Dấu ấn tiếp theo là khi Minh Ngọc tham gia cuộc thi Tuyệt đỉnh song ca nhí. Khi đi thi cô bạn với tâm thế thoải mái, vạch rõ mục tiêu, nhưng không đặt nặng vấn đề giải thưởng. Tự tin thể hiện một bài Quan họ “Buôn Bấc Buôn Dầu” nói tới nét đẹp truyền thống của con người Bắc Ninh, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả. Trong chương trình Tuyệt đỉnh song ca nhí, đồng hành và hỗ trợ Minh Ngọc ở các vòng thi chính là ca sĩ Cẩm Ly, diễn viên Huỳnh Lập, giám đốc âm nhạc – nhạc sỹ Minh Vy. Dưới sự chỉ dạy từ các nghệ sĩ, huấn luyện viên càng làm cho Ngọc ham học hỏi hơn và tự tin thể hiện các bài hát khó. Hơn cả mong đợi, trải qua 7- 8 vòng thi Minh Ngọc xuất sắc giành giải thưởng Quán Quân khi đang ở độ tuổi 14. Bước ra từ cuộc thi, Ngọc không chỉ thu về kiến thức âm nhạc mà còn là sự tự tin mạnh mẽ, tính tập trung cao độ, sự quan tâm của khán giả, đặc biệt là khán giả Bắc Ninh.
Xác định mục tiêu và tập trung nỗ lực
“Sau cuộc thi, mình đã nhận ra niềm đam mê âm nhạc trong chính con người mình và quyết định theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp”- Ngọc chia sẻ.
Có thể nói thành quả bước đầu trong âm nhạc đã tạo động lực cho người con gái Bắc Ninh có sức mạnh dấn thân với nghề một cách bài bản hơn, có kế hoạch hơn. “Cầm trong tay giải thưởng âm nhạc nhưng mình không quên phải làm tốt công việc học văn hóa. Việc ôn thi song song 2 trường ở 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau ở thời điểm đó rất vất vả nhưng cũng thật hạnh phúc” – Minh Ngọc tâm sự.
Khi đã đỗ cả hai trường Ngọc lên Hà Nội, để thuận tiện cho việc học văn hóa cũng như phát triển niềm đam mê âm nhạc. 15 tuổi đã trở thành cô học trò nhỏ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và 15 tuổi phải xa bố mẹ với với một cô bé quả là không dễ dàng.
Thời gian dần trôi, hiện tại Ngọc đang là học sinh lớp 12 và học năm 3 Hệ Trung Cấp Thanh Nhạc. Cô bạn liên tục nhận được học bổng của trường qua các năm. Ngọc cũng tâm sự rằng: “Dù đó chỉ là món quà tinh thần nho nhỏ nhưng đã giúp mình có động lực hơn và chăm chỉ hơn. Mình sẽ cố gắng và chuẩn bị thật tốt cho kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới và năm thứ 4 tại khoa Thanh Nhạc. Trong quá trình học, mình biết ơn cô Tân Nhàn, cô là người thầy và là thần tượng âm nhạc lớn của mình”.
Tạo ra giá trị nghệ thuật chân chính là xây dựng đất nước
Là thế hệ Gen Z mang tình yêu dân ca Quan họ, Minh Ngọc đã có lý tưởng sống của riêng mình. Với một sinh viên trường nhạc, học tập và sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật chân chính cũng là đang góp phần cho nhiệm vụ xây dựng đất nước.
Bước vào thời đại chuyển đổi số 4.0 ai nắm được tri thức mới có thể phát triển và xây dựng đất nước. Với xu hướng đó Ngọc cho rằng: Các bạn trẻ nói chung cần thiết lập kế hoạch với chính ước mơ của mình. Học chân chính và học bằng khả năng của bản thân. Rèn đức, luyện tài và xác định nhiệm vụ xây dựng đất nước của cá nhân bằng chính lý tưởng mình đang theo đuổi.
Ở một tương lai không xa Ngọc mong muốn có thể tạo ra nhiều sản phẩm âm nhạc độc đáo phục vụ khán giả. Khai thác sáng tạo từ chất liệu dân gian, cổ tích, câu chuyện lịch sử vào âm nhạc để tiếp cận các bản trẻ nhiều hơn. Nhằm lưu giữ và lan tỏa nét dân gian bản sắc dân tộc, linh hồn văn hóa đất nước.