Viên ngọc tâm hồn

Tôi trở lại Nam Giang vào một ngày thu. Sắc trời ban ngày trong xanh, bầu trời cao chưa gợn mây mờ, vậy mà vào lúc chiều tối trời bỗng se lạnh, với cơn gió đêm đã khiến ta phải khẽ rùng mình.

Tôi trở lại Nam Giang vào một ngày thu. Sắc trời ban ngày trong xanh, bầu trời cao chưa gợn mây mờ, vậy mà vào lúc chiều tối trời bỗng se lạnh, với cơn gió đêm đã khiến ta phải khẽ rùng mình.

Cảnh sắc Nam Giang.

Cảnh sắc Nam Giang.

Thị trấn Thạnh Mỹ, huyện lỵ của Nam Giang, đã khác xưa nhiều lắm. Các cơ quan, bệnh viện, trường học và nhà ở đã khang trang, bề thế, biểu hiện của sức sống mới. Đường Trường Sơn, đoạn đi qua Nam Giang, vốn đã được xây dựng công phu ngay từ thời kỳ chiến tranh, nay rộng thênh thang và hiện đại, khiến khách lạ trên đường có thể không ngờ rằng đây là một huyện miền núi đã từng chịu đựng bao biến thiên của thăng trầm lịch sử.

Huyện Nam Giang (ngày trước gọi là huyện Giằng), vốn nổi tiếng với đặc sản loòng boong, từng được các chúa, vua nhà Nguyễn ban cho cái tên đẹp đẽ là Nam Trân; và đã từng được cử quan Quản coi sóc, để mỗi năm, vào đầu mùa, hái và cho chạy ngựa trạm hỏa tốc về Kinh thành Huế để tiến vua.

Hơn ba mươi năm trước, tôi đã từng mang ba lô lặn lội đến vùng đất này, vào sống ở làng Dung với đồng bào Cơ Tu, trong những chuyến điền dã lặng lẽ và dài ngày, để sưu tầm vốn văn hóa dân gian miền núi và cũng để trải nghiệm giữa quyến rũ của sự hoang sơ của cảnh giới thiên nhiên kỳ vĩ, tựa hồ còn giấu che bao điều bí ẩn của chốn đại ngàn.

Cũng chính ở bản làng Dung bé nhỏ, hiền hòa ấy, lần đầu tiên trong đời tôi được uống loại rượu đặc sản của núi rừng xứ Quảng, là rượu Tà-vạk, thứ rượu dịu ngọt được làm nên từ chính bầu nước của cây Tà-vạk. Rồi trong đêm trăng lạnh, ánh mắt của người con gái Cơ Tu xinh đẹp và trắng trẻo như một thiếu nữ châu Âu, ban đầu chỉ như một tia lửa nhỏ, về sau ngọn lửa ấy như bùng lên, khiến bốn bàn tay níu chặt vào nhau không rời. Nhưng rồi ý thức trách nhiệm hay cái thiên lương vốn đã được ông nội là một Nho sinh lỡ vận luôn nhắc nhở, từ những ngày tôi còn thơ dại, phải cẩn trọng giữ gìn, đã khiến tôi dừng lại? Hoặc giả tiếng con chim đêm kêu bất ngờ, thảng thốt, như ẩn giấu nỗi đe dọa vô hình của núi rừng linh thiêng đã níu giữ, không cho tôi bước quá về phía bên kia của nỗi đam mê?

Mãi nhiều năm tháng về sau, trong những lần chợt thức giấc nửa khuya, tôi vẫn như còn nhìn thấy lại ánh lửa nồng nàn trong đôi mắt đen huyền ấy; còn nhận ra mùi hương kỳ diệu vẫn vương vấn trên trái tim tôi dại khờ; vẫn thấy hiển hiện hình ảnh người con gái đẹp miền cao có tiếng hát trong trẻo, véo von như tiếng chim rừng trong ánh bình minh ấy; nhớ lại với một cảm giác tự bằng lòng về chính mình, xen lẫn một nỗi nhớ tiếc, xốn xang. Nỗi nhớ như càng đầy hơn lúc bước chân về xuôi, dùng dằng quay đầu nhìn lại vẫn còn thấy đôi mắt u uẩn của người thiếu nữ dân tộc Cơ Tu có nét đẹp phương Tây kia đang đứng dừng lại cô đơn dưới bóng cây trên bến Giằng. Đôi mắt ám ảnh hay buổi chiều thu nhạt nắng ấy đã khiến những hồi ức không ngừng xao xuyến về thời điểm của một định mệnh chia lìa? Tôi không biết. Nhưng núi rừng quê hương thì vẫn như mãi nhắc nhở tôi phải luôn luôn sống đẹp và cố gắng thực hiện cái hoài bão trả nghĩa cho đất rừng.

Có một điều đặc biệt, tuy là một huyện miền núi nhưng giao lưu đường thủy, với xã hội bên ngoài, của huyện Giằng xưa kia, và Nam Giang ngày nay, lại tiện lợi không kém gì đường bộ. Ít có một huyện miền núi nào mà ghe thuyền đi lại nhiều như vậy trên dòng sông Bung, sông Cái; và cũng ít có bến sông nào nhộn nhịp như bến sông Thạnh Mỹ, nơi từ thời Pháp thuộc vẫn được gọi là Bến Giằng.

Hơn ba mươi năm trước, trên bến sông này, tôi đã được nghe kể về một truyền thuyết lạ lùng, cảm động.

Rằng, đoàn người đưa công chúa Huyền Trân xuôi Nam sau nhiều ngày đường vất vả chừng đã mệt nhoài. Vào một buổi chiều, qua một đoạn thượng đạo chênh vênh, đến một bến sông nước trong vắt, công chúa bảo ngừng kiệu lại và hỏi:

- Đây là xứ nào?

Viên quan hướng đạo vội thưa:

- Dạ bẩm, đây là Tượng Lâm. Chốn này đã là đoạn đường cuối cùng thuộc mảnh đất vua Chiêm vừa dâng cho triều đình ta…

Công chúa Huyền Trân bước xuống bến sông. Nàng cúi nhìn dòng nước, rồi bỗng ngẩng lên, đăm chiêu nhìn những áng mây chiều. Và Một Giọt Lệ lăn dài trên má nàng…

Cầu Giằng.

Cầu Giằng.

Rằng, đoàn người đưa Huyền Trân công chúa, theo thượng đạo, sẽ đến cố đô Trà Kiệu, nơi Chiêm vương Chế Mân đang chờ đón nàng, để làm lễ tại vùng đất thiêng ấy, trước khi đưa nàng về kinh đô Đồ Bàn. Khi được biết bến sông mà nàng dừng lại nghỉ chân từ nay là mảnh đất địa đầu của bản triều, thuộc hai châu Ô, Lý mà Chiêm vương đã dâng lên vua cha để làm sính lễ, mảnh đất đánh đổi cho cuộc vu quy của nàng, Huyền Trân đã để rơi giọt lệ xa nhà, nhớ nước xuống dòng sông.

Rằng, giọt nước mắt của Huyền Trân không tan hòa trong làn nước, mà chìm xuống đáy sông, kết tinh thành một viên ngọc màu đỏ. Và khi nàng công chúa đã đi xa khỏi bến sông ấy nhiều năm tháng rồi, mỗi đêm viên ngọc lại nổi lên mặt sông, chiếu sáng long lanh trên dòng sông đêm vắng lặng.

Truyện còn kể rằng, mùi hương từ mái tóc dài óng mượt của công chúa Huyền Trân bay tạt vào rừng. Về sau, cả một vùng rừng mênh mông chốn ấy, kéo dài đến tận phía Nam, thân cây nào cũng thơm ngào ngạt. Và cả vùng rừng ấy trở thành rừng quế. Còn bến sông công chúa nhỏ giọt nước mắt thương nhớ, dùng dằng không muốn xa rời đất nước- giọt nước mắt đã hóa thành viên ngọc đỏ, viên ngọc của tâm hồn- người đời sau gọi là Bến Giằng.

Phần vĩ thanh của truyền thuyết, cũng không kém phần lãng mạn, kể rằng khi đã về làm vợ vua Chiêm Chế Mân, trở thành hoàng hậu với mỹ hiệu là Paramecvari, Huyền Trân bị bệnh phong thấp. Vốn yêu thương và cưng chiều người vợ đẹp quý tộc, vua Chiêm đã sai viên quan hầu lấy gỗ quế Trà My (phải là cây quế ở chính mảnh đất được dâng làm sính lễ kia) đẽo thành đôi guốc mộc để hoàng hậu mang trong cung. Nhờ vậy, bệnh phong thấp của nàng dần dần dứt hẳn.

Trong văn học dân gian, những truyền thuyết, thần thoại suy nguyên (mythologie étiologique) là những truyện nhằm lý giải, suy đoán về nguồn gốc của sông núi, đất đai và muôn loài. Và truyền thuyết trên đây phải chăng cũng chính là cách giải thích về tên của một bến sông, một loài cây quý là cây quế xứ Quảng, thể hiện niềm tự hào, chứng minh sự hiện diện của những người dân Việt đầu tiên trên vùng đất mới?

Còn tôi, một kẻ hậu sinh nặng lòng hoài cổ, một đứa con của xứ Quảng phải sống xa quê, một ngày mùa thu trở về, lòng không khỏi bồi hồi trên bến sông xưa, khi ôn lại chuyện của người con gái "nước non ngàn dặm ra đi…".

Tần Hoài Dạ Vũ

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/vien-ngoc-tam-hon-post296823.html